Hành trình kỳ diệu của cô bé có hai bà mẹ Pháp và Việt

"Tôi gặp lại con gái giữa đất Sài Gòn hàng triệu người. Ông Trời đã không để hai mẹ con tôi xa nhau", chị Trang sau 8 năm ngồi kể lại vẫn không giấu được xúc động. 

"Tôi gặp lại con gái giữa đất Sài Gòn hàng triệu người. Ông Trời đã không để hai mẹ con tôi xa nhau", chị Trang sau 8 năm ngồi kể lại vẫn không giấu được xúc động. 

Đó cũng là ngày đầu tiên hai bà mẹ, Việt và Pháp, gặp nhau.

Tường Vy Munier-Michel thất lạc cha mẹ từ khi mới sinh ra. Nhưng số phận kỳ diệu sau đó đã bù đắp, mang đến cho em hai gia đình.

132 1 Hanh Trinh Ky Dieu Cua Co Be Co Hai Ba Me Phap Va Viet

Tường Vy Munier-Michel (phải) sau ca mổ năm 2014, hồi 4 tuổi (trái, dưới) và chụp cùng cha mẹ người Pháp và các anh chị em. Ả

Trưa nắng một ngày đầu tháng 8, giữa khu nghĩa địa ở ấp Phú Long, xã phú Ngãi, huyện Ba Tri, tỉnh bến Tre, cách TP HCM hơn gần hai tiếng chạy xe ôtô về hướng nam, một người phụ nữ Việt Nam đậm người, nước da nâu bánh mật với khuôn mặt phúc hậu, cõng một cô bé gầy gò, dò dẫm len qua những ngôi mộ. "Con nhẹ như một chú khỉ con vậy", chị Khổng Thị Thu Trang trêu cô con gái trên lưng. Theo sát bên cạnh họ là một người phụ nữ phương Tây tóc vàng tên Agnès Munier-Michel. Hai người phụ nữ, một Pháp và một Việt, đều là mẹ của Tường Vy Munier-Michel. Họ không nói cùng một ngôn ngữ nhưng chia sẻ chung một tình yêu với cô con gái 15 tuổi. 

"Khi tôi mang thai Vy được hơn 6 tháng, bác sĩ bệnh viện huyện chẩn đoán con bé bị bệnh não úng thủy bẩm sinh và khuyên tôi nên bỏ vì nếu sinh ra, thai nhi cũng không sống sót được", chị Trang, ngồi trên tấm phản trong gian giữa ngôi nhà một tầng ở Bến Tre, kể với VnExpress.

Không nỡ bỏ con, vợ chồng chị lén lên bệnh viện Từ Dũ, TP HCM vì nghĩ rằng "người ta sẽ cứu được con mình". Tuy nhiên, các bác sĩ ở Từ Dũ cũng chỉ có thể cố gắng trấn an và chuẩn bị tinh thần chị chờ ngày sinh.

Đêm ngày 6/5/2003, chị Trang đau bụng dữ dội và được đưa vào phòng mổ. "Cô đừng cố rặn nữa, rặn nữa phù cổ tử cung, cô chết đó", ê-kíp trực hoảng hốt kêu lên. Sợ con ngạt, chị Trang bỏ ngoài tai lời của bác sĩ và dùng hết sức đưa con ra ngoài. Lúc chào đời, Tường Vy mới được 7 tháng 10 ngày. Lần đầu tiên nhìn thấy con, chị Trang chỉ nhớ hình ảnh đứa bé gái "tím ngắt, mắt nhắm nghiền và nhỏ xíu".

Tường Vy ngay sau đó được đưa vào lồng kính. "Một hôm, chồng tôi đi thăm con về, mặt buồn hiu. Tôi hỏi liệu các bác sĩ có cứu được con mình không? Ông bảo họ vẫn đang cố gắng", chị Trang rơm rớm nước mắt. Đến ngày xuất viện, chị mới biết con gái không sống sót. Không nỡ bỏ vợ nằm một mình ở bệnh viện để đưa xác con về quê chôn cất, chồng chị dằn lòng ký vào đơn đồng ý bỏ con và cho phép bệnh viện hỏa táng cô bé. "Sau khi ký xong, ông ấy như người mất hồn cả ngày nằm vạ vật trên ghế đá", chị Trang nghe người nhà của sản phụ cùng phòng kể lại.

Rồi hai vợ chồng thu xếp đồ về quê với cậu con trai sống xa cha mẹ hơn một tháng. "Thôi coi như con bé không có duyên với mình", họ tưởng rằng số phận như vậy đã an bài.

Sống sót kỳ diệu

Tháng 11/2007, Agnès Munier-Michel vượt hơn 10.000 cây đến Việt Nam xin con nuôi. Và khi người phụ nữ Pháp 50 tuổi nhìn thấy cô bé 4 tuổi mắt đen láy ngơ ngác chơi ngoài sân trung tâm bảo trợ trẻ em Gò Vấp, bà gần như bật khóc. "Lần đầu tiên gặp con bé, tôi đã thốt lên rằng Chúa đã cho chúng tôi một món quà, con bé quá đỗi dễ thương! Tôi yêu con bé ngay từ cái nhìn đầu tiên". Nhìn lại quá khứ, Agnès cho rằng số phận đã mang cô bé đến với gia đình bà. Cô bé đó chính là Tường Vy.

