Hơn 7 năm sau khi từ chức thủ tướng Anh, ông David Cameron bất ngờ trở lại chính trường với vai trò ngoại trưởng trong chính quyền của Thủ tướng Rishi Sunak.
Cựu Thủ tướng Anh David Cameron được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Anh (Ảnh: Reuters).
Văn phòng Thủ tướng Rishi Sunak ngày 13/11 thông báo, Vua Charles III đã chấp thuận trao cho ông David Cameron một ghế trong Hạ viện Anh, cho phép ông trở lại nội các với tư cách bộ trưởng dù không còn là nghị sĩ được bầu.
Thủ tướng Sunak trước đó đã cách chức Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman vì phát ngôn gây tranh cãi rằng cảnh sát Anh quá nương tay với những người biểu tình ủng hộ Palestine. Ngoại trưởng James Cleverly được chỉ định thay thế bà Braverman, trong khi ông Cameron được bổ nhiệm chức ngoại trưởng.
Sự trở lại bất ngờ của cựu Thủ tướng Cameron trong bối cảnh chiến sự Gaza leo thang và các cuộc biểu tình của những người ủng hộ Palestine ở Anh đã dấy lên những đồn đoán về chính sách của Anh đối với Trung Đông.
Ông Cameron từng thể hiện quan điểm ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và Palestine, song ông cũng là người ủng hộ mạnh mẽ Israel.
Hôm 9/10, khi Israel tuyên bố phong tỏa hoàn toàn Gaza và ồ ạt không kích đáp trả vụ tấn công trước đó của lực lượng Hamas, ông Cameron tiếp tục nêu quan điểm ủng hộ Israel.
"Tôi hoàn toàn ủng hộ Israel vào thời điểm thử thách nhất này và hoàn toàn ủng hộ Thủ tướng cũng như Chính phủ Anh về sự hỗ trợ kiên định của họ", ông Cameron viết trên mạng xã hội X.
Ben Whitham, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường nghiên cứu phương Đông và châu Phi, nhận định mặc dù ông Cameron được đánh giá là có quan điểm ôn hòa hơn, nhưng cũng không phải là lựa chọn tốt đối với những người Palestine.
"Tương tự các chính trị gia khác của đảng Bảo thủ, ông Cameron sẽ nghiêng về phía Israel và chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza", ông Whitham bình luận.
Trong thời gian đương chức từ năm 2010 đến 2016, ông Cameron đã chỉ trích việc Israel lập các khu định cư mới ở Bờ Tây và phong tỏa Gaza. "Gaza không thể tiếp tục là một nhà tù", ông Cameron phát biểu trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ năm 2010.
Tuy nhiên, khi người Palestine ở Gaza đang hưởng lợi từ lệnh ngừng bắn vào năm 2014, đảng của ông Cameron đã bác bỏ những lời kêu gọi từ các thành viên liên minh về việc xem xét lại giấy phép xuất khẩu vũ khí cho Israel nếu giao tranh lặp lại.
Hàn gắn rạn nứt
Ông Whitham cũng cho rằng, việc Thủ tướng Sunak bất ngờ đưa ông Cameron trở lại chính trường cũng có thể nhằm "hàn gắn những rạn nứt nội bộ đảng Bảo thủ".
"Ông ấy được cho là có mối quan hệ tốt với các đối tác kinh tế chiến lược ở Trung Đông. Trung Đông là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Anh. Khu vực này có vai trò ngày càng quan trọng với Anh thời kỳ hậu Brexit (rời Liên minh châu Âu)", ông Whitham lập luận.
Trong số những đối tác trên, ông Whitham đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Ả Rập Xê Út. Theo ông Whitham, chính mối quan hệ cá nhân thân thiết của ông Cameron với Ả Rập Xê Út đã đóng vai trò quyết định cho sự trở lại chính trường của ông.
"Việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với những đối tác này là ưu tiên hàng đầu. Ông Cameron được coi là ứng viên có khả năng tiếp tục làm điều này", chuyên gia Whitham nhận định.
Theo Al Jazeera
Nguồn: Báo điện tử Dân trí