Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), thâm hụt ngân sách của Vương quốc Anh năm ngoái đã rơi xuống mức thấp nhất trong hơn một thập niên, nhờ các biện pháp khắc khổ của chính phủ.
Đồng bảng Anh (phải) và đồng đôla Mỹ (trái). AFP/TTXVN ONS cho biết khoản vay mượn ròng của chính phủ – thước đo thâm hụt ngân sách – ở mức 42,6 tỷ bảng (60 tỷ USD, 49 tỷ euro), không tính chương trình cứu trợ ngân hàng trong tài khóa 2017 (kết thúc vào tháng 3/2018). Con số này giảm đáng kể so với mức tương ứng 46,2 tỷ bảng trong tài khóa trước đó và cũng là mức thấp nhất kể từ tài khóa 2006.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo chi phí vay mượn thấp không đồng nghĩa với sự “hồi sinh” của nền kinh tế, đồng thời nhấn mạnh nước Anh vẫn đối mặt với sự thiếu chắc chắn liên quan đến tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào năm tới.
Theo nhà phân tích David Cheetham của XTB, việc giảm chi tiêu công thường được nhìn nhận như một dấu hiệu cho thấy một nền kinh tế mạnh nhưng nó cũng có thể là một ví dụ điển hình cho thấy chính phủ đang kiên trì theo đuổi các biện pháp khắc khổ, vốn có thể là nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng.
Trong khi đó, nhà phân tích Samuel Tombs đến từ Pantheon Macroeconomics cho rằng sụt giảm nợ công không phản ánh một nền kinh tế phục hồi mà chỉ tiếp tục phản ánh sự thụt giảm trong chi tiêu.
Bên cạnh đó, ONS cho biết thặng dư ngân sách của nước Anh trong tài khóa 2017 là 112 triệu bảng, ghi dấu lần thặng dư đầu tiên kể từ tài khóa 2001.
Trước đó, ONS công bố số liệu cho hay lạm phát tại nước này trong tháng 3/2018 bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất trong một năm qua là 2,5%, so với mức 2,7% trong tháng 2/2017.
Theo báo cáo của ONS, yếu tố chủ yếu giúp lạm phát giảm mạnh trong tháng vừa qua là sự sụt giảm bất thường về giá quần áo nữ. Một yếu tố ảnh hưởng nữa là lạm phát giá hàng hóa – vốn nhạy cảm với biến động của tỷ giá – đã giảm từ mức 3% trong tháng Hai xuống 2,4% trong tháng 3/2018.
Trà My (Tổng hợp)