Thủ tướng Anh Theresa May đến thăm chính thức Trung Quốc lần đầu tiên nhưng không phải lần đầu tiên đến Trung Quốc.
Với sự tháp tùng của đại diện 50 hãng kinh tế hàng đầu của Anh, bà May muốn chinh phục Trung Quốc làm đối tác cho thời kỳ nước Anh không còn là thành viên EU nữa.
Người ta cho rằng, bà May đi Trung Quốc lần này trong thế yếu bởi chuyện đàm phán giữa chính phủ Anh và EU về việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit) hiện vẫn rất khó khăn và chưa biết kết quả cuối cùng như thế nào, cũng như bởi bà May hiện phải đối phó với thách thức quyền lực ở trong chính Đảng Bảo thủ cầm quyền của mình.
Với những thoả thuận hợp tác được ký kết trị giá khoảng 9 tỉ Bảng Anh và với việc cả Anh lẫn Trung Quốc đều đồng giọng đề cao cái gọi là “thời đại vàng son” của quan hệ song phương có từ thủa người tiền nhiệm của bà May ở Anh, chuyến công du này của bà May không thể không được công nhận là thành công, kể cả khi giữa Anh và Trung Quốc vẫn còn tồn tại bất hoà đáng kể, liên quan đến chính sách của Trung Quốc đối với Hong Kong và đến những chuyện dân chủ, nhân quyền ở Trung Quốc.
Bất hoà không cản trở quan hệ hợp tác song phương được thúc đẩy mạnh mẽ, bởi phía bà May cần Trung Quốc cho thời kỳ sau Brexit, còn Trung Quốc tận dụng Brexit để có đối trọng mới ở Châu Âu cho quan hệ với EU. Giữa EU và Trung Quốc đã định hình khuôn khổ quan hệ hợp tác. Nhưng vì không còn là thành viên EU nữa, bà May phải tìm kiếm hình thức hợp tác thích hợp với Trung Quốc.
Xuất khẩu của Anh sang Trung Quốc năm 2016 chỉ chiếm có 3,1%, trong khi sang EU chiếm 43% toàn bộ xuất khẩu của Anh. Nhưng không còn EU là đối tác nữa thì Trung Quốc càng thêm quan trọng và về lâu dài thì chuyện gây dựng cấp độ và chất lượng quan hệ mới với Trung Quốc còn có ý nghĩa chiến lược cơ bản đối với Anh. Chuyện xa anh em gần đã không còn có thể đảo ngược được nữa, thì việc gần đối tác xa như Trung Quốc trở thành chuyện sống còn đối với nước Anh và giúp bà May cứu vãn quyền lực ở Anh.
Nguồn: laodong.vn