Ngày 17/5, Thủ tướng Anh Theresa May đã bác thông tin về việc Anh ở lại liên minh hải quan của Liên minh châu Âu (EU) sau tiến trình London rút khỏi EU (hay còn gọi là Brexit) vào 3/2019.
Thủ tướng Anh đã đưa ra tuyên bố trên sau khi báo Telegraph tiết lộ nữ lãnh đạo này đang chuẩn bị cho kế hoạch Anh ở lại liên minh hải quan sau năm 2021 trong bối cảnh những tranh cãi xung quanh vấn đề biên giới giữa CH Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh vẫn chưa có lối thoát.
Cũng theo tờ báo này, Chính phủ Anh đã thảo luận về việc ở lại liên minh hải quan của Liên minh châu Âu (EU) sau giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit, ngoài ra Anh có thể ở lại liên minh hải quan nếu các công nghệ cần thiết để vận hành các đường biên giới chưa sẵn sàng vào năm 2021, thời điểm kết thúc quá trình chuyển tiếp hậu Brexit.
Phát biểu trước báo giới khi đến thủ đô Sofia của Bulgaria để tham dự hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo các quốc gia Tây Balkan, Thủ tướng May khẳng định Anh “sẽ không nhượng bộ”, và London sẽ rời khỏi liên minh thuế quan.
Tuy nhiên, bà cho biết Anh sẽ đàm phán để đạt được các thỏa thuận hải quan tương lai với EU và chính phủ nước này đã đặt ra 3 mục tiêu.
Theo đó, Anh mong muốn có thể có được chính sách thương mại độc lập của riêng nước Anh, việc lưu chuyển thuận lợi nhất có thể qua biên giới giữa Anh và EU để đảm bảo hoạt động thương mại vẫn diễn ra suôn sẻ, và đảm bảo sẽ không có đường “biên giới cứng” giữa Bắc Ireland và Ireland.
Trước đó, các nguồn tin từ Văn phòng Thủ tướng Anh cũng đã bác bỏ thông tin London sẽ thông báo với EU rằng Anh sẵn sàng ở lại liên minh hải quan của EU sau năm 2021.
Một cuộc tranh luận hiện đang diễn ra về mối quan hệ hải quan giữa Anh với EU thời hậu Brexit. Quan điểm của Chính phủ Anh là rời khỏi liên minh hải quan của EU, cho phép Anh ký kết các thỏa thuận thương mại mới. Tuy nhiên cũng xuất hiện một số quan điểm vẫn cố giữ mọi thứ như trước đây kể cả sau Brexit.
Liên minh hải quan cho phép hàng hóa lưu chuyển tự do mà không cần kiểm tra hải quan. Các mặt hàng nhập khẩu vào một nước thành viên không cần thông quan rõ ràng khi chuyển sang quốc gia thành viên khác.
Đổi lại, các thành viên phải áp đặt mức thuế như nhau với các nước ngoài liên minh. Ngoài ra, những nước thuộc EU sẽ tham gia các hiệp định thương mại với tư cách một khối liên minh khi đàm phán với các nước thứ 3 như Nhật Bản, Trung Quốc hay Mỹ.
Nguồn: http://bnews.vn/