Thả bom chặn tàu khu trục: Nga "rắn" là có ý đồ, Anh hành động kỳ lạ?

Nga đã hành động "rắn" hơn mức cần thiết khi tuyên bố thả bom chặn tàu khu trục Anh nhưng hành trình "nhạy cảm" của tàu HMS Defender cũng được cho là mạo hiểm.

1 Tha Bom Chan Tau Khu Truc Nga Ran La Co Y Do Anh Hanh Dong Ky La

2 Tha Bom Chan Tau Khu Truc Nga Ran La Co Y Do Anh Hanh Dong Ky La

Nga tuyên bố chặn tàu HMS Defender bằng biện pháp mạnh.

Vì sao Nga phản ứng cứng rắn?

Quân đội Nga tuyên bố đã bắn cảnh cáo và thả bom để chặn tàu khu trục Anh HMS Defender bị cáo buộc xâm phạm lãnh hải nước này hôm 24/6.

London thừa nhận lộ trình của con tàu nhưng phản đối câu chuyện Nga đưa ra. Nước này khẳng định tàu HMS Defender thực hiện chuyến quá cảnh từ Odesa tới Georgia qua Biển Đen phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời bác bỏ việc Nga nổ súng và ném bom cảnh cáo, cho rằng hành vi quân sự này nằm trong các cuộc diễn tập của Nga gần đó.

Sự thật của vụ việc vẫn chưa rõ ràng vì cả phía Anh và Nga đều đưa ra quan điểm trái ngược. Chuyên gia quân sự Michael Kofman lưu ý rằng khu vực Biển Đen không xa lạ với những tuyên bố không đồng nhất giữa Nga và NATO, theo National Interest.

Căng thẳng quân sự giữa Nga và NATO đã trở thành chuyện thường ngày ở Baltic và Biển Đen kể từ cuộc khủng hoảng Euromaidan năm 2014 và sự kiện sáp nhập Crimea sau đó, dẫn đến một loạt các vụ đánh chặn trên không và đối đầu trên biển.

Tuy nhiên, sẽ là quá sớm để cho rằng sự cố HMS Defender chỉ đơn thuần là một kiểu dọa dẫm Đông-Tây điển hình. Các nhà phân tích cho rằng, Anh đã mất cảnh giác trước mức độ nghiêm trọng trong phản ứng của Nga. “Phản ứng của Nga cực kỳ mạnh mẽ, không theo quy chuẩn và vượt trội”, đại tá thủy quân lục chiến về hưu Mark Gray nói với Reuters.

Dù được coi là khắc nghiệt, phản ứng của Moscow được đánh giá là tương ứng với một loạt các thay đổi về tông giọng gần đây của Tổng thống Putin. Trong bài viết cho ấn phẩm Die Zeit của Đức nhân dịp tưởng niệm 80 năm ngày Đức Quốc xã tấn công Liên Xô, ông Putin gọi NATO là “di tích của Chiến tranh Lạnh” khiến an ninh châu Âu “suy thoái”.

Ngoài những nỗ lực không ngừng nhằm thách thức tầm nhìn của NATO trong hệ thống quốc tế thời hậu Chiến tranh Lạnh, các hành động gần đây của Điện Kremlin được thúc đẩy bởi một loạt các mối quan tâm chính sách cần thiết.

Màn đánh chặn tàu khu trục HMS Defender làm nổi bật quyết tâm của Nga trong lập trường chủ quyền với Crimea. Phản ứng của Điện Kremlin đưa ra một câu trả lời dứt khoát: Moscow sẽ không chấp nhận mọi thách thức, dù là quân sự hay ngoại giao, đối với tình trạng của Crimea.

Động thái này như một sự củng cố tuyên bố hồi đầu tháng của ông Putin, khi nhấn mạnh việc Ukraine gia nhập NATO là lằn ranh đỏ nghiêm trọng nhất. Phản ứng mạnh mẽ của Nga với tàu Anh có thể là một nỗ lực làm nản lòng làn sóng hợp tác quân sự đang gia tăng giữa Kiev và NATO, được thể hiện bằng việc thiết lập cuộc tập trận chung Ukraine-NATO Seabreeze ở khu vực Biển Đen.

“Người Nga đang thúc đẩy thông tin rằng hải quân Anh có hành động khiêu khích và đã bị xua đuổi - điều này vừa làm hài lòng công chúng trong nước vừa để củng cố nhận thức của quốc tế về lằn ranh đỏ của Nga”, Sidharth Kaushal, nhà nghiên cứu về quyền lực biển tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI), nói với CNN.

Anh đã quá mạo hiểm?

3 Tha Bom Chan Tau Khu Truc Nga Ran La Co Y Do Anh Hanh Dong Ky La

HMS Defender có thể bắn hạ Su-24 nhưng sẽ gặp khó nếu người Nga sử dụng vũ khí dự phòng.

Ở hướng ngược lại, giới lãnh đạo Anh cũng bị đặt ra câu hỏi khi có những quyết định mạo hiểm trong thời điểm nhạy cảm. Tàu HMS Defender được cho là đã đi vào vùng biển mà Nga tuyên bố chủ quyền gần Crimea, nơi mà Anh dù không công nhận nhưng hoàn toàn hiểu rõ về những phản ứng có thể của Nga ở khu vực này.

Đây được coi là một quyết định không phù hợp trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin vừa diễn ra thành công, tiến sĩ Stephen Bryen - chuyên gia cao cấp về tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ nêu quan điểm.

Người Anh có nguy cơ mất một trong những tài sản hải quân quý giá trong sự việc trên. Hiện Anh chỉ có 6 tàu khu trục lớp Type-45 đang biên chế, trong đó HMS Defender đi vào hoạt động vào năm 2013, trong vai trò tàu tên lửa dẫn đường.

Con tàu được trang bị tên lửa chống máy bay Aster 15, tầm bắn 48km và Aster 30, tầm bắn 112 km. HMS Defender có thể bắn hạ Su-24 nhưng sẽ gặp khó nếu người Nga sử dụng vũ khí dự phòng.

Một trong những vấn đề lo ngại nhất là việc Nga sẽ tin rằng hành động của Anh là do chính quyền Biden thúc đẩy, vì người Nga không tin rằng Anh, hoặc NATO, sẽ làm bất cứ điều gì mà không có Washington bật đèn xanh.

Ở mức tối thiểu, cuộc đối đầu này đã trực tiếp làm suy yếu mọi tiến bộ trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga và xói mòn thêm lòng tin giữa các bên. Câu hỏi đặt ra là điều gì khiến Anh tự mình ra ngoài chọc giận Nga và làm gián đoạn tiến trình ngoại giao chỉ mới chớm nở?

Nguồn: Tạp chí Điện tử NGƯỜI ĐƯA TIN

 

Bài liên quan