Trong nhiều thập kỷ, nước Anh luôn duy trì một mối quan hệ mơ hồ và thường gây tranh cãi với Liên minh châu Âu.
TÓM TẮT: London giữ khoảng cách với EU bằng cách từ chối thực thi một số chính sách chủ chốt của EU, bao gồm đồng tiền chung euro và Khu vực Schengen. Những người ủng hộ việc Anh rời EU đưa ra lập luận rằng một khi đòi lại chủ quyền quốc gia, nước Anh sẽ có thể quản lý nhập cư tốt hơn, thoát khỏi nhiều quy định ràng buộc và tăng trưởng một cách năng động hơn.
Sự kiện Thủ tướng David Cameron từ chức là kết quả của chiến dịch rời EU thành công sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 về tương lai nước Anh trong khối này. Thủ tướng kế nhiệm Theresa May trong nhiệm kỳ của mình đã dành nhiều năm sau đó đàm phán với EU.
Với cam kết rời bỏ thị trường chung EU vào tháng 3-2019 của bà May, Anh đang đối mặt với nguy cơ mất đi đặc quyền giao dịch với đối tác thương mại lớn nhất của mình, tài chính bị gián đoạn và thậm chí là sự tan vỡ của chính quốc gia này. Các đảng đối lập cũng như chính Đảng Bảo thủ bị chia rẽ sâu sắc do Thủ tướng May lãnh đạo đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về khả năng đàm phán với EU thất bại.
Nhiều chính trị gia cũng lo ngại rằng Brexit có nguy cơ thúc đẩy phong trào dân tộc ở Scotland và Hungary, gây nên những hậu quả khó lường cho Liên minh châu Âu.
LỊCH SỬ NƯỚC ANH VỚI TƯ CÁCH THÀNH VIÊN EU
Trong quá khứ, Vương quốc Anh vẫn luôn bàng quan trước những nỗ lực hội nhập hậu chiến tranh của lục địa, điển hình là Cộng đồng Than Thép châu Âu (ECSC) và Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC).
“Chúng tôi không gia nhập EU vì bị cưỡng chế chính trị như Pháp và Đức”, Ông Robin Niblett, Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) lập luận. “Chúng tôi chưa từng bị xâm chiếm. Đế chế và khối thịnh vượng chung của nước Anh có gắn kết lịch sử với tất cả mọi nơi trên thế giới,” ông Niblett nói.
Anh đã không tham gia Cộng đồng Kinh tế châu Âu cho đến năm 1973. Người dân Anh chỉ chấp thuận tư cách thành viên này qua cuộc trưng cầu dân ý năm 1975. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ về mục đích thực sự của Anh khi tham gia liên minh chính trị này. Họ lập luận rằng việc Anh liên minh với phần còn lại của châu Âu không chỉ đơn thuần vì hội nhập kinh tế mà đang manh nha hướng đến việc trở thành một siêu cường của lục địa.
Khi hội nhập giữa các quốc gia ngày càng trở nên sâu rộng trong những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, các nhà lãnh đạo Anh một mực từ chối trở thành một phần của xu thế này. Anh từ chối sử dụng đồng tiền chung, không tham gia Khu vực Schengen và đàm phán giảm bớt ngân sách cần đóng góp.
Vào năm 1988, cựu Thủ tướng Margaret Thatcher đã tuyên bố: “Chúng tôi không tự giới hạn mình trong biên giới Anh chỉ để thấy quốc gia mình được tái lập ở cấp độ châu Âu.”
VÌ SAO THỦ TƯỚNG DAVID CAMERON YÊU CẦU THAY ĐỔI ĐIỀU KHOẢN THÀNH VIÊN?
Một số thành viên bảo thủ của Quốc hội Anh chưa từng chấp nhận tư cách thành viên EU. Sự bất mãn lâu ngày này càng thêm sâu sắc khi vấn đề nhập cư trở nên nhức nhối. Nhập cư trong khối EU vẫn luôn gây nhiều rắc rối cho Anh, khi nước này buộc phải chấp nhận chính sách tự do đi lại dành cho công dân Liên minh châu Âu.
Sau khi liên minh này mở rộng vào năm 2004 và 2007, làn sóng di cư kinh tế từ Đông Âu đổ về Anh ngày càng mạnh mẽ với hơn 300.000 người mỗi năm, theo thống kê năm 2015. Cựu Thủ tướng Cameron đã đánh giá đây là một tình trạng không bền vững. “Không ai có thể lường trước được việc tự do đi lại mang đến làn sóng di cư khủng khiếp như vậy đến lục địa này.”
Đảng Độc lập Anh (EUIP) với quan điểm chống EU và chống nhập cư đã nhân thời cơ đó giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tại Anh năm 2014.
Làn sóng tị nạn từ ngoài khối cũng gây ra nhiều căng thẳng. Vương quốc Anh được miễn trừ khỏi kế hoạch tái định cư hàng trăm ngàn người di cư và người tị nạn từ Trung Đông và Châu Phi năm 2015, nhờ việc rút khỏi chính sách nhập cư của khối này. Đối với những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu (Euroskeptics), phản ứng có phần thiếu quyết đoán của Brussels đã cho thấy một Liên minh châu Âu rối loạn từ bên trong.
Các nhà hoạch định chính sách Anh đã đưa ra phán đoán rằng chính sách tị nạn của EU thay đổi là để làm khó người di cư sang các nước trong khối. Theo quy định hiện hành, người xin tị nạn từ ngoài khối phải ở lại quốc gia EU đầu tiên mà họ đặt chân tới.
Cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro đã khiến áp lực gia tăng khi EU đề xuất một “thỏa thuận tài khóa” chưa từng có tiền lệ nhằm điều phối ngân sách. Thủ tướng David Cameron đã bác bỏ lời đề nghị này năm 2012. Ông cho rằng tài chính Anh sẽ chịu nhiều tổn thất nếu chấp thuận, cũng như lo ngại về khả năng EU thay đổi và bổ sung thỏa thuận đó.
Trong một bài phát biểu năm 2013, ông Cameron đã lên án các thiếu sót trong khu vực đồng tiền chung euro, cho rằng chúng thể hiện sự quan liêu quá mức và thiếu trách nhiệm dân chủ của EU. Ông cũng hứa sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý kiến người dân Anh về tư cách thành viên Liên minh châu Âu nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015. Thủ tướng Cameron đã giữ đúng lời hứa ấy.
Vào tháng 11-2015, Cameron tuyên bố rằng trước khi tổ chức trưng cầu dân ý, ông sẽ kêu gọi cải cách EU trong bốn lĩnh vực trọng yếu: chủ quyền quốc gia, chính sách nhập cư, điều lệ kinh tế và tài chính, và khả năng cạnh tranh của khối. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu vào tháng 2-2016 đã chấp thuận một vài đề xuất sửa đổi, bao gồm biện pháp bảo vệ với các đồng tiền ngoài euro trong khối EU; hứa hẹn nới lỏng quy định của khối; cũng như cam kết miễn trừ Anh khỏi quá trình thúc đẩy “Liên minh ngày càng gắn kết”.
Với những cải cách này, cựu Thủ tướng Cameron mong muốn dập tắt được chủ nghĩa hoài nghi châu Âu. Tuy nhiên, bóng ma của làn sóng di cư và hàng loạt vụ khủng bố tại châu Âu đã trở thành ngòi nổ cho phong trào rời EU. “Ông Cameron không thể ngờ cuộc khủng hoảng di cư lại trở nên tồi tệ đến vậy.” - Học giả Sebastian Mallaby, Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ nhận xét.
ĐIỀU GÌ XẢY RA KHI NGƯỜI ANH CHỌN RỜI EU?
