Tàu chiến Anh và New Zealand vào Biển Đông tập trận, Việt Nam nói gì?

Trong cuộc họp báo ngày 7-10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng kêu gọi các bên tuân thủ luật quốc tế và đóng góp cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

1 Tau Chien Anh Va New Zealand Vao Bien Dong Tap Tran Viet Nam Noi Gi

Khinh hạm HMZNS Te Kaha tham gia cuộc tập trận có sự góp mặt của 3 nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ, Anh trên biển Philippines - Ảnh: L

Theo thông báo ngày 6-10 của Lực lượng phòng vệ New Zealand (NZDF), khinh hạm HMZNS Te Kaha của nước này đã cùng nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh tiến vào Biển Đông.

Tàu chiến hai nước sẽ cùng nhau hoạt động khoảng 1 tuần trên Biển Đông và tham gia cuộc tập trận Bersama Gold 21 cùng với Úc, Singapore và Malaysia nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp ước phòng thủ ngũ cường.

Khu vực tập trận Bersama Gold 21 ở ngoài khơi Singapore, một phần khu vực phía nam Biển Đông.

Bình luận về hoạt động quân sự này, bà Thu Hằng nêu rõ: "Chủ trương nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động và hợp tác trên biển của các quốc gia cần tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982".

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam kêu gọi các nước "đóng góp có trách nhiệm vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các quốc gia về thượng tôn pháp luật, nhất là UNLCOS 1982, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và hợp tác ở Biển Đông.

Theo một bức ảnh được đăng tải trên Twitter của NZDF, khinh hạm HMZNS Te Kaha đã tham gia cuộc tập trận lớn trên biển Philippines trước khi tiến vào Biển Đông.

Các tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Carl Vinson của Mỹ, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh, tàu sân bay trực thăng JS Ise của Nhật Bản đã tham gia cuộc tập trận nói trên.

"Việc cả 3 nhóm tác chiến tàu sân bay cùng tụ họp thể hiện ý chí mạnh mẽ của các quốc gia tham gia nhằm hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản (JMSDF) sẽ hợp tác chặt chẽ với các lực lượng hải quân đồng minh và đối tác thân thiện cùng chí hướng để ứng phó với các thách thức toàn cầu và bảo vệ trật tự hàng hải dựa trên luật pháp", JMSDF khẳng định trong thông cáo ngày 4-10.

Theo JMSDF, các hoạt động trong cuộc tập trận này gồm tác chiến chống tàu ngầm, tác chiến phòng không, di chuyển chiến thuật và đảm bảo thông tin liên lạc.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan