Sinh vật kịch độc với toàn thân màu tím xuất hiện trên bãi biển ở Anh

Một sinh vật trông giống chiếc phao màu tím mờ, có mào nghiêng với những xúc tu màu hồng và râu dài màu xanh, vừa được phát hiện tại bãi biển ở Cornwall, nước Anh.

1 Sinh Vat Kich Doc Voi Toan Than Mau Tim Xuat Hien Tren Bai Bien O Anh

Mới đây, loài sứa cực độc với cái tên Portugese man o'war đã được phát hiện đang dạt vào bãi biển Sennen và vịnh Portheras, Cornwall, theo CornwallLive.

Người dân địa phương cho biết đã từng nhìn thấy loài sứa này ở Portheras Cove, gần Pendeen. Một nhóm tình nguyện viên cộng đồng có tên Friends of Portheras đã đưa ra cảnh báo trên Twitter về hiện tượng bất thường trên. Họ viết: "Sứa sát thủ đã trở lại! #PortugueseManoWar. Vui lòng KHÔNG chạm vào chúng và báo cáo ngay cho Hiệp hội Bảo tồn Đại dương".

2 Sinh Vat Kich Doc Voi Toan Than Mau Tim Xuat Hien Tren Bai Bien O Anh

Ngay cả khi đã chết, những xúc tu của sinh vật này vẫn vô cùng nguy hiểm. Ảnh: Dailystar.

Bên cạnh đó, trên Twitter cũng đã có những báo cáo về việc Portugese man o'war được phát hiện ở Bryher, một hòn đảo thuộc quần đảo Scilly. Rất nhiều nhân chứng kể lại rằng họ đã thấy chúng đang nhấp nhô trên mặt biển. Nhiều con bị trôi dạt vào bờ cát, có thể là do mắc kẹt trong rong biển.

Portuguese man o' war (tên khoa học Physalia physalis) dài khoảng gần 4m, mặc dù vậy các xúc tu của chúng có thể vươn xa tới gần 50m và hầu như không thể nhìn thấy được. Dù có hình dáng giống sứa nhưng Portuguese man o' war không phải là một loài đơn mà là một quần thể nhiều cá thể nhỏ gọi là thủy tức. Xúc tu của chúng mang độc tố cao, có thể gây đau đớn dữ dội, thậm chí là tử vong.

3 Sinh Vat Kich Doc Voi Toan Than Mau Tim Xuat Hien Tren Bai Bien O Anh

Xúc tu của Portuguese man o' war mang độc tố cao, có thể gây đau đớn dữ dội, thậm chí tử vong.

Năm 2017, đoàn quay phim của BBC buộc phải tháo chạy sau khi bị những con Portuguese man o' war đốt trong lúc ghi hình chương trình tài liệu tự nhiên Blue Planet II ở ngoài khơi quần đảo Canary thuộc Đại Tây Dương.

Những chiếc xúc tu của chúng chích vào tay các nhà quay phim, khiến họ quằn quại vì đau đớn và buộc phải đi tiểu lên vết thương để giảm nhẹ cơn đau.

"Một khi bị đốt, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tim đập thực sự nhanh. Bạn phải lao lên khỏi mặt nước và đi gần 13 km để quay vào bờ. Những chiếc xúc tu đâm vào da bạn, do đó bạn phải cạo phần da đó đi, làm sạch tế bào đốt một cách cẩn thận bởi càng lúc chúng càng tiết ra nhiều nọc độc hơn", Andrea Casini, trợ lý quay phim, kể.

"Cơn đau có thể kéo dài hàng tiếng đồng hồ và bạn sẽ làm bất kỳ điều gì để nó biến mất. Sau khi bị đốt, chúng tôi thử mọi cách, dùng nước nóng, nước lạnh, thậm chí đi tiểu lên vết thương theo mẹo truyền thống nhưng không có tác dụng", Casini chia sẻ. Cuối cùng, đoàn quay phim phát hiện dùng kem cortisone có thể chữa được vết thương.

4 Sinh Vat Kich Doc Voi Toan Than Mau Tim Xuat Hien Tren Bai Bien O Anh

Theo trang web của The Wildlife Trusts, Portuguese man o' war hiếm khi được tìm thấy ở Vương quốc Anh. Một phát ngôn viên của The Wildlife Trusts cho biết Portuguese man o' war là một quần thể được tạo thành từ nhiều cá thể nhỏ. Chúng không thể sống tách biệt và phải hoạt động cùng nhau một cách nhất quán.

Chúng không biết bơi và thường bị gió đẩy đi, đó là lý do tại sao Portuguese man o' war thường bị dạt vào bờ sau những cơn bão lớn.

Phát ngôn viên cảnh báo: "Loài sứa này là những kẻ săn mồi đáng sợ, chúng bắt cá nhỏ và động vật giáp xác bằng những xúc tu dài. Bạn cần phải rất đề phòng những xúc tu, chúng có thể chích ngay cả khi con vật đã chết".

Minh Hoa(t/h)

nguoiduatin.vn

 

Bài liên quan