Chính phủ Vương quốc Anh đã phải hoãn nới lỏng các bước hạn chế xã hội cuối cùng - diễn ra vào ngày 21/6 theo kế hoạch - thêm ít nhất 4 tuần nữa.
Trong khi chuyên gia y tế nước này thừa nhận, Anh đang trong cuộc chạy đua quyết liệt giữa chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 và sự lây lan của virus biến thể Delta.
Một biển hiệu kêu gọi xét nghiệm Covid-19 và tiêm vaccine trên đường phố ở Hounslow, phía Tây London, Vương Quốc Anh. Ảnh: PA
Hôm 19/6, Anh báo cáo thêm 10.321 trường hợp nhiễm Covid-19 mới trong khoảng thời gian 24 giờ gần nhất, đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm mới. Theo các quan chức y tế Anh, hơn 90% số trường hợp nhiễm Covid-19 hiện nay ở nước này đều là do biến thể Delta - được tìm thấy lần đầu tiên ở Ấn Độ. Giáo sư Adam Finn - cố vấn cho Ủy ban Hỗn hợp về Vaccine và Tiêm chủng (JCVI) của Anh cho biết, làn sóng dịch bệnh lần 3 chắc chắn đang diễn ra tại nước này.
“Chúng tôi có thể khẳng định về một cuộc đua đang diễn ra giữa chương trình chủng ngừa Covid-19, đặc biệt là việc tiêm liều thứ 2 cho người lớn tuổi, với làn sóng thứ 3 bởi biến thể Delta” - chuyên gia Adam Finn nói với BBC.
Trong bối cảnh biến thể Delta đã được ghi nhận ở khoảng 80 quốc gia, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 18/6 ra thông báo rằng chủng virus này đang trên đà trở thành “biến thể thống trị trên toàn cầu do khả năng lây truyền tăng lên đáng kể”. WHO trước đó đã phân loại biến thể virus SARS-CoV-2 này vào dạng “biến thể đáng lo ngại” (VOC), khi cho rằng nó có liên quan đến sự gia tăng khả năng lây truyền hoặc thay đổi bất lợi trong dịch tễ học Covid-19, hoặc giảm hiệu quả của vaccine và các phương pháp điều trị hiện có.
Theo dữ liệu mới nhất từ Dịch vụ Y tế Công cộng Anh (PHE), 1 liều vaccine có khả năng làm giảm nguy cơ nhiễm và nhập viện do Covid-19 vào khoảng 75%, ngay cả với biến thể Delta. Khi đã được tiêm đủ 2 liều, khả năng nhiễm và nhập viện do Covid-19 giảm hơn 90%. Trích dẫn số liệu này, ông Finn đưa ra lời kêu gọi với người Anh: “Chúng ta càng có thể tiêm sớm… thì lần này chúng ta sẽ ít phải nhập viện hơn. Từ kinh nghiệm đã có, nếu chúng ta cố gắng bảo vệ đủ những người lớn tuổi để có thể tránh được một lượng lớn ca nhập viện và tử vong, thì mọi thứ sẽ có thể trở lại bình thường”.
Trong khi đó, trích dẫn các dữ liệu gần đây cho thấy các ca nhiễm hiện nay ở Anh chủ yếu là những người dưới 30 tuổi và người chưa được tiêm chủng, một số chuyên gia cảnh báo xu hướng chỉ tiêm chủng cho những người lớn trên 18 tuổi ở Anh có thể dẫn đến sự tập trung của các ca nhiễm Covid-19 ở đối tượng học sinh. Theo nhà dịch tễ học người Israel Oliver Geffen - người từng làm việc cho PHE và Đại học Hoàng gia London - sự phân bố vaccine thiếu đồng đều ở các nhóm tuổi là một trong 2 điểm tạo nên sự khác biệt trong tình hình dịch bệnh hiện nay ở Anh và Israel - 2 quốc gia có chiến lược tiêm vaccine Covid-19 sớm và nhanh chóng hàng đầu thế giới. Trong khi Israel đang dỡ bỏ hầu hết biện pháp phòng dịch, thì Anh lại ghi nhận số ca nhiễm gia tăng đáng kể.
“2 điểm khác biệt chính giữa hai quốc gia này đó là Israel có tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vaccine cao hơn nhiều và tỷ lệ này được phân bổ đều hơn trong dân chúng”, ông Geffen nói và cho biết, tại Israel, 77% người dân trong độ tuổi 20 - 29 đã tiêm đủ liều thứ 2. Trong khi ở Anh, con số này chỉ gần 15%. Hiện 60% dân số Israel đã được tiêm 1 liều vaccine và gần 57% đã được tiêm đủ 2 liều vaccine. Tỷ lệ tiêm chủng ở Anh thậm chí cao hơn một chút, với 62% dân số đã tiêm liều đầu tiên và 44% số đã tiêm liều thứ 2.
Hương Thảo
Nguồn: Kinhtedothi.vn