Có nhiều người Việt Nam sinh sống và làm việc tại nước ngoài, cũng có người thành công nhưng cũng không ít người phải chịu đựng và chấp nhận một cuộc sống không mấy dễ chịu nơi xứ người. Họ luôn hy vọng và chờ đợi vào những điều tốt đẹp sẽ đến với họ. Một số đông người Việt tại Pháp duờng như đã bị lãng quên, và có người phải chờ đợi đến 60 năm để có được một mái nhà nhưng hy vọng vẫn mãi là hy vọng.
Ngôi làng người Việt bị bỏ quên
Không ai có thể tưởng tượng được cảnh hàng trăm gia đình phải sống trong những dãy nhà dài, hẹp chỉ có thể nằm dọc mà không thể nằm ngang, trần nhà thấp đến chạm đầu người. Tất cả những gia đình này phải sống một cuộc sống tạm bợ, chui lủi và phải hạn chế đi lại để không ảnh hưởng tới dân địa phương. Họ sống mà không được giao tiếp với thế giới bên ngoài, tất cả mọi sinh hoạt chỉ được gói gọn trong khu nhà ẩm thấp của mình.
Những người dân bản địa ở đây nhìn họ với một con mắt xa lạ và không bao giờ họ muốn làm quen hay bắt chuyện. Nếu như những người trong khu nhà tồi tàn này cố ý gây rối, làm phiền đến cuộc sống của những người dân xung quanh thì chắc chắn họ sẽ không được yên. Những dãy nhà đó, những ngôi nhà tạm đó là của những người gốc Việt và dường như họ đã bị chính phủ lãng quên.
Ảnh minh họa
Khi những người gốc Việt này theo quân viễn chinh Pháp tới thị trấn Sainte-Livrade, chính phủ Pháp nói họ sẽ cư trú tạm thời trong một doanh trại quân đội bỏ hoang trước khi chuyển tới chỗ tốt hơn. Với những lời hứa hẹn cũng như những cam kết mà chính phủ Pháp đưa ra thì những chiến binh gốc Việt này đã hoàn toàn yên tâm và sống để chờ đợi một cuộc sống tươi mới hơn đang sắp đến với mình.
Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra theo những gì mà họ mong đợi, thời gian cư trú tạm thời đó cứ trôi đi mà họ vẫn không nhận được một tin tức gì về sự thay đổi. Hàng ngày họ vẫn cố gắng sống, cố gắng để chờ đợi, cố gắng để hy vọng và rồi lại thất vọng. Thời gian trôi đi quá nhanh nhưng vì quá mải mê để hy vọng nên họ cũng chẳng nhận ra, mà nếu có nhận ra thì cũng không có cách nào khác. Gần 6 thập kỷ trôi qua, những con người đó vẫn sống trong những dãy nhà tồi tàn và chắc chắn họ đã bị chính phủ lãng quên từ lâu.
Câu chuyện xảy ra từ những năm 1950, Pháp nhận thấy hệ thống thuộc địa của họ bắt đầu tan rã nhanh chóng và vùng Đông Dương, hệ thống thuộc địa của Pháp ở phía đông, cũng không phải là ngoại lệ nên người Pháp vội vàng đóng gói hành lý chạy về quê hương. Hàng nghìn người dân địa phương từng làm việc cho chính quyền thực dân hoặc đã kết hôn với công dân Pháp cũng muốn rời quê hương để đi theo gia đình của mình.
Lúc đó thì họ đã bất chấp tất cả, miễn sao họ được sống cùng những người thân của mình. Do vậy, chính quyền Pháp đã cho phép một số người trong số họ theo quân đội viễn chinh tới mẫu quốc. Khoảng 1.200 người trong số họ đã cùng binh lính vượt biển qua Pháp và sống trong doanh trại quân đội cũ gần Sainte-Livrade, một thị trấn nhỏ ở phía tây nam nước Pháp. Hồi ấy chính phủ Pháp nói họ sẽ chỉ ở trong doanh trại vài tháng rồi chuyển sang một nơi khác.
Người dân địa phương Pháp gọi nơi đây là làng Việt Nam trên sông Lot. Trong trại tị nạn có cửa hàng tạp hóa và nhà hàng Á Đông riêng. Trẻ em học bằng tiếng Pháp, còn những người lớn tuổi vẫn nói tiếng Việt. Điều thú vị là mọi người ở đây đều lấy tên Pháp.
Điều kiện sống ở trong doanh trại quân đội bỏ hoang rất thiếu thốn. Hàng trăm gia đình sống trong dãy nhà dài, hẹp, có tường xám và trần thấp. Chúng được lợp bằng tôn xi măng giống như những nhà kho trong trang trại. Nhà vệ sinh và lò sưởi gần như không tồn tại. Cư dân Việt phải hạn chế tối đa phạm vi di chuyển của họ để không gây rắc rối với người dân địa phương. Những người đàn ông làm việc trong các nhà máy địa phương còn phụ nữ làm việc trên những cánh đồng gần đó. Sự liên lạc với người Pháp được giữ ở mức tối thiểu.
Mong một mái nhà để chết
Hầu hết cư dân đã tự chuyển tới chỗ khác để mong thay đổi được cuộc sống của mình, trừ 30 hộ gia đình toàn người già nên họ không có nhiều cơ hội để lựa chọn. Họ chấp nhận cuộc sống của mình đến hết cuộc đời bởi có muốn cũng không thể làm khác được. Giờ đây, chỉ còn khoảng 30 cư dân đầu tiên còn sống. Họ đang ở độ tuổi từ 80 tới hơn 90 và vẫn nói tiếng Việt. Số còn lại đã chết và con, cháu của họ đã chuyển đến nơi khác.
Ông Emile Lejeune, một trong 30 người còn sống, đã trải qua bảy năm tù ở Đông Dương vì tội chiến đấu cho Pháp. Giờ đây người đàn ông 91 tuổi vẫn còn cảm thấy cay đắng về những sự kiện đã xảy ra với ông. Ông chua xót kể lại những tháng ngày đau khổ mà ông đã phải trải qua. Thời gian ông phục vụ cho quân đội Pháp, rồi thời gian ông phải ngồi tù và tiếp theo đó là ông lại bị chính người Pháp đối xử như một người thừa.
Họ đưa ông vào cái xó xỉnh này rồi giam lỏng ông ở đó. Nếu như họ không hứa hẹn gì thì ông đã không hy vọng để rồi ông lại bị thất vọng ê chề đến như vậy. Một người già như ông thì còn làm được gì nữa để người ta coi trọng. Ông Emile Lejeune kể lại bằng giọng nói chua chát và bi quan đến bất lực. Ông không nghĩ rằng mình sinh ra trên đời lại trở nên thừa thãi và vô nghĩa đến như vậy.
Ngồi giữa các bức tượng Phật, ông nói giới chức Pháp chưa bao giờ hỗ trợ cư dân trong làng hòa nhập vào cuộc sống của xã hội Pháp. Những cư dân như ông dường như phải tự biết thân biết phận mình, không dám lên tiếng để đấu tranh bảo vệ cho chính mình và những người đồng hương đang phải chịu cảnh bất công như mình.
Ông Emile Lejeune nói, tất cả mọi người trong làng đều biết rõ những thiệt thòi, những bất công, song họ cũng đâu có biết làm gì ngoài việc im lặng và chờ đợi một cơ may sẽ đến với mình. Nhiều người bị mắc bệnh hiểm nghèo đã không được đến bệnh viện để chữa bệnh nên đã phải nằm chờ chết. Những người già như ông rồi cũng thế mà thôi, cũng nằm chờ đợi đến bao giờ tử thần đến. Nghe ông Emile Lejeune nói mà lòng ai cũng xót xa cho những số phận con người Việt sống bơ vơ tại đất nước Pháp.
Ông Pierre Charles Maniquant.
Một cư dân cao niên khác, ông Pierre Charles Maniquant, là người hay xem kênh truyền hình Việt Nam nhờ một chảo vệ tinh của khu dân cư gần đó may mắn một lần được tiếp xúc với phóng viên báo chí.
Ông kể rằng, 10 người trong gia đình ông sống trong hai phòng chật chội trong suốt mấy chục năm qua và phải dùng chung nhà vệ sinh ngoài trời với các gia đình khác. Ông kể sự liên hệ với thế giới bên ngoài của cư dân trong làng bị kiểm soát chặt chẽ tới tận thập niên 70.
Maniquant nói, người Pháp không tốt hơn mà cũng không thể xấu hơn bất cứ ai khác, nhưng chính phủ Pháp đã khiến cho những người đến từ Đông Dương hoàn toàn thất vọng. Nói như ông Maniquant thì có nghĩa là chính phủ Pháp không hề quên những người này, bởi họ vẫn luôn giám sát một cách chặt chẽ những người dân nơi đây.
Theo BBC, sức khỏe và an ninh trong làng không bao giờ là một vấn đề được chính quyền quan tâm. Mãi tới năm 2004, khi một trong các cư dân cao tuổi qua đời trong một vụ cháy nhà vì các thiết bị điện bị lỗi, thì nhà chức trách Pháp mới hành động. Một số ngôi nhà bỏ hoang trong làng đã được dỡ bỏ, những ngôi nhà mới với phong cách châu Á dần mọc lên và chính phủ kêu gọi những cư dân cuối cùng chuyển đến đó ở. Nhưng điều trớ trêu là hầu hết trong số họ đều không muốn rời đi. Sau gần 60 năm sống trong làng, họ không thể tưởng tượng cuộc sống sẽ ra sao nếu rời bỏ nó.
“Chúng tôi đã phải chờ đợi hơn nửa thế kỷ để mong có được những ngôi nhà thích hợp, nhưng tất cả các cư dân cao tuổi đã chết. Chỉ còn lại 30 hộ chúng tôi. Tất cả con em của chúng tôi đã chuyển sang những ngôi nhà mới để tìm kiếm cuộc sống riêng của chúng. Còn mấy cái thân già chúng tôi thì chuyển đi để làm gì. Chỗ ở mới hay cũ không còn quan trọng đối với chúng tôi nữa. Chúng tôi cảm thấy đau đớn và tủi nhục khi nghĩ lại những tháng ngày vừa qua chúng tôi đã bị đối xử thế nào. Giờ này thì cũng chỉ ngồi đây chờ chết, cuộc sống không còn là gì với chúng tôi nữa”, ông Pierre Charles Maniquant than thở.
Thật sự không thể tin được những gì mà những người gốc Việt tại Pháp đã phải trải qua. Cuộc sống thì cứ trôi đi, họ vẫn cứ phải gồng mình để chống đỡ lại những nghiệt ngã mà cuộc sống mang lại. Cả cuộc đời của những con người này đã phải chìm trong bóng tối, cuộc sống của họ đã trở nên vô nghĩa đến lạnh lùng
Lam My – Nguyễn Phong