Thêm Úc, Philippines hạn chế dùng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca

Hãng AstraZeneca lún thêm vào khủng hoảng khi ngày càng nhiều nước công bố hạn chế sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 của họ, vì lo ngại tác dụng phụ cực hiếm gặp liên quan đông máu.

132 1 Them Uc Philippines Han Che Dung Vac Xin Covid 19 Cua Astrazeneca

Nhân viên y tế chuẩn bị vắc xin ngừa COVID-19 của Hãng AstraZeneca tại một phòng khám đa khoa ở Đức ngày 24-3-2021 - Ảnh: REUTERS

Úc và Philippines ngày 8-4 nối tiếp Ý, Pháp, Hà Lan, Đức cùng một số nước giới hạn độ tuổi người được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca, trong khi Liên minh châu Phi hủy kế hoạch mua vắc xin của công ty này dù nguồn cung vắc xin đang thiếu hụt trên toàn cầu.

Philippines ngưng tiêm vắc xin AstraZeneca cho người dưới 60 tuổi, sau khi Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 7-4 nói tìm thấy các trường hợp đông máu hiếm gặp trong số những người đã tiêm vắc xin của hãng.

Dù EMA nói họ vẫn tin rằng lợi ích của vắc xin AstraZeneca lớn hơn nhiều so với các rủi ro của nó, một số nước vẫn có động thái phòng ngừa vì thận trọng.

Úc khuyến nghị người dưới 50 tuổi nên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của Hãng Pfizer/BioNTech thay vì AstraZeneca.

Úc cảnh báo sự thay đổi này sẽ làm chậm tiến độ tiêm phòng COVID-19 của nước này. Giới chức y tế Anh cũng khuyến nghị nên tiêm vắc xin khác ngoài AstraZeneca cho những người dưới 30 tuổi.

Trong khi đó, Indonesia trở thành quốc gia mới nhất buộc phải tìm nguồn cung vắc xin từ các hãng dược khác, theo Hãng tin Reuters. Bộ Y tế Indonesia ngày 8-4 cho biết nước này đang đàm phán 100 triệu liều vắc xin COVID-19 với Trung Quốc.

Liên minh châu Phi đang cân nhắc vắc xin của Johnson & Johnson, đồng thời bỏ kế hoạch mua các liều vắc xin của AstraZeneca từ Viện Huyết thanh Ấn Độ.

Ấn Độ cũng tạm ngừng xuất khẩu vắc xin AstraZeneca do Viện Huyết thanh Ấn Độ - nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới - sản xuất trong bối cảnh các ca lây nhiễm COVID-19 trong nước tăng.

Vắc xin của AstraZeneca có giá phải chăng, chỉ vài USD/liều. Cho đến nay, vắc xin của AstraZeneca là loại rẻ nhất trong số các vắc xin ngừa COVID-19 đang lưu hành trên thế giới và không yêu cầu bảo quản ở môi trường cực lạnh như một số vắc xin khác.

Điểm này khiến vắc xin AstraZeneca trở thành vắc xin chính trong nhiều chương trình tiêm chủng ở các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, đã có hơn chục quốc gia tạm ngừng một thời gian, hoặc tạm ngừng một phần việc tiêm vắc xin AstraZeneca. Lúc đầu là vì lo ngại tác dụng với người lớn tuổi, và nay là vì tác dụng phụ hiếm gặp ở những người trẻ hơn.

Những sự cố liên tiếp đã làm chậm tiến độ triển khai vắc xin AstraZeneca trên toàn cầu, trong bối cảnh nhiều chính phủ khẩn trương tìm vắc xin thay thế để ngăn chặn đại dịch đã giết hơn 3 triệu người trên thế giới.

AstraZeneca cho biết đang hợp tác với giới chức Anh và châu Âu để nêu vấn đề xuất hiện cục máu đông trong não là "tác dụng phụ tiềm năng cực kỳ hiếm gặp" khi sử dụng vắc xin của hãng.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan