Dù thừa nhận sau khi rời thị trường duy nhất, “cuộc sống nước Anh sẽ khác” nhưng bà May vẫn bày tỏ mong muốn một thỏa thuận “rộng rãi nhất có thể”. Thủ tướng Anh Theresa May hôm qua (2/3) lần đầu tiên thừa nhận, Anh có thể sẽ không đạt được tất cả những gì mà nước này mong muốn trong các cuộc đàm phán rời Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit), đồng thời kêu gọi một thỏa thuận thương mại tự do “rộng rãi nhất có thể”. Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Reuters. Đây là điểm nổi bật trong bài phát biểu quan trọng thứ 3 của người đứng đầu Chính phủ Anh về Brexit, thể hiện những mong muốn và lập trường của Chính phủ Anh về mối quan hệ kinh tế mong muốn với Liên minh châu Âu trong tương lai.
Dù thừa nhận sau khi rời thị trường duy nhất, “cuộc sống nước Anh sẽ khác” nhưng bà May vẫn bày tỏ mong muốn một thỏa thuận “rộng rãi nhất có thể”.
Thủ tướng Anh Theresa May hôm qua (2/3) lần đầu tiên thừa nhận, Anh có thể sẽ không đạt được tất cả những gì mà nước này mong muốn trong các cuộc đàm phán rời Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit), đồng thời kêu gọi một thỏa thuận thương mại tự do “rộng rãi nhất có thể”.
Đây là điểm nổi bật trong bài phát biểu quan trọng thứ 3 của người đứng đầu Chính phủ Anh về Brexit, thể hiện những mong muốn và lập trường của Chính phủ Anh về mối quan hệ kinh tế mong muốn với Liên minh châu Âu trong tương lai.
Trong bài phát biểu quan trọng này, Thủ tướng Anh Theresa May cũng lần đầu tiên đề cập những tác động cụ thể về kinh tế đối với nước Anh sau khi rời Liên minh châu Âu, cũng như một số “thực tế khắc nghiệt”.
Mặc dù thừa nhận là sau khi rời thị trường duy nhất, “cuộc sống nước Anh sẽ khác” nhưng bà May vẫn bày tỏ mong muốn một thỏa thuận “rộng rãi nhất có thể”.
“Tôi muốn một sự hợp tác rộng rãi và sâu sắc nhất bao trùm nhiều lĩnh vực hơn và hợp tác nhiều hơn bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào khác trên thế giới hiện nay. Song chúng ta cũng phải chấp nhận thực tế rằng, đây là một cuộc đàm phán và không ai trong chúng ta có thể có được chính xác những gì mình muốn. Nhưng tôi tin chúng ta có thể đạt được thỏa thuận.
Tất cả các bên đều mong muốn một sự tiếp cận tốt nhất với thị trường của nhau, muốn một cuộc cạnh tranh công bằng và cởi mở, muốn những biện pháp minh bạch để thực hiện các cam kết và giải quyết những tranh chấp”, bà May nói.
Với bài phát biểu này của Thủ tướng, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn cho rằng, bà May đã thừa nhận, cách tiếp cận của bà đang làm giảm khả năng tiếp cận của Anh với các thị trường châu Âu.
Về phần mình, Trưởng đoàn đàm phán Liên minh châu Âu về Brexit Michel Barnier lại hoan nghênh “sự rõ ràng” trong bài phát biểu của Thủ tướng Anh, xem đây như “sự chấp nhận những hỏa hiệp”, giúp làm rõ những đường hướng cho các cuộc đàm phán sắp tới. Ngay trước bài phát biểu của Thủ tướng Anh, ông Michel Barnier hôm 1/3 cảnh báo, nếu tiếp tục giữ nguyên cách tiếp cận như hiện nay, nước Anh đang tự đóng cánh cửa đàm phán lại.
Ông Barnier nói: “Anh đang tự đóng cánh cửa của chính mình lại. Mô hình duy nhất có thể hiện nay là một hiệp định thương mại tự do như chúng tôi đã làm với Canada gần đây, hay như chúng tôi đang làm với Nhật Bản và Hàn Quốc. Trách nhiệm của chúng tôi là đảm bảo một tiến trình Brexit có trật tự. Bởi vì bất kỳ một sự rối loạn nào đều sẽ mang lại một kết quả tồi tệ và tất cả các bên đều phải đo lường hậu quả của điều này”.
Tuy nhiên, thủ lĩnh phe bảo thủ tại Nghị viện châu Âu Manfred Weber lại tỏ ra thận trọng khi cho rằng, vẫn còn những lo ngại. Ông chưa thấy được, làm thế nào để có thể đạt được một thỏa thuận Brexit nếu chính phủ Anh tiếp tục “chính sách đà điểu”, không dám nhìn thẳng vào hiện thực như thế. Cần phải nhấn mạnh, ông Weber có cùng xu hướng chính trị với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Anh Theresa May đã bảo vệ quyết tâm của Anh rời thị trường chung và liên minh hải quan, đồng thời mong muốn một thỏa thuận tự do thương mại khác với những thỏa thuận hiện có giữa Liên minh châu Âu với Canada hay với Na Uy, một thành viên của thị trường chung nhưng lại không phải là thành viên Liên minh châu Âu.
Ngoài ra, theo bà Theresa May, Anh sẽ tiếp tục tuân thủ thẩm quyền của Tòa án Công lý châu Âu trong giai đoạn chuyển tiếp “có giới hạn”, song sau đó Anh sẽ có một “cơ chế trọng tài độc lập”.
Về vấn đề Bắc Ireland, được xem là khá nhạy cảm trong các cuộc đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu hiện nay, bà Theresa May một lần nữa phản đối khả năng “một biên giới cứng” giữa Cộng hòa Ireland, quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu với Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh và cũng sẽ rời Liên minh châu Âu sau Brexit.
Bà Theresa May muốn bảo vệ “Thỏa thuận hòa bình ngày Thứ Sáu tốt lành” đạt được năm 1998, kết thúc 3 thập kỷ bạo lực tại hòn đảo này. Theo bà, cả Anh và EU cùng có trách nhiệm tìm ra một giải pháp trong các cuộc đàm phán Brexit về vấn đề Bắc Ireland và bất cứ một đường biên giới cứng nào hay một đường biên giới hải quan tại biển Ireland mà phá vỡ thị trường chung của Vương quốc Anh đều sẽ không thể chấp nhận được.
Bài phát biểu quan trọng thứ 3 về Brexit này đưa ra trong bối cảnh, sức ép đối với nữ Thủ tướng Anh vẫn chưa hề ít dù bà sắp bước sang năm cầm quyền thứ 2, mà nguyên nhân chính là sự chia rẽ trong chính nội bộ đảng bảo thủ cầm quyền về Brexit. Đây cũng là điều đang thử thách sự đoàn kết của nước Anh hơn bao giờ hết.
Nguồn: https://vov.vn