Tình hình Anh rời khỏi EU chưa từng có tiền lệ. Chưa có thành viên nào của EU từng rời khỏi khối này, ngoài Greenland - lãnh thổ thuộc chủ quyền Đan Mạch năm 1982.
Theo điều 50 của Hiệp ước Lisbon năm 2009, nước Anh cần đưa ra thông báo chính thức một khi bắt đầu tiến trình rời EU. Nhiều tranh luận nổ ra về thời điểm Anh phải đưa ra thông báo, nếu Hiệp ước này được viện dẫn, và liệu Quốc hội Anh có thể ngăn chặn điều này.
Thủ tướng Theresa May, người giành chiến thắng trong cuộc đua tìm người kế nhiệm vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ của ông Cameron vào tháng 7-2016, đã khẳng định: “Brexit là Brexit.” Bà May đã viện dẫn Điều 50 vào ngày 29-3-2017. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Anh quy định việc viện dẫn Hiệp ước Lisbon cần phải có sự ủng hộ từ Quốc hội mà bà May không hoàn toàn có được.
Hiệp ước này cho Anh khoảng thời gian hai năm để đàm phán các điều khoản rút khỏi EU. Điều này cũng có nghĩa trừ phi EU chấp thuận gia hạn, nước Anh sẽ phải rời khỏi EU vào tháng 3 năm nay, bất kể đã đạt được thỏa thuận hay không. Quá trình đàm phán vô cùng phức tạp.
Vương quốc Anh cần xác định rõ thủ tục chuyển đổi cần thiết để thoát khỏi các quy định mà EU đang ràng buộc cũng như giải quyết tình trạng định cư của hàng triệu công dân Anh đang ở EU và công dân EU đang ở Anh. Anh cũng phải quyết đoán về hợp tác an ninh giữa nước này và Liên minh châu Âu trong tương lai. Và cuối cùng, thỏa thuận rút khỏi khối này phải được đa số các nước EU, cùng đa số thành viên Nghị viện châu Âu chấp thuận.
Nước Anh đang đồng thời đàm phán cho tương lai của mình với EU. Tương lai của mối quan hệ phức tạp này vô cùng mờ mịt. Tuy vậy, một số quốc gia không tham gia khối này cũng là hình mẫu tiềm năng cho Anh học hỏi.
Na Uy là một ví dụ điển hình. Na Uy là một phần của Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA), cho phép nước này tiếp cận với một phần thị trường chung đối với hàng hóa và dịch vụ. Mặc dù vậy, Na Uy không có tiếng nói trong quá trình lập pháp của EU dù vẫn phải đóng góp ngân sách và tuân thủ các quy định của khối.
Thụy Sỹ không phải là thành viên EEA, nhưng có quyền tiếp cận một phần thị trường chung thông qua mạng lưới các thỏa thuận song phương về hàng hóa, không bao gồm dịch vụ. Thổ Nhĩ Kỳ có liên minh thuế quan với EU, có nghĩa là thị trường tự do không bao gồm dịch vụ.
Tuy nhiên, cả Na Uy và Thụy Sỹ cũng phải chấp nhận việc tự do đi lại của công dân Liên minh châu Âu - một trong những mối quan tâm chính của phe ủng hộ việc Anh rời khỏi khối này.
Vào tháng 1-2017, bà May đã xác nhận Vương quốc Anh sẽ không ở lại thị trường chung hay Liên minh Thuế quan EU sau Brexit. Thay vào đó, chính phủ Anh sẽ cùng EU đưa ra các thỏa thuận thương mại. Bà tổ chức các cuộc bầu cử chóng vánh năm 2017 nhằm củng cố vị thế của mình trong Quốc hội, cũng như kêu gọi các chiến dịch tập trung vào tương lai hậu Brexit. Đảng Bảo thủ của bà May kêu gọi rút khỏi các thể chế của EU, giảm mạnh nhập cư và chấp nhận “không có thỏa thuận còn hơn thỏa thuận đầy rủi ro.”
