Trẻ em các nước đến trường trong nỗi lo với chủng Delta

Không ai ngờ một năm đã qua nhưng nỗi lo dịch bệnh COVID-19 trong mùa tựu trường vẫn chưa thôi ám ảnh các phụ huynh tại nhiều nước.

1 Tre Em Cac Nuoc Den Truong Trong Noi Lo Voi Chung Delta

Giáo viên chào đón học sinh quay lại trường ngày đầu tiên tại Trường tiểu học Stanford ở TP Garden Grove, bang California (Mỹ) vào ngày 16-8 - Ảnh: GETTY IMAGES

Nỗi lo ấy giờ đây thậm chí còn lớn hơn khi biến thể Delta đang lây lan nhanh, số trẻ em và thanh thiếu niên mắc COVID-19 ngày một nhiều. Câu chuyện này đặc biệt rõ hơn tại Mỹ.

"Trẻ hơn, nhanh hơn, nặng hơn"

Hồi đầu đại dịch, nhiều chuyên gia cho rằng trẻ em và thanh thiếu niên là nhóm ít mắc COVID-19 hơn và nếu mắc cũng phục hồi nhanh hơn, các em không có triệu chứng bệnh hoặc bị nhẹ hơn so với người trưởng thành. Nhưng nay tình hình không còn như vậy.

Thời gian qua, ngày càng nhiều trẻ nhỏ và thanh thiếu niên mắc bệnh. Nhiều em đã mắc hội chứng COVID-19 kéo dài với những triệu chứng dai dẳng suốt nhiều ngày.

"Chúng tôi có thể khẳng định là trẻ em có thể bị chứng "COVID-19 kéo dài" (long COVID-19). Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ hội chứng này không được xác định rõ ràng" - tiến sĩ Elaine Maxwell tại Viện Nghiên cứu y tế quốc gia Anh nói với báo The Guardian.

Theo kênh truyền hình France 24, nhiều trẻ cho biết các em bị các triệu chứng dù nhẹ nhưng dai dẳng như đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, tim đập nhanh, các khó chịu về dạ dày và ruột, nôn mửa, chóng mặt, ảo giác, mất vị giác, mất khứu giác... và thậm chí tình trạng tê bì khiến nhiều em không thể đi.

Hiện chính quyền liên bang Mỹ vẫn đang đánh giá ảnh hưởng của biến thể Delta với trẻ em. Tuy nhiên, các lãnh đạo bệnh viện tại bang Maryland cho biết ngày càng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên tại bang này dương tính và phải nhập viện.

"Bệnh nhân COVID-19 trẻ hơn, nhanh hơn, bệnh nặng hơn" - bác sĩ Stuart Bell tại Bệnh viện MedStar Union Memorial ở thành phố Baltimore (bang Maryland) nhận định.

Bác sĩ Ted Delbridge - giám đốc điều hành Viện Các hệ thống dịch vụ y tế khẩn cấp bang Maryland - cho biết 2% bệnh nhân nhập viện do COVID-19 trong 2 tháng qua là các em dưới 19 tuổi, nhiều gấp đôi so với đầu dịch.

Còn dữ liệu của Bộ Y tế Úc cho thấy hơn 6.200 trẻ từ 0 - 19 tuổi ở nước này cũng đã mắc COVID-19 kể từ đầu đại dịch.

"Biến thể Delta đang lây sang người trẻ với số lượng có thể thách thức quan niệm cho rằng những người trẻ tuổi nhất trong xã hội chỉ đối mặt nguy cơ COVID-19 ở mức tối thiểu" - Cơ quan y tế bang Queensland (Úc) nhận định.

Biến thể Delta đã gây ra nguy cơ mới và cấp bách với trẻ nhỏ và thanh thiếu niên trên khắp nước Mỹ cũng như với những người trưởng thành chưa tiêm vắc xin.

