Một ngôi sao băng hiếm thấy được cho nguồn gây ra tiếng nổ siêu thanh bí ẩn gây rung chuyển nhiều ngôi nhà ở miền Tây Nam nước Anh hồi tuần trước.
Nhiều người dân ở các khu vực Dorset, Devon và Jersey của Vương quốc Anh đã nghe tiếng nổ lớn và nhìn thấy một vệt sáng trên bầu trời chiều 20/3. Sau khi phân tích các hình ảnh và video, các chuyên gia nước này đã xác định đó một ngôi sao băng, theo BBC.
Ông Simon Proud, chuyên gia khí tượng hàng không thuộc Đại học Oxford, cho biết ông đã chụp lại được ngôi sao băng này dưới hình ảnh một tia chớp vụt sáng khi đang bay qua Vương quốc Anh.
Tiến sĩ Richard Kacerek, nhà sáng lập nhóm theo dõi thiên thạch nghiệp dư ở Anh, cho biết: “Chỉ có sao băng Bolide mới có thể tạo nên quả cầu lửa vào ban ngày sáng đến như vậy. Và nó cũng có thể rất lớn nữa”.
Vệt sáng của ngôi sao băng Bolide trên bầu trời nước Anh ngày 20/3. Ảnh. BBC.
“Thiên thạch này có lẽ đã bay nhanh hơn cả tốc độ âm thanh. Điều đó có nghĩa bạn có thể tìm ra những gì còn sót lại của nó trên mặt đất”, tiến sĩ Ashley King thuộc Tổ chức UK Fireball Alliance, nhóm các chuyên gia và người có đam mê săn tìm các thiên thạch rơi trên Trái Đất, cho biết.
Tổ chức UK Fireball Alliance đã yêu cầu người dân ở các khu vực Devon, Dorset và Somerset thông báo cho họ nếu tìm được bất cứ mảnh vỡ nào của thiên thạch này. Đó có thể là những viên đá nhỏ màu đen hoặc thậm chí là bụi đen.
Phát biểu trên đài BBC Radio ở Somerset, nhà thiên văn học Will Gater chia sẻ: “Nếu kết nối được các dữ kiện lại với nhau, chúng ta có thể biết thiên thạch này đã hạ cánh xuống khu vực nào”.
Trước đó, nhiều người dân ở miền Tây Nam nước Anh phản ánh vụ nổ đã làm rung chuyển nhà cửa của họ. Ban đầu, một số người cho rằng tiếng nổ có thể do máy bay chiến đấu gây ra khi vượt qua tốc độ âm thanh.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh đã khẳng định vụ nổ này không liên quan đến bất kỳ chiến đấu cơ thuộc Không lực Hoàng gia Anh.
Cục Khảo sát địa chất Anh đã loại trừ kịch bản động đất gây ra bởi thiên thạch nói trên.
Vào tháng 2/2021, một ngôi sao băng cũng đã bay qua vùng trời Vương quốc Anh. Một số mảnh vỡ của nó được phát hiện ở thị trấn Winchcombe, Gloucestershire.