Đảng Lao động thân EU dưới sự lãnh đạo của ông Jeremy Corbyn cho rằng Anh nên giữ nguyên chính sách tự do đi lại hậu Brexit, và không tán thành việc rời khỏi liên minh mà không có thỏa thuận nào về tương lai mối quan hệ giữa hai bên. Ông Jeremy Corbyn đã giành được nhiều sự ủng hộ, khiến chính đảng đa số của Thủ tướng Theresa May chao đảo, làm giảm đi tiếng nói của bà trong các cuộc đàm phán tiếp theo với EU.
Đến tháng 11-2018, Thủ tướng May đã đạt được thỏa thuận với EU, dẫn đến sự bất mãn và chia rẽ trong nội bộ Đảng Bảo thủ. Những người phản đối cho rằng bản thỏa thuận đã ngầm thừa nhận sự thua cuộc của Anh. Họ cho rằng bản thỏa thuận như một kế hoạch chừa sẵn một lối thoát để Anh ở lại Liên minh Thuế quan, đến khi vấn đề biên giới Bắc Ireland được giải quyết.
Vào tháng 1-2019, bà May ghi nhận thất bại lịch sử khi Hạ viện bác bỏ thỏa thuận này với số phiếu áp đảo, điều chưa từng xảy ra ở bất kỳ nhiệm kỳ Thủ tướng nào. Thất bại này đã viết nên những kịch bản không hồi kết, như việc Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào, một bản thỏa thuận mới giành được sự ủng hộ từ Quốc hội, hay thậm chí là một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai.
Giành lại chủ quyền nước Anh là một trong những mục tiêu hàng đầu của phe ủng hộ việc Anh rời EU. Đối với họ, Liên minh châu Âu đã thay đổi từ năm 1973. Họ cáo buộc EU đã trở thành một bộ máy quan liêu ngột ngạt với các quy định phi lý. “Những chính trị gia mà chúng tôi chưa từng bầu cử lại là người quyết định luật pháp chi phối công dân nước chúng tôi.” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Anh Michael Gove lập luận.
Vấn đề nhập cư là quan tâm hàng đầu của phe đòi rời EU. Lượng di dân EU đến Anh đã tăng gấp ba lần từ một triệu lên đến hơn ba triệu người trong khoảng thời gian 2004-2015. Đa số các di dân này đến từ các thành viên mới của EU như Ba Lan, Bulgaria và Romania.
Cùng lúc đó, các cuộc tấn công mang tính khủng bố tại Paris và Brussels làm thiệt mạng công dân EU đã dấy lên mối quan ngại rằng chính sách tự do đi lại khiến nước Anh trở nên nguy hiểm hơn. Hơn 3.000 công dân EU đã tới Syria để chiến đấu với lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Cựu lãnh đạo tình báo Anh Richard Dearlove đã lập luận rằng kiểm soát nhập cư sẽ là lợi ích an ninh chính của Brexit. Ngược lại, các nhà phê bình cho rằng Brexit cũng sẽ gây khó khăn cho công tác tình báo của Anh.
Vấn đề nhập cư làm tăng thêm những lo lắng về bản sắc, an ninh kinh tế và khủng bố, ông Matthew Goodwin, chuyên gia về chính trị Anh tại Đại học Kent lập luận. Ông cũng cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý dường như tập trung vào vấn đề di dân hơn là mối quan hệ giữa Anh và EU.
Một số nhà phân tích cho rằng châu Âu không đủ sẵn sàng để đối mặt với các thách thức kinh tế hiện nay. Nhà kinh tế học Roger Bootle, tác giả cuốn sách “The Trouble With Europe” (Vấn đề của châu Âu), lập luận rằng việc EU tập trung vào sự “cân đối” và tiêu chuẩn hóa toàn bộ mọi thứ trong khối này đang đe dọa tăng trưởng của cả khối với tỉ lệ thất nghiệp cao.
Ông Dominic Cummings, người đứng đầu chiến dịch Vote Leave cho việc rời EU, cho rằng Anh rời khỏi liên minh sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng năng động hơn. Ông phát biểu, Liên minh châu Âu là một tổ chức “cực kỳ quan liêu và mờ đục.” Những người ủng hộ tin rằng nếu không chịu gánh nặng từ EU, Anh sẽ được nới lỏng các quy định, cải thiện khả năng cạnh tranh và thúc đẩy các thỏa thuận thương mại với các nền kinh tế mới nổi đang phát triển nhanh chóng.
Đối với Cummings, những cải cách mà cựu Thủ tướng Cameron đàm phán là không đáng kể, khiến Vương quốc Anh không còn lựa chọn nào khác ngoài tự mình thoát khỏi một liên minh rối loạn chức năng.
NƯỚC ANH ĐƯỢC VÀ MẤT GÌ KHI RỜI EU?
Nước Anh có mối quan hệ mật thiết với phần còn lại của EU về thương mại, đầu tư, di cư và dịch vụ tài chính. Rời EU có nghĩa Anh có thể mất đi mối quan hệ đó. Thủ tướng Cameron đã cảnh báo đây có thể là “một bước nhảy vào hố đen.” Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính George Osborne dự đoán việc này sẽ mang đến một cú shock đầy chấn động.
Chỉ vài ngày sau cuộc bỏ phiếu Brexit, thị trường toàn cầu rung chuyển. Đồng bảng Anh giảm mạnh, đạt mức thấp chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ. Đáp lại, Ngân hàng Trung ương Anh đã công bố một gói các biện pháp kích thích kinh tế, bao gồm việc cắt giảm lãi suất đầu tiên trong hơn bảy năm hoạt động.
Viễn cảnh dài hạn của Brexit vẫn còn rất mờ mịt. Ông Adam Posen, chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng các lập luận kinh tế của phe ủng hộ Brexit là đầy vọng tưởng. Ông ví von Liên minh châu Âu đang để mặc Anh “châu chấu đá voi” trong thương mại, vì khối liên minh lớn hơn có thể đàm phán các thỏa thuận tiếp cận thị trường thuận lợi hơn với các nước bên ngoài.
Các chuyên gia từ Mỹ cho rằng Brexit sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ Anh - Mỹ. Trong chuyến thăm cấp nhà nước vào tháng 4-2016, Tổng thống Barack Obama đã lập luận rằng tư cách thành viên EU giúp Anh tăng ảnh hưởng toàn cầu hỗ trợ lợi ích của Hoa Kỳ. Tuy vậy, Tổng thống đương nhiệm Donald J. Trump lại tán thành cuộc bỏ phiếu Brexit và hứa hẹn một khởi đầu nhanh chóng cho các cuộc đàm phán thương mại mới giữa Anh và Mỹ.
Phần lớn những kịch bản trên sẽ phụ thuộc vào mối quan hệ hậu Brexit của Vương quốc Anh với Liên minh châu Âu. Anh sẽ mất đi ưu tiên tiếp cận thị trường chung không rào cản, với hơn năm trăm triệu người tiêu dùng và GDP trị giá hơn 18 nghìn tỉ USD. Việc này gây áp lực lớn đến các nhà hoạch định chính sách của Anh trong việc ký kết thỏa thuận thương mại với EU.
Nếu không có thỏa thuận nào, hàng xuất khẩu của Anh sẽ phải chịu thuế quan bên ngoài của liên minh này từ năm 2019. Thương mại Anh sẽ bị ảnh hưởng và một số nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ rút khỏi các ngành công nghiệp lớn, như ngành ô tô đang phát triển mạnh.
