Lấy chồng Tây là giấc mơ của nhiều cô gái Việt ngày nay, nhưng trời Tây không phải là thiên đường như nhiều người vẫn nghĩ. Trong đó, lệch văn hóa là một rào cản khá lớn.
Chị Minh Thuật gặp gỡ và kết hôn với chồng là một người đàn ông Đức đã 5 năm. Hiện chị định cư tại Cộng hòa liên bang Đức theo diện bảo lãnh của chồng và đã có hai con lai xinh xắn với người đàn ông ngoại quốc này.
Những buổi đầu ngọt ngào sau hôn nhân, theo chân chồng sang Đức sinh sống, đúng là "thiên đường" như cách mà chị em mới lấy chồng Tây chia sẻ trên mạng xã hội thật. Nhưng ở Tây hay ở ta cũng chẳng ai thoát khỏi cơm áo gạo tiền. Sau những tháng ngày mật ngọt thì ông xã người Đức như mọi người đàn ông sau khi kết hôn khác, có nghĩa là trách nhiệm gia đình vợ con tăng lên gấp đôi trên đôi vai, đều phải lao ra ngoài đi làm để mưu cầu cho gia đình một cuộc sống sung túc. Thế là một mình chị quanh quẩn ở nhà và từ đây cú sốc văn hóa xuất hiện.
Lễ cưới của chị Minh Thuật và chồng Đức ở Tòa thị chính thành phố vùng Stuttgart, bang Baden wurttemberg, miền Nam nước Đức. Ảnh: NVCC
Đang ở Việt Nam cuộc sống sôi động, bạn bè kết giao nhiều, sáng tối nếu không đi làm thì đều gặp gỡ hội này nhóm kia, rồi karaoke cà phê cà pháo, giờ bỗng nhiên chị rơi tọt vào cái hố đen của sự cô độc.
Ở quê nhà tới tận khuya cuộc sống vẫn nhộn nhịp, còn ở trời Tây, 7 - 8 giờ tối các cửa tiệm đã đóng cửa từ lâu, đường phố vắng tanh ít người qua lại. Tất cả đều lui về nhà tận hưởng cuộc sống gia đình khép kín. Thời điểm đó đang là mùa đông, tuyết rơi trắng xóa trời triền miên từ ngày này sang ngày khác, các hoạt động bên ngoài ngưng trệ, chị chỉ biết giam mình ở nhà.
Tiếng chưa thạo, chị có muốn xem vô tuyến khuây khỏa cũng khó. Vô tuyến của Đức đương nhiên chỉ xì xồ tiếng Đức, chị đành tìm ra giải pháp là xem kênh truyền hình của... thiếu nhi. Vì chương trình này là kênh chuyên dành cho trẻ nên các hội thoại đều chậm, và nhân vật sử dụng câu cú đơn giản, từ mới không nhiều phù hợp với trình độ tiếng Đức A1 chị mới học ở Việt Nam qua.
Chị Thuật những ngày đầu "thiên đường" nơi đất khách. Ảnh: NVCC |
Nhưng xem riết chương trình thiếu nhi của Đức cũng chán, chị mặc hai cái áo khoác, nai nịt hai ba cái quần để chống chọi được với cái lạnh cắt da cắt thịt nơi bản xứ, rồi phăm phăm lao ra ngoài đường, tìm đến các cửa tiệm làm móng, các quán ăn của người Việt ở quanh vùng... chỉ với một mục đích đơn giản nhất, là được gặp gỡ với người Việt, nghe và nói tiếng Việt. Nhưng cũng chỉ có chừng mực, đồng hương người Việt sinh sống lâu năm ở đây, ai cũng phải lo mưu sinh cả. Thời gian ở nước ngoài là vàng bạc, theo đúng nghĩa đen của nó: một tiếng họ làm việc được 10 Euro, hai tiếng là 20 Euro.. Đương nhiên không thể quấy quả họ nhiều, chị đành lủi thủi ra về.
Hết giờ làm việc ông xã Đức cũng về nhà với chị. Quỹ thời gian hiếm hoi còn lại phải chia đều cho các các nhu cầu trong ngày của mỗi con người: ăn uống, nghỉ ngơi, tắm giặt, xem vô tuyến thư giãn... Chỉ có thời gian hai ngày cuối tuần là vợ chồng thực sự được đối thoại và chia sẻ với nhau nhiều hơn. Nhưng cũng từ những ngày tháng có sự chia sẻ và thực sự đối thoại này, sự vênh lệch nhau về khung nền văn hóa giữa chồng Tây - vợ Việt bắt đầu xuất hiện.
Bữa ăn xuất hiện cảnh chồng nĩa vợ đũa, vợ Việt thì "cơm tẻ mẹ ruột", trong bữa ăn chính nhất định phải có cơm, thói quen ăn uống chị muốn được ăn gà gặm có dính cả thịt và phần xương lẫn da, trong khi người bản địa và chồng chị cũng không là ngoại lệ, chỉ thích ăn nguyên phần lườn, sau khi đã lọc bỏ hết phần da và xương đi kèm.
Ở Đức nhưng chị Thuật vẫn mày mò làm món Việt cho đỡ nhớ quê hương. Ảnh: NVCC |
Trong bữa ăn chị rất thích món tim gan lòng mề gà hoặc heo xào với rau củ quả. Trong khi ông chồng Tây rất dị ứng với nội tạng động vật, chị xào món gì có dính đến tim gan gà hay heo, ông xã đều đụng qua quýt rồi không gắp nữa. Hóa ra người bản địa không ăn đồ lòng như người nhà mình. Từ bé tới lớn, họ đi bác sĩ và đọc sách báo về sức khỏe. Tất cả đều được khuyến cáo tránh xa các loại thực phẩm này vì nhiều cholesterol và các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn khác.
Nhìn thấy chị gặm chân gà, cổ gà, móng giò, ăn tai heo, mũi heo... ông xã chị trố mắt ngạc nhiên kinh hãi. Người phương Tây không có thói quen dùng tay khi ăn uống, kể cả với những món ăn phải có sự trợ giúp của tay thì mới hiệu quả, như cách lý luận của chị với chồng. Và thói quen ăn tai heo, mũi heo của chị em Việt trước mặt chồng Tây, mãi sau này chị mới biết, là cách ghi ấn tượng sâu đậm nhất theo hướng tiêu cực trong lòng người bạn đời có xuất phát điểm khác biệt.
Nhìn vợ bữa sáng hôm nào cũng bún phở nghi ngút, ông xã chị rất ngạc nhiên. Người phương Tây ăn sáng thường chỉ bánh mì và đi kèm đồ hộp, bản chất toàn đồ ăn lạnh. Chẳng tìm được tiếng nói chung, thành thử bữa ăn mà hai vợ chồng hai niêu hai mâm với hai thực đơn khác biệt.
Chị Thuật dẫn chồng về thăm quê, bọn trẻ con chạy ra xem "ông Tây". Ảnh: NVCC |
Trong bữa ăn của người phương Tây, họ ngồi ngay ngắn và tập trung khi ăn, tuyệt nhiên không phát ra tiếng động hay nhai chóp chép. Chị đã cố gắng quan sát và học theo thói quen này nhưng nhiều lúc vẫn còn sơ suất. Chị biết ở quê nhà, khi ăn tỏ rõ sự hứng khởi, nhai phát ra tiếng... ở một khía cạnh nào đó lại là bộc lộ sự ngon miệng. Nhưng sang đến đây rồi, nhập gia tùy tục, chị biết không có một lý do nào biện hộ cho cái sự "nhai phát ra tiếng" trong bữa ăn cả.
Có lần tham dự lễ tiệc lớn cùng gia đình nhà chồng, chị hứng khởi và quên mất điều nghi kỵ nên nhai khí thế, ngay lập tức phía dưới gầm bàn ăn, ông xã đã đá chân kịp thời làm chị giật mình nhận ra "tôi đang ở đâu giữa cuộc đời này."
Ở Việt Nam, ai đó xì mũi trong bữa ăn rất mất lịch sự, nhưng trái lại, người phương Tây quan niệm, xì mũi trong bữa ăn lại hết sức bình thường. Và vì thế nhiều người vô tư thực hiện thói quen này. Nhưng ngược lại, người phương tây lại cực kỳ dị ứng với hành động ngoáy mũi. Có lần sau bữa ăn, đang thảnh thơi ngồi xem ti vi, chị đang ngoáy mũi rất hăng. Ông xã chị trừng mắt. Chị cự cãi "anh xì mũi trong bữa ăn thì cũng phải để tôi ngoáy mũi sau khi ăn chứ". Riết rỗi anh xã cũng chấp nhận thói quen này của vợ. Giờ thì chồng xì mũi vợ ngoáy mũi. Cả hai đều rất hài lòng về nhau.
Sau những tháng ngày chấp nhận sự khác biệt và học hỏi lẫn nhau, tổ ấm của anh chị Thuật đã chào đón hai thành viên mới xinh xắn. Ảnh: NVCC |
Nhưng rồi chuyện vênh nhau về ăn uống, chị cũng đã tìm ra giải pháp khắc phục. Chị tích cực lên mạng, học hỏi nhiều món ăn đặc sắc Việt Nam, làm thật ngon rồi "dụ" chồng ăn cùng. Tới giờ ông xã Đức rất mê món chả giò, phở bò, phở cuốn... do chính tay chị làm. Chị cũng học cách thích nghi ăn các món Tây có rưới nước sốt để hai vợ chồng tìm được tiếng nói chung trong ăn uống.
"Bắt chồng cả tuần ăn theo đồ Việt cũng không nỡ. Ngược lại mình cũng chẳng chịu ăn riết đồ Tây theo chồng. Thế nên vợ chồng mình đã có sự thỏa thuận hôm nay nấu món Việt thì ngày mai nấu món Đức đan xen nhau. Các con của mình cùng lúc đón nhận hai luồng văn hóa nên nói được thông thạo cả tiếng Đức và tiếng Việt cũng như ăn được đồ Tây lẫn đồ Việt mẹ nấu" - chị Minh Thuật, chia sẻ.
Người chồng Đức của chị không ngần ngại ngồi câu cá khi về thăm quê vợ. Ảnh: NVCC |
Yêu thương và tiến tới hôn nhân, sau đó là giữ được mái ấm gia đình trong cuộc sống đầy biến động ngày nay đối với những cặp đôi thuần chủng, cùng tôn giáo cùng ngôn ngữ cũng đã là khó. Đồng hành sát cánh lâu bền từ hai cá thể có xuất phát điểm cũng như phông nền văn hóa khác nhau lại càng khó hơn. Vì vậy, để có được sự đồng điệu, đòi hỏi người trong cuộc phải nỗ lực học hỏi không ngừng chấp nhận sự khác biệt của nhau - chị Minh Thuật, chia sẻ.
Mai Lan