Các tổ chức quốc tế, chuyên gia cảnh báo, việc các nước giàu tiếp tục gom vắc xin để tiêm chủng mũi 3 sẽ không thể giúp thế giới chấm dứt đại dịch và có thể làm nảy sinh kịch bản nguy hiểm hơn.
Tiêm chủng là biện pháp ngăn dịch hiệu quả nhất thế giới hiệu quả nhất (Ảnh: New York Times).
Bất bình đẳng vắc xin
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đang thay đổi rõ rệt với sự xuất hiện của các biến chủng mới nguy hiểm và thực trạng về việc ngày càng xuất hiện nhiều hơn sự bất bình đẳng giữa các quốc gia có vắc xin và những quốc gia không có đủ.
Quan ngại về biến chủng Delta dễ lây lan, nhiều nước giàu đã tích cực dùng mọi biện pháp để tăng cường thêm nguồn vắc xin, trong khi tại những nước thu nhập thấp và trung bình, hàng triệu người còn chưa được tiêm mũi đầu tiên và viễn cảnh về miễn dịch trên diện rộng vẫn còn là một giấc mơ xa vời.
Tại nhiều khu vực ở châu Phi và châu Á, những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, Covid-19 đang lây lan. Các chính quyền tại đây đang đối mặt với một vấn đề gây "đau đầu": Làm thế nào để giảm số ca tử vong trong bối cảnh chưa có đủ vắc xin khi người dân không còn có đủ tiềm lực để ở yên trong nhà để tránh dịch?
Các tổ chức quốc tế, các nhóm từ thiện nhân đạo, chuyên gia bệnh truyền nhiễm đã cảnh báo các nước vẫn muốn tiêm liều thứ 3 cần cẩn trọng cho tới khi có thêm dữ liệu về việc liệu mũi tăng cường có an toàn hay cần thiết hay không. Họ kêu gọi các nước giàu chia sẻ bớt vắc xin cho nước nghèo hơn đang vật lộn với sự bùng nổ dịch bệnh và chưa thể tìm đủ nguồn cung chế phẩm.
Tuần trước, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước ngừng kế hoạch tiêm liều 3 tới ít nhất cuối tháng 9, và đặt ra mục tiêu là 10% dân số ở mọi quốc gia trên thế giới có thể được tiêm chủng tới thời điểm đó.
"Tôi hiểu rõ về mối quan ngại của các chính phủ trong việc bảo vệ người dân khỏi biến chủng Delta. Tuy nhiên, chúng tôi khó có thể chấp nhận việc các nước đã sử dụng hầu hết nguồn cung vắc xin toàn cầu lại tiếp tục sử dụng thêm trong khi nhiều nhóm người dễ tổn thương nhất trên thế giới vẫn chưa có gì để bảo vệ", ông Tedros nói.
Một thống kê của WHO cho thấy, các quốc gia thu nhập cao tiêm chủng gần 100 liều/100 dân, trong khi tỷ lệ này ở nhóm thu nhập thấp là 1,5 liều/100 dân.
Tuy nhiên, nhiều nước giàu vẫn quyết định sẽ tiếp tục kế hoạch tiêm chủng liều 3 trong khi thực hiện các nghĩa vụ quyên góp vắc xin cho các nước trên thế giới.
Nguy cơ xuất hiện biến chủng mới
Andrea Taylor, trợ lý giám đốc tại Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu của Đại học Duke, Mỹ, cảnh báo rằng việc đẩy mạnh tiêm liều 3 ở các nước giàu thay vì chia sẻ vắc xin để giúp cả thế giới ngăn mầm bệnh lây lan sẽ có thể khiến tất cả mọi người, kể cả những người ở các nước thu nhập cao, có thể rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn.
"Nếu các nước giàu chọn việc tiêm mũi tăng cường trước khi chúng ta đảm bảo mọi cộng đồng trên thế giới được tiếp cận với 2 liều tiêu chuẩn, chúng ta chưa sẵn sàng giải quyết đại dịch. Nó giống như đặt miếng băng dán y tế lên một cái lỗ lớn", ông Taylor nhận định.
"Giống như những gì chúng ta đã thấy ở Nam Á, khi sự lây lan không kiểm soát đã diễn ra và chủng Delta trở thành chủ đạo, giờ đây không có cách nào để ngăn viễn cảnh đó xảy ra ở châu Phi. Thêm nữa, chúng ta có thể sẽ đối mặt với tình huống biến chủng nguy hiểm, dễ lây lan và độc lực mạnh hơn sẽ xuất hiện khi dịch lây lan bùng phát ở châu Phi", ông Taylor cảnh báo.
WHO và nhiều quan chức y tế công cộng đã cảnh báo rằng không một ai trên thế giới sẽ an toàn cho tới khi tất cả cùng được an toàn vì virus càng lây lan không kiểm soát, rủi ro biến chủng mới xuất hiện sẽ càng lớn và chúng có thể có nguy cơ kháng vắc xin. Điều này có thể đẩy thế giới vào mối đe dọa kéo dài hơn.
Mỹ và châu Âu cuối tuần qua đạt mốc 70% dân số trưởng thành tiêm ít nhất một mũi vắc xin. Trong khi đó, mới có ít hơn 4% dân châu Phi được tiêm chủng một liều, tương đương 50 triệu người trên dân số tổng cộng của châu lục là 1,3 tỷ. Tại châu Phi, các chuyến hàng viện trợ như "muối bỏ bể" vì nguồn cung không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Tuần trước, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta tham gia kêu gọi việc các nước giàu và hãng dược nới lỏng quy định về quyền sở hữu trí tuệ với công nghệ vắc xin để các nước có thể chủ động sản xuất và đảm bảo nguồn cung. Ông cho biết dù nước ông có tiền mua vắc xin nhưng vì các nước giàu đã "giữ hàng" quá nhiều nên Kenya không thể tiếp cận dẫn tới việc họ không thể tiến hành chương trình tiêm chủng để ngăn dịch.
Đức Hoàng
Tổng hợp
Nguồn: Báo điện tử Dân trí