Vương quốc Anh cũng sẽ bị loại khỏi tất cả các thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và Mỹ (còn gọi là TTIP), cũng như cần đàm phán lại tiếp cận thương mại với 53 quốc gia mà EU hiện đã ký kết hiệp định.
Hugo Dixon, một người ủng hộ việc Anh ở lại EU nói rằng dịch vụ tài chính sẽ là một khó khăn lớn nếu Anh rời khỏi khối này. Trước đây, các tổ chức tài chính có trụ sở tại Vương quốc Anh có thể hoạt động tự do ở bất cứ đâu trong EU. Nếu mất đi quyền lợi này, nhiều công ty có khả năng chuyển văn phòng đến các nơi khác ở châu Âu, cũng như làm mất đi cơ hội việc làm của nhiều công dân Anh.
PHẦN CÒN LẠI CỦA CHÂU ÂU CHỊU ẢNH HƯỞNG RA SAO?
Hậu quả rõ ràng nhất của Brexit là sự tan vỡ của chính nước Anh. Scotland đã bỏ phiếu ủng hộ việc ở lại EU sau khi tổ chức không thành công một cuộc trưng cầu dân ý độc lập năm 2014.
Vào tháng 3-2017, bà Nicola Sturgeon - Thủ hiến đầu tiên của Scotland đã đề xuất một cuộc trưng cầu dân ý mới. Bà cho rằng công dân Scotland xứng đáng được đưa ra lựa chọn về việc có nên ở lại EU hay bằng cách rời khỏi Anh. Tuy nhiên, Thủ tướng Theresa May đã bác bỏ yêu cầu này và nói rằng cuộc trưng cầu dân ý phải có sự chấp thuận của London.
Ireland cũng sẽ đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi một mặt tận tâm với EU nhưng mặt khác có nền kinh tế phụ thuộc mật thiết vào Anh. Chính phủ Ireland đã cảnh báo về nguy cơ Brexit làm ảnh hưởng đến nỗ lực duy trì hòa bình tại Bắc Ireland và phức tạp hóa vấn đề biên giới Bắc - Nam Ireland.
Một số nhà phân tích nói rằng liên minh giữa Đảng Bảo thủ và Đảng Liên minh Dân chủ (DUP) phía Bắc Ireland có thể đẩy vấn đề biên giới đất liền nước này lên hàng đầu trong các cuộc đàm phán hòa bình với Anh.
Brexit với sự ra đi của chính nước Anh như một hình mẫu đi trước sẽ thúc đẩy chủ nghĩa hoài nghi châu Âu tại các nước khác trong khu vực, học giả Sebastian Mallaby phân tích. Các thành viên non trẻ của khu vực đồng euro như Ý, Bồ Đào Nha và Hy Lạp có nguy cơ khủng hoảng nặng nề. Nhân tình hình này, các đảng chính trị chống EU như Mặt trận Quốc gia Pháp, đảng AfD của Đức hay Jobbik của Hungary sẽ có thêm sự ủng hộ từ người dân.
Qua nhiều cuộc thăm dò ý kiến, đa số công dân Pháp muốn trưng cầu dân ý tư cách thành viên EU của nước này, dù Tổng thống đương nhiệm Pháp Emmanuel Macron là một nhà chính trị thân EU.
Việc EU tan rã sau Brexit là nỗi sợ ám ảnh khắp châu Âu. Brexit sẽ là một đòn giáng mạnh vào liên minh các quốc gia đã chật vật đấu tranh nhằm duy trì các biện pháp trừng phạt với Nga và quản lý làn sóng nhập cư khổng lồ. Sau vụ khủng bố năm 2015 tại Paris, khi Pháp lần đầu tiên kêu gọi thành lập lực lượng phòng thủ chung EU, Brexit có thể là dấu chấm hết cho hy vọng về một châu Âu thực sự an ninh với những chính sách chung.
(theo Plo)