Theo Tạp chí The Economist của Anh, dù hiện nay đa số người dân Scotland ủng hộ vùng lãnh thổ này độc lập khỏi Vương quốc Anh, song Scotland vẫn chưa có cơ chế, công cụ để thực hiện.
Chặng đường để Scotland tách ra khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh sẽ còn gập ghềnh và nhiều thách thức. (Nguồn: Financial Times)
Nước Anh trước nguy cơ tan rã
Ngày 28/1, khi Thủ tướng Anh Boris Johnson đáp máy bay đến Scotland để cố gắng thuyết phục người dân xứ này về giá trị của Vương quốc Liên hiệp Anh, mảnh đất dưới chân ông dường như đã sẵn sàng tách ra.
Nhiều người theo chủ nghĩa hợp nhất cho rằng Vương quốc Anh chắc chắn sẽ tan rã. Brexit đã khiến mối quan hệ giữa 4 vùng ngày càng thêm lỏng lẻo.
Số người Anh nghĩ rằng Scotland sẽ giành được độc lập trong 10 năm nữa nhiều gấp đôi số người cho rằng đất nước sẽ vẫn gắn kết. Chưa đến một nửa số người Anh nói rằng họ sẽ buồn nếu Scotland tách ra.
Đảng Dân tộc Scotland (SNP) dự kiến sẽ giành đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội Scotland vào tháng 5 tới, và đảng này sẽ tận dụng cuộc bầu cử đó để tìm kiếm một cuộc trưng cầu ý dân lần hai về độc lập. Trong cuộc trưng cầu ý dân đầu tiên năm 2014, người dân Scotland đã bỏ phiếu ở lại Vương quốc Anh, nhưng hiện nay đa số bày tỏ muốn độc lập.
Bà Nicola Sturgeon, lãnh đạo SNP, có tỷ lệ ủng hộ cao, trong khi ông Boris Johnson không có được điều đó.
Brexit đang tàn phá ngành đánh bắt cá của Scotland. Người Scotland hiểu rằng độc lập sẽ khiến họ nghèo hơn, nhưng giống như Brexit, đó là chiến thắng của lý tưởng lập hiến trước lợi ích kinh tế.
Cơ hội mong manh cho Scotland
Tuy nhiên, đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc Scotland, Vương quốc Anh dường như rất mạnh mẽ. Dù người Scotland ủng hộ độc lập, cơ chế phá vỡ Vương quốc Anh vẫn nằm ngoài tầm với.
Hôm 24/1, ông Michael Russell, Bộ trưởng chịu trách nhiệm về lập hiến của SNP, đã trình bày với các thành viên thiếu kiên nhẫn của mình một kế hoạch mới để thúc đẩy một cuộc trưng cầu ý dân. Cơ hội thành công của kế hoạch này rất mong manh.
Lý do chính là Hiến pháp Anh. Luật pháp Anh không có điều khoản nào tương đương với Điều 50 của Liên minh châu Âu (EU), điều khoản mà bất kỳ quốc gia nào có thể kích hoạt để tách ra độc lập. Đúng hơn, Đạo luật Scotland, đạo luật giúp thành lập Quốc hội Scotland, quy định lập pháp thuộc thẩm quyền của Westminster (Quốc hội Anh).
Chính phủ của ông David Cameron từng cấp phép cho cuộc trưng cầu ý dân năm 2014 bằng một chỉ thị theo Mục 30, theo đó cho phép Quốc hội Scotland thông qua điều luật thông thường thuộc thẩm quyền của Westminster.
Thủ tướng đương nhiệm Johnson tuyên bố ông sẽ không đưa ra một chỉ thị như vậy và khoảng thời gian chờ đợi giữa 2 cuộc trưng cầu ý dân ở Anh về châu Âu năm 1975 và 2016 là “một điều tốt” - hàm ý rằng sẽ không có cuộc trưng cầu ý dân tại Scotland cho đến năm 2055.
Tuy nhiên, chính phủ vẫn lo lắng về sự ủng hộ độc lập và đang vạch ra một chiến lược để củng cố Liên hiệp. Trong chuyến thăm Scotland, ông Johnson đã ca ngợi vai trò của Whitehall (chính phủ Anh) và Quân đội Anh trong việc cung cấp vaccine Covid-19 cho Scotland.
Ông không phải đối mặt với áp lực trong nội bộ đảng cầm quyền phải tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân như người tiền nhiệm Cameron đã làm về vấn đề châu Âu. Rạn nứt kéo dài về vấn đề độc lập ở Scotland sẽ cho phép những người Bảo thủ lấy được phiếu bầu của những người Scotland ủng hộ thống nhất.
Nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc biết điều này. Những lo ngại của phe dân tộc chủ nghĩa rằng độc lập có thể tuột khỏi tay họ nếu Thủ tướng Johnson giữ vững lập trường của tổ chức “Tất cả dưới một khẩu hiệu” (All Under One Banner) - một hội nhóm đã tổ chức các cuộc tuần hành đòi độc lập.