Bà Lee Savio Beers (chủ tịch Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ - AAP) nhận định

Lo trẻ chưa tiêm

Trong bối cảnh nhiều nơi bắt đầu năm học mới vào mùa thu này, việc ngày càng nhiều thanh thiếu niên nhiễm biến thể Delta đã khiến các phụ huynh vô cùng lo lắng.

Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP) cho biết số ca nhiễm mới ở trẻ em tại Mỹ đang tăng đều đặn kể từ đầu tháng 7. Số em mắc COVID-19 đã tăng 5% trong khoảng từ 29-7 tới 12-8.

"Chúng tôi đang chứng kiến số bệnh nhi COVID-19 nhập viện ở thành phố Jacksonville (bang Florida) nhiều hơn bất cứ thời điểm nào trong toàn đại dịch" - bác sĩ Mobeen Rathore, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện nhi Wolfson ở Jacksonville, cho biết.

Hồi tháng 7 có 96 trẻ nhập viện tại Bệnh viện Wolfson do mắc COVID-19. Mức cao trước đó được ghi nhận là 58 trẻ hồi tháng 1.

"Biên thể Delta đang "săn lùng" người chưa tiêm vắc xin COVID-19 trong khi trẻ dưới 12 tuổi hiện chưa thể chích ngừa" - bà Yvonne Maldonado, giáo sư bệnh truyền nhiễm tại Đại học Stanford, giải thích.

Theo báo Wall Street Journal, nỗi lo về biến thể Delta khi năm học mới sắp bắt đầu là những nguyên nhân hối thúc nhiều phụ huynh ở Mỹ đưa con đi tiêm vắc xin sau một thời gian do dự vì ngại tác dụng phụ. Một số phụ huynh có con dưới 12 tuổi (hiện chưa nằm trong nhóm được phép tiêm) cũng đang sốt sắng với việc này hơn bao giờ hết.

Theo dữ liệu Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ, số trẻ dưới 18 tuổi được tiêm liều vắc xin COVID-19 đầu tiên đã tăng trong vòng 4 tuần tính tới ngày 11-8. Hơn 500.000 em đã tiêm liều vắc xin đầu tiên trong tuần tính đến 11-8.

Đến nay, khoảng 42% người Mỹ trong độ tuổi từ 16 - 17 đã tiêm vắc xin COVID-19 đủ liều và 53% tiêm ít nhất 1 liều. Với trẻ từ 12 - 15 tuổi, 31% đã tiêm đủ liều và 43% tiêm ít nhất 1 liều.

Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP) hối thúc Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vắc xin COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi càng sớm càng tốt. Hãng Pfizer và Moderna đang triển khai các thử nghiệm lâm sàng và sẽ nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt vắc xin COVID-19 dành cho trẻ dưới 12 tuổi ở Mỹ.

Pfizer cho biết dự kiến họ có kết quả thử nghiệm và yêu cầu FDA phê duyệt vắc xin cho trẻ từ 5 - 11 tuổi trong tháng 9 tới. Với trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, Pfizer dự kiến có kết quả thử nghiệm và yêu cầu phê duyệt vào cuối năm nay.

Cuộc chiến đeo khẩu trang tại trường học

Theo báo New York Times, nước Mỹ đang chứng kiến "những cuộc chiến leo thang" liên quan việc đeo khẩu trang tại trường học. Giống như năm ngoái, cuộc chiến diễn ra trong bối cảnh các trường học trên cả nước đã hoặc sắp mở lại trong khi hàng chục triệu trẻ em dưới 12 tuổi vẫn chưa thể tiêm vắc xin COVID-19.

Ngày 16-8, Tennessee trở thành tiểu bang mới nhất mà thống đốc (thuộc Đảng Cộng hòa) phản đối việc bắt đeo khẩu trang trong khi các trường học tại bang muốn điều đó. Tính tới tuần trước, hơn một nửa trong số 100 học khu lớn nhất của Mỹ đã yêu cầu tất cả học sinh đeo khẩu trang khi tới lớp.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan