Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Anh cho rằng, khả năng xảy ra cuộc chiến tranh giữa phương Tây và Nga trở nên rất cao.
Trong cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm 13/11, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Anh, Tướng Nick Carter đã đề cập đến một cuộc chiến tranh giữa phương Tây và Nga.
Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Anh, Tướng Nick Carter cho rằng sẽ có thể bất chợt có chiến tranh giữa phương Tây và Nga.
Theo ông, với việc nhiều công cụ ngoại giao truyền thống giữa hai bên không còn nữa, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh giữa phương Tây và Nga trở nên tăng cao hơn bao giờ hết, kể từ Chiến tranh Lạnh.
Ông tin rằng, có nguy cơ căng thẳng lớn hơn trong kỷ nguyên mới của một "thế giới đa cực", "nơi các chính phủ cạnh tranh vì các mục tiêu khác nhau và các chương trình nghị sự khác nhau".
"Tôi nghĩ rằng bản chất của sự cạnh tranh giữa các quốc gia và các cường quốc dẫn đến căng thẳng lớn hơn. Chúng ta phải lưu ý rằng: không cho phép bản chất nóng nảy của một số nền chính trị thúc đẩy sự leo thang dẫn đến tính toán sai lầm” - Tướng Anh nhận định.
Tướng Carter đề cập đến "nhiều công cụ và cơ chế ngoại giao truyền thống" như ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh hiện đã "không còn ở đó nữa".
"Nếu không có những công cụ ngoại giao đó, rủi ro sẽ lớn hơn. Đó là một thách thức thực sự mà chúng tôi phải đối mặt" - tướng Anh khẳng định.
Khi được hỏi rằng, liệu căng thẳng của phương Tây với Nga và nguy cơ xảy ra chiến tranh hiện nay có lớn hơn bất kỳ giai đoạn nào trong sự nghiệp 44 năm của ông hay không, vị tướng này trả lời "có" và nói thêm: "Khi tôi và bạn lớn lên, đó là một thế giới lưỡng cực. Hai khối, Liên Xô và Phương Tây. Giờ đây, chúng ta đang bước vào thời kỳ đa cực hơn".
Sau đó, vị tướng Anh bắt đầu cáo buộc rằng Nga đã sẵn sàng làm hết sức mình để làm suy yếu Tây Âu và Mỹ, có mục đích bằng cách sử dụng việc di cư hàng loạt và làm gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu.
Căng thẳng đang gia tăng ở biên giới Ba Lan-Belarus- nơi hàng nghìn người di cư không có giấy tờ tùy thân từ Trung Đông và các khu vực gặp khó khăn khác đã dựng trại tại Belarus sau khi không thể vượt qua biên giới Ba Lan và vào EU.
Ba Lan nhanh chóng đổ lỗi cho Belarus và Nga vì điều mà Warsaw gọi là tạo điều kiện cho việc di cư bất hợp pháp gây bất ổn cho EU. Minsk và Moscow bác bỏ những cáo buộc là hoàn toàn sai sự thật, với việc chính phủ Belarus giải thích rằng họ không có kinh phí để ngăn chặn dòng người tị nạn do các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với quốc gia này.
Đầu tuần này, hai máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga đã thực hiện chuyến bay kéo dài 4,5 giờ trên lãnh thổ Belarus với mục đích "duy trì an ninh của Quốc gia Liên minh [của Nga và Belarus]". Các máy bay ném bom này cũng bay cùng với các máy bay Su-30SM của Không quân Belarus, vốn đã tập trận cho các máy bay chiến lược trong nhiệm vụ.
Trong khi đó, Vương quốc Anh đã điều khoảng 10 binh sĩ đến Ba Lan để hỗ trợ các nỗ lực của Warsaw nhằm củng cố biên giới với Belarus, trong một động thái được thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ Ba Lan.
Bộ Quốc phòng Anh mô tả nhiệm vụ này chỉ tập trung vào "hỗ trợ kỹ thuật để giải quyết tình hình đang diễn ra tại biên giới Belarus". London hiện không có kế hoạch bổ sung lực lượng Anh cho cảnh sát biên giới.
Trong một diễn biến riêng trong tuần này, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, đã đáp lại tuyên bố của các hãng truyền thông nước ngoài rằng Moscow đang ấp ủ kế hoạch "xâm lược lãnh thổ Ukraine". Ông mô tả các cáo buộc là vô hiệu và không có căn cứ.
Người phát ngôn nói thêm rằng các hoạt động di chuyển của quân đội Nga trên lãnh thổ của đất nước không nên gây ra mối quan tâm của bất kỳ ai và đảm bảo rằng Moscow không đe dọa bất kỳ ai.
Ngược lại, truyền thông Mỹ khẳng định họ đã nhận thấy sự quan tâm đặc biệt của các quan chức Mỹ đến tình hình ở biên giới của Nga với các nước NATO hoặc liên kết với NATO và đang chờ đợi việc phản hồi với châu Âu để có sự hiệp đồng trong phản ứng chống lại Nga.
Hải Lâm
Nguồn: datviet.trithuccuocsong.vn