Đang làm cán bộ tại một trường tư ở Hà Nội, chị Quỳnh Trâm xin nghỉ, sang Czech với chồng và sinh 3 con ở đây.
Gần 8 năm trải nghiệm cuộc sống xứ người, chị Quỳnh Trâm vẫn không thích nghi được môi trường mới và luôn muốn trở về quê nhà gây dựng …
Gần 8 năm trải nghiệm cuộc sống xứ người, chị Quỳnh Trâm vẫn không thích nghi được môi trường mới và luôn muốn trở về quê nhà gây dựng lại công việc. Bài viết dưới đây là chia sẻ của người phụ nữ 39 tuổi, quê Bắc Ninh này:
Chồng tôi sang Cộng Hòa Czech từ năm 1991 theo diện hợp tác lao động. Hết thời hạn, anh không muốn về nên sang Đức nhập trại tỵ nạn và đi làm 5 năm ở đó rồi quay lại Czech. Là anh cả trong gia đình bố mất sớm, mẹ vất vả nuôi 4 con, anh cần mẫn làm lụng để có tiền gửi về nước đỡ đần gia đình.
Chúng tôi quen nhau qua bạn chung. Giữa năm 2009, chúng tôi kết hôn, sau đó chồng lại gấp rút sang bên kia làm ăn và lo giấy tờ đón tôi sang vào 2010.
Nói về bản thân, tôi khá tháo vát, tự tin, độc lập về kinh tế. Trước khi kết hôn, tôi có chức vụ cao tại một trường tư và có một cửa hàng kinh doanh nhỏ. Khi lấy chồng năm 31 tuổi, tôi đã xác định sẽ phải tạm ngưng sự nghiệp vì anh nói muốn gia đình ở bên kia, nơi anh đã có nhà cửa, công việc ổn định và các con sẽ được hưởng một nền giáo dục tiên tiến. Khi biết tôi sẽ theo chồng sang châu Âu, nhiều bạn bè ngưỡng mộ, có người ghen tỵ, cũng có người nói bóng gió tôi kết hôn vì anh là Việt kiều giàu có…
Chị Trâm cho biết cảnh sắc vùng Karlovy Vary (Cộng hòa Czech) nơi chị từng sống đẹp như cổ tích nhưng chỉ khiến chị thích thú thời gian đầu, không thể làm vơi bớt nỗi nhớ gia đình, quê hương. Ảnh: Quỳnh Trâm.
Trước khi sang, tôi không quá ảo tưởng về cuộc sống trời Tây sẽ đẹp như cổ tích. Tôi biết mình sẽ rất nhớ cha mẹ, các em và công việc, đồng thời phải bắt đầu học tiếng, xin việc, hòa nhập cuộc sống mới… Nhưng tôi chấp nhận vì yêu chồng và nghĩ tới tương lai sau này. Mặc dù vậy, khi thực sự sống xứ người, tôi vẫn ít nhiều hụt hẫng.
Ở Czech, chồng tôi đã mua được ngôi nhà hai tầng tại ngôi làng nhỏ sau nhiều năm bươn chải với đủ nghề, từ làm bếp, buôn vải vóc, bán tạp hóa… Chúng tôi sống ở tầng trên, tầng dưới dùng làm nơi bán hàng. Cửa hàng nhỏ nên một mình chồng tôi đảm nhiệm, thi thoảng cần đi lấy hàng thì anh thuê người làm ca.
Sang được vài tháng, tôi xin đi làm nail để vừa vơi nỗi buồn nhớ nhà, vừa san bớt gánh nặng tài chính với chồng. Làm được 4 tháng, tôi có bầu nên nghỉ vì chồng sợ việc tiếp xúc với hóa chất ảnh hưởng tới con. Từ đó đến nay, tôi chỉ ở nhà vì sinh liền 3 con, mỗi đứa cách nhau 2 tuổi.
Đa số các bố mẹ Việt sang đây đều gửi con từ nhỏ để đi làm, tiền trông mỗi bé tương đương 7-10 triệu đồng. Như gia đình tôi, nếu gửi con nhỏ nhất và nhờ đưa đón hai bé lớn, chưa kể tiền ăn và trông hai ngày cuối tuần thì mỗi tháng hết khoảng 25 triệu đồng – cao hơn mức lương tôi có thể nhận khi bắt đầu đi làm. Nên tính đi tính lại tôi đành ở nhà trông con, dành thời gian chăm sóc và dạy các bé.
Tuổi không còn trẻ, cộng thêm lúc nào cũng trong tình trạng chăm con nhỏ và lo tính toán chi tiêu nên tôi không thể tập trung học ngôn ngữ, trừ thời gian bắt buộc phải thi để hoàn thành thủ tục thường trú.
Do hạn chế về tiếng, nếu không có chồng đi cùng, vào khám thai, đến ngân hàng… tôi phải thuê phiên dịch. Nhớ lần mang bầu bé thứ hai, bác sĩ chỉ định phải đi chọc ối, tôi vô cùng hoang mang, muốn hỏi họ thật nhiều nhưng ngắc ngứ không thể nói được nên càng lo lắng. Chồng tôi nghe các từ chuyên môn cũng chẳng giải thích cho vợ nổi, nên phải thuê người dịch lại.
Chi phí của gia đình tôi tính ra mỗi tháng đều 40-50 triệu đồng… dù tôi đã cố gắng tằn tiện. Mỗi lần đi siêu thị mua cho con bịch bỉm, ít đồ ăn, tôi thấy tốn cả đống tiền. Vì thói quen tiêu gì cũng quy ra tiền Việt nên tôi rất xót ruột, không dám mạnh tay mua sắm những đồ thời trang hàng hiệu bao giờ. Thường thu nhập mỗi tháng của chồng dư ra một chút, tháng nào bán hàng ế ẩm thì thậm chí chúng tôi phải lấy tiền tích lũy ra tiêu.
Bên này cộng đồng người Việt khá đông, mỗi năm có một số hoạt động gặp gỡ vào các dịp lễ Tết. Tôi cũng tham gia vài nhóm mẹ và bé. Tuy nhiên, tất cả chỉ là xã giao, cười nói vài câu cho vui rồi ai về nhà nấy, không có bất cứ quan hệ thân tình nào. Tâm tư, dự tính, vui buồn… tôi không có ai để trải lòng ngoài chồng. Bạn bè cũ ở quê nhà thì cũng chỉ thi thoảng nói chuyện qua mạng, ai nấy đều bận. Thỉnh thoảng, mọi người thấy tôi đăng Facebook những bức hình các con vui chơi ở công viên xanh mướt, giữa vườn hoa đủ sắc hay khi lái ôtô chở bọn trẻ đi siêu thị thì lại trầm trồ và có lẽ không ít người nghĩ tôi đang có cuộc sống thiên đường. Thực tế, xe hơi bên này chỉ là phương tiện đi lại rất bình thường, 100 triệu tiền Việt là đã sắm được chiếc xe đi tốt.
Cuối năm 2016, do một loạt các cửa hàng tiện lợi giống như của nhà tôi mọc lên (chủ đều là người Việt), việc làm ăn của chồng tôi sa sút. Khách ngày càng thưa, tới cuối năm đó, chúng tôi phải đóng cửa hàng, gia đình không còn nguồn thu. Vừa áp lực về kinh tế, vừa nhớ gia đình và chán nản với cuộc sống vẫn lạc lõng xứ người, tôi nằng nặc đòi về.
Tôi nói sẽ đưa một bé về trước, rồi tự tạo dựng công việc, không đụng tới tiền chồng, nếu ổn thì anh và hai con lớn về sau. Chồng tôi không đồng ý. Với anh, quê nhà bây giờ là xứ ồn ào, ô nhiễm, bụi bặm…
Sau trận cãi nhau to, biết chồng không suy suyển và sẽ chẳng để tôi đưa con về, tôi đành chịu thua.
Tám năm đi nước ngoài, tôi mới về quê được một lần vì chi phí cho mỗi lần như vậy là hàng trăm triệu. Nghĩ tới lần cha ốm, mất cũng không thể về thăm, tôi lại đau thắt tim.
Nửa năm trước, chồng tôi quyết định sang Đức làm việc, ổn định cuộc sống rồi đón mẹ con tôi qua.
Anh quay lại với nghề làm bếp trong một cửa hàng bán đồ ăn Á, lương mỗi tháng 2.000 Euro.
Chúng tôi bán đi ngôi nhà đang ở, sang đó thuê căn hộ chung cư với giá 1.000 Euro một tháng. Hai bé lớn học trường công, bé nhỏ tôi phải gửi mầm non tư, chi phí 500 Euro. Tôi đi làm, bắt đầu bằng chân lon ton ở bếp, thu nhập chưa đáng là bao. Tôi dự định sẽ học thêm tiếng rồi xin vào một tiệm nail để có mức lương sẽ cao hơn.
Dẫu sao, ở xứ này, các con tôi đang được hưởng nền giáo dục tiên tiến, lớn lên trong bầu không khí trong lành, văn minh. Mẹ tôi ở quê nhà dù thương nhớ con nhưng hẳn vẫn nghĩ tôi đang có cuộc sống hạnh phúc, êm ấm nên tôi cũng yên lòng. Biết đâu có lúc nào chồng đổi ý, chúng tôi lại được quay về.
Quỳnh Trâm
* Tên nhân vật đã được thay đổi
VNEXPRESS