Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây đã viện trợ quân sự ồ ạt cho Ukraine, nhằm giúp Kiev đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.
Pháo HIMARS của Mỹ trong cuộc tập trận quân sự ở Morocco năm 2021 (Ảnh: AFP).
Mỹ
Mỹ ngày 31/5 thông báo nước này đã đồng ý với yêu cầu của Ukraine về việc chuyển giao thêm các hệ thống pháo phản lực cơ động (HIMARS), cho phép các lực lượng Ukraine tấn công sâu hơn vào phía sau phòng tuyến của Nga, đồng thời giúp Kiev tránh xa tầm bắn của pháo binh Nga.
HIMARS là trọng tâm của gói vũ khí trị giá 700 triệu USD, rút từ quỹ viện trợ quân sự 40 tỷ USD cho Ukraine được quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng trước.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã viện trợ quân sự 4,5 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra.
Các vũ khí được Mỹ cam kết viện trợ bao gồm 72 pháo cỡ 155 mm, 72 phương tiện kéo, 144.000 viên đạn và hơn 120 máy bay không người lái chiến thuật "Phoenix Ghost" - vũ khí do Không quân Mỹ chế tạo đặc biệt gần đây để đáp ứng nhu cầu của Ukraine.
Mỹ cũng cam kết viện trợ trực thăng, xe chở quân bọc thép, 1.400 hệ thống phòng không Stinger, 5.000 tên lửa chống tăng Javelin, vài nghìn khẩu súng trường cùng đạn dược và hàng loạt thiết bị khác.
Thổ Nhĩ Kỳ
Máy bay không người lái chiến đấu Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu nổ ra. Các video được chia sẻ rộng rãi cho thấy lực lượng Ukraine sử dụng vũ khí này để tấn công các đoàn xe bọc thép và pháo binh của Nga.
Ukraine cũng cho biết, lực lượng vũ trang nước này đã sử dụng TB2 để đánh lạc hướng khả năng phòng thủ của tàu chiến Nga Moskva, trước khi tấn công tàu bằng tên lửa vào giữa tháng 4, khiến nó bị chìm.
Trước chiến sự, Kiev có khoảng 20 chiếc TB2. Vào tháng 3, Ukraine cho biết họ đã nhận được thêm vũ khí này, song không tiết lộ số lượng.
Máy bay không người lái Bayraktar TB2 (Ảnh: Reuters).
Anh
Anh ngày 20/5 thông báo, cho đến nay, nước này đã cam kết chi 565 triệu USD để hỗ trợ quân đội Ukraine. Chính phủ Anh cho biết khoản viện trợ bao gồm 120 xe bọc thép, hơn 5.800 tên lửa chống tăng, 5 hệ thống phòng không, hơn 1.000 rocket và 4,5 tấn thuốc nổ.
Vào đầu tháng 5, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine nhiều thiết bị tác chiến điện tử, hệ thống radar phản lực, thiết bị gây nhiễu GPS và hàng nghìn kính nhìn ban đêm.
Anh cho biết họ cũng đã huấn luyện hơn 22.000 binh sĩ Ukraine.
Canada
Binh sĩ Ukraine vận hành lựu pháo M777 ở Donetsk, Đông Ukraine (Ảnh: New York Times).
Canada đã cung cấp cho Ukraine 208 triệu USD viện trợ quân sự kể từ tháng 2.
Vào cuối tháng 5, chính phủ Canada cho biết nước này đã gửi 20.000 đạn pháo, cùng lựu pháo M777 nhằm giúp Ukraine tăng cường năng lực phòng thủ ở Donbass.
Canada cũng hỗ trợ Kiev máy bay không người lái, súng trường, đạn dược, hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao, bệ phóng tên lửa, hàng nghìn quả lựu đạn và hai máy bay không vận chiến thuật.
Đức
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết nước này sẽ gửi cho Ukraine một hệ thống phòng không có khả năng bảo vệ "thành phố lớn" của Ukraine khỏi các cuộc không kích của Nga.
Ông Scholz cho biết Đức cũng sẽ gửi một hệ thống radar theo dõi có khả năng phát hiện hỏa lực pháo binh của đối phương.
Đức trước đây cam kết chỉ gửi vũ khí phòng thủ cho Ukraine, tuy nhiên vào cuối tháng 4, Đức đã thay đổi chính sách và đồng ý cung cấp các khí tài mạnh hơn như xe tăng và pháo tự hành.
Đức cũng đang đàm phán với các nước ở Đông và Nam Âu về việc gửi các khí tài từ thời Liên Xô tới Ukraine để đổi lấy các mẫu vũ khí mới hơn của Đức.
Tây Ban Nha
Vào tháng 4, Tây Ban Nha đã vận chuyển 200 tấn thiết bị quân sự tới Ukraine, bao gồm 30 xe tải, một số phương tiện vận tải hạng nặng và 10 phương tiện nhỏ chở vật tư quân sự.
Pháp
Vào giữa tháng 4, chính phủ Pháp cho biết họ đã chuyển hơn 107 triệu USD thiết bị quân sự cho Ukraine.
Một tuần sau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết sẽ viện trợ nhiều hơn, bao gồm tên lửa chống tăng Milan và pháo tự hành Caesar.
Một cuộc điều trần tại Thượng viện Pháp tuần trước đã xác nhận Paris đã gửi các lựu pháo và tên lửa phòng không cho Ukraine.
Các nước Bắc Âu
Na Uy đã gửi 100 tên lửa phòng không Mistral do Pháp sản xuất cùng 4.000 vũ khí chống tăng M72 cho Ukraine.
Cuối tháng 2, Thụy Điển thông báo sẽ gửi 10.000 vũ khí chống tăng cùng thiết bị rà phá bom mìn cho Ukraine.
Phần Lan hồi tháng 2 cũng tuyên bố gửi cho Ukraine 2.500 súng trường tấn công, 150.000 viên đạn và 1.500 vũ khí chống tăng. Một tháng sau khi chiến tranh bắt đầu nổ ra, Helsinki cho biết họ sẽ gửi thêm vũ khí, nhưng không nói rõ loại vũ khí nào.
3 ngày sau khi xung đột bắt đầu nổ ra, Đan Mạch thông báo sẽ gửi 2.700 vũ khí chống tăng cho Ukraine. Trong chuyến thăm tới Kiev, Thủ tướng Đan Mạch Mette Fredriksen đã công bố thêm gói viện trợ vũ khí trị giá 88 triệu USD cho Ukraine. Washington cho biết Đan Mạch có kế hoạch gửi một tổ hợp tên lửa chống hạm Harpoon, có khả năng tấn công mục tiêu từ khoảng cách 300 km.
Các nước láng giềng của Ukraine
Ba Lan cho biết nước này đã gửi số vũ khí trị giá 1,6 tỷ USD, bao gồm xe tăng, cho Ukraine. Truyền thông Ba Lan và Mỹ đưa tin Warsaw cung cấp hơn 200 xe tăng, trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ.
Ba Lan cũng xác nhận gửi tên lửa chống tăng, súng cối, đạn dược và máy bay không người lái cho Ukraine.
Cho đến nay, Slovakia đã đóng góp vật tư quân sự trị giá 165 triệu USD cho Ukraine và đã đạt được thỏa thuận với Ukraine về việc bán ít nhất 8 lựu pháo.
Các quốc gia vùng Baltic
Binh sĩ Ukraine vận chuyển lô viện trợ quân sự của Lithuania (Ảnh: Reuters).
Latvia đã đóng góp vật tư quân sự trị giá hơn 214 triệu USD, bao gồm đạn dược, tên lửa phòng không Stinger và bệ phóng, máy bay không người lái cho Ukraine.
Lithuania xác nhận gửi viện trợ quân sự cho Ukraine trị giá "hàng chục triệu Euro", bao gồm tên lửa phòng không Stinger, súng cối, súng trường, đạn dược và các thiết bị khác. Người dân Lithuania cũng huy động hơn 5,3 triệu USD để mua máy bay không người lái cho Ukraine.
Trung và Đông Âu
Cuối tháng 2, Slovenia thông báo họ đã gửi súng trường tấn công và đạn dược cho Ukraine. Slovenia cũng đang thảo luận với Đức về việc gửi cho Ukraine số lượng lớn xe tăng thời Liên Xô để đổi lấy xe tăng và xe bọc thép chở quân của Đức, nhưng chưa có thỏa thuận nào được công bố.
Cộng hòa Séc đã cung cấp viện trợ quân sự trị giá 150 triệu USD cho Ukraine, đồng thời cho biết họ đang lên kế hoạch cung cấp thêm các khoản viện trợ trị giá lên tới 30 triệu USD. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết chính phủ Séc đã cung cấp trực thăng chiến đấu và hệ thống tên lửa cho Ukraine. Các công ty của Séc cũng giúp sửa chữa các xe tăng của Ukraine.
Các nước khác
Bỉ cho biết nước này đã gửi 5.000 súng trường tự động và vũ khí chống tăng cho Ukraine.
Cuối tháng 2, Hà Lan cam kết sẽ cung cấp 200 tên lửa Stinger cho Ukraine. Vào tháng 4, Hà Lan cho biết sẽ gửi lựu pháo cho Ukraine.
Theo một thỏa thuận được Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố vào ngày 31/5, Hy Lạp sẽ gửi cho Ukraine một số xe tăng từ thời Liên Xô để đổi lấy các phương tiện hiện đại hơn từ Berlin. Hy Lạp cũng đã gửi 400 khẩu súng trường, súng phóng lựu và đạn dược.
Theo AFP, Reuters
Nguồn: Báo điện tử Dân trí