Hành động mạo hiểm của tàu HMS Defender với Nga được cho là đã có tính toán từ trước, nhưng cách tiếp cận của Anh bị coi là “miệng to nhưng gậy nhỏ”.
Anh không cần phải cử tàu khu trục để chứng minh lập trường của mình về Crimea.
Trong tuần qua, Nga và Anh đã bùng nổ căng thẳng sau khi London điều tàu khu trục HMS Defender đến vùng biển ngoài khơi Crimea. Moscow tuyên bố đây là khu vực thuộc chủ quyền nên đã bắn cảnh báo. Phía Anh sau đó đưa ra những quan điểm ngược lại.
Đã không có thiệt hại đáng tiếc nào xảy ra, nhưng chiến lược toàn cầu hậu Brexit của Anh thể hiện qua vụ việc ở Biển Đen được đánh giá là vừa khó hiểu vừa đáng lo ngại, chuyên gia Tarik Cyril Amar từ Đại học Koç ở Istanbul, nhận định trên RT.
Anh lộ hình hài yếu ớt?
Quan điểm khác nhau của Nga và Anh về vùng biển này là điều không còn xa lạ đối với công chúng quốc tế. Nga cho rằng việc sáp nhập Crimea vào năm 2014 là hợp pháp, trong khi Ukraine và các nước bảo trợ phương Tây thì không.
Tuy nhiên, bản chất đối lập nói trên không phải là yếu tố thúc đẩy sự cố vừa qua. Rõ ràng, với mâu thuẫn dai dẳng từ lâu, việc Anh cử một tàu vũ trang hạng nặng tới đây sẽ không giúp giải quyết các vấn đề cơ bản mà chỉ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Do đó, hành động của hai bên đều mang lý do khác nhau. Đối với Nga, câu trả lời khá đơn giản. Phản ứng của Nga về “sự xâm phạm” của người Anh là một minh chứng thẳng thắn về sức mạnh. Nếu có ai đó khiêu khích, Nga sẽ ngăn chặn. Đây là cách thể hiện quyền lực cổ điển được triển khai bởi các quốc gia có đủ khả năng thể hiện sức mạnh áp đảo đối thủ.
Ngược lại, hành vi của Anh lại khó giải thích hơn, ít nhất là về mặt lý trí. Rủi ro rơi vào cuộc đụng độ nghiêm trọng với Nga - một cường quốc quân sự lớn đang chứng minh những thành công quân sự gần đây - ở nơi xa xôi, chỉ để đưa ra lập trường về tình trạng của Crimea, có vẻ là một quyết định kỳ lạ.
Thực tế là cả thế giới, bao gồm cả Nga, đều biết người Anh có quan điểm thế nào về Crimea. Đây không phải là điều cần thiết để liều lĩnh chứng minh.
Có nhiều dự đoán về động cơ đằng sau hành động của London. Đó có thể là nỗ lực củng cố tầm ảnh hưởng ngang hàng với Đức và Pháp trong đối thoại với Nga sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, cũng như đánh lạc hướng những vấn đề bất cập trong nước.
Dù nguyên nhân là gì, việc người Anh hành động mạo hiểm để đạt được kết quả tồi tệ thì đó là sai lầm ngay từ đầu.
Như tờ Independent nhận định, Anh biện minh cho việc cử tàu hải quân đến gần Crimea là hành động đoàn kết với Ukraine và nhấn mạnh sự phản đối việc Nga sáp nhập. Đây là những động cơ hợp lý, nhưng Nga sẽ không từ bỏ Crimea trừ khi nước này thua trong cuộc chiến với Mỹ và NATO.
Thay vì thể hiện sức mạnh mới mẻ của nước Anh, cuộc đối đầu bối rối ngoài khơi Crimea cho thấy sự phù phiếm nguy hiểm trong chính sách của quốc gia này, với cách tiếp cận “miệng to nhưng gậy nhỏ”. Trong 5 năm qua, Anh đã trở nên yếu hơn nhưng tạo vỏ bọc là một quốc gia hùng mạnh hơn.
Tính toán từ trước?
Những nỗ lực mới nhằm phơi bày “lằn ranh đỏ” của Nga là vô nghĩa.
Theo Carnegie Moscow Center, cuộc đối Anh-Nga vừa qua đã làm nổi bật vai trò toàn cầu mới của Anh trong hệ thống quốc tế. Trước đây, ở Afghanistan và Iraq, Anh là nước đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ về hành động chung. Giờ đây, Anh chứng minh rằng trong một số trường hợp, nước này có thể nắm vai trò lãnh đạo.
Phóng viên BBC có mặt trên tàu cho biết thủy thủ đoàn của con tàu đã sẵn sàng ngay từ đầu cho một cuộc đụng độ với lực lượng Nga. Điều này giải thích hành động của tàu HMS Defender đã được tính toán từ trước, với mục tiêu khiến Nga sử dụng vũ lực để làm hỏng “tinh thần Geneva” vừa qua.
Anh được biết đến là ít dè dặt hơn trong việc đối đầu với Nga so với một số quốc gia thành viên NATO khác ở châu Âu. Chiến lược an ninh quốc gia gần đây của Anh rất thẳng thắn khi coi Nga là mối đe dọa an ninh chính của phương Tây. Do đó, quan hệ Anh-Nga vốn đóng băng sâu sắc hơn trong thập kỷ rưỡi qua, có thể chuyển sang vùng nóng.
Những nỗ lực mới nhằm phơi bày “lằn ranh đỏ” của Nga là vô nghĩa - dù là trên mặt đất, trên không hay trên biển - tất cả sẽ thúc đẩy Moscow càng quyết tâm bảo vệ những gì mình có và không đánh mất lòng tự tôn.
Do đó, sự cố chấp của Anh sẽ vấp phải sự cứng rắn của Nga, cuộc đối đầu giữa Nga và NATO sẽ xấu đi theo đúng nghĩa đen, dẫn đến những kịch bản ảm đạm. Ngăn chặn các cuộc chạm trán nguy hiểm giữa lực lượng của Nga và NATO nên là ưu tiên hàng đầu của cả hai bên.
Trương Mạnh Kiên
Nguồn: nguoiduatin.vn