Bác sĩ Lê Ngọc Diệp, bệnh viên Từ Dũ, cho biết cứ sau 10 năm bệnh viện sẽ tiêu hủy hồ sơ lưu trữ của bệnh nhân một lần nên giờ không thể giải thích rõ nguyên nhân sự sống sót kỳ diệu của Tường Vy.

Bằng một phép màu nào đó, Tường Vy không chỉ sống sót mà còn vượt qua cuộc phẫu thuật đặt ống thông từ não thất xuống ngực. Gia đình Munier-Michel phải đợi hơn một năm để được gặp Tường Vy. Trước đó, qua những bức ảnh, họ đã biết rằng cô con gái họ nhận nuôi từ Việt Nam bị bệnh. Tuy nhiên dù tìm hiểu thông tin như thế nào, dù xem bao nhiêu bức ảnh, bà Agnès cũng không hoàn toàn sẵn sàng tâm lý cho lần gặp đầu tiên. Hôm đó, bà đã đưa tay xoa má và vỗ về cô bé. "Mọi thứ sẽ ổn thôi. Mẹ hứa mọi thứ sẽ ổn thôi".

Trong 7 năm sau đó, Tường Vy lên bàn mổ thêm 4 lần nữa. "Chúng tôi cố gắng không nghĩ quá nhiều về chuyện có thể xảy ra trong tương lai. Chuyện gì đến, sẽ đến. Và khi nó đến, chúng tôi sẽ làm hết sức mình để vượt qua", Agnès bình thản nói. Và gia đình Munier-Michel đã làm chính xác như vậy.

"Tùy tình trạng hoặc độ cấp tính, bệnh nhi mắc chứng não úng thủy phải mổ ngay sau khi chào đời vài tháng nhưng cũng có thể vài năm", bác sĩ Đặng Đỗ Thanh Cần, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết. Theo bác sĩ Thanh Cần, trung bình 3-4 năm, bệnh nhân bị não úng thủy phải mổ lại một lần để tránh nguy cơ bị tắc và nhiễm trùng ống.

Vài tuần sau khi đến Pháp, Vy được chuyển đến bệnh viện ở thành phố Lille. Các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật vì chiếc ống cũ không còn đủ an toàn. Ca mổ diễn ra thành công. Vy được đặt một ống dẫn dịch mới dẫn từ trên não xuống bụng.

Mỗi lần Vy quay sang bên trái, quan sát kỹ một chút, người ta sẽ nhận thấy phần cổ bên phải của cô bé nổi lên một đường chạy dài. "Mọi người hay nhầm đó là ven máu", Vy lấy tay ấn xuống cổ để "ven" nổi rõ hơn. "Ai cũng bất ngờ khi biết đó thực chất là chiếc ống dẫn dịch". Rồi Vy kéo áo lên và cho phóng viên xem 4 vết mổ trên bụng, dấu vết của 4 ca phẫu thuật vào các năm 2008, 2010, 2013 và 2014. 

132 2 Hanh Trinh Ky Dieu Cua Co Be Co Hai Ba Me Phap Va Viet

Bà Agnès Munier-Michel (phải) ngồi tại ban công khách sạn ở quận Tân Bình hôm 2/8 lật giở tập hồ sơ điều trị bệnh não úng thủy của con gái Tường Vy Munier-Michel. Ảnh: Hạnh Phạm.

Gia đình nhà Munier-Michel sống ở ngoại ô thành phố Reims, nơi được mệnh danh là xứ sở rượu vang của nước Pháp, cách thủ đô Paris gần hai tiếng lái xe về hướng đông bắc. Căn nhà hai tầng khiêm tốn với bốn phòng ngủ, trong căn bếp ấm cúng là một chiếc bàn ăn bằng gỗ đủ chỗ cho gia đình 6 người.

Hồi mới cưới, đôi vợ chồng Munier-Michel không bao giờ nghĩ họ sẽ có tới 4 đứa con. Sau khi sinh con gái đầu lòng, Agnès cảm thấy vẫn thiếu thứ gì đó nhưng không gọi được thành lời. "Vợ chồng tôi luôn muốn nhận con nuôi, đặc biệt là con nuôi người nước ngoài", bà nói. "Chồng tôi có chị gái cùng cha khác mẹ người Việt Nam nên chúng tôi có tình yêu đặc biệt với đất nước này".

Bất cứ người nước ngoài nào muốn nhận con nuôi người Việt Nam cũng phải trải qua trình tự thủ tục phức tạp. Thời gian chờ đợi từ lúc xác minh lý lịch cho đến khi nộp đơn xin nhập quốc tịch cho con nuôi kéo dài hơn một năm. Năm 1998, hai vợ chồng Munier-Michel bay đến Việt Nam đón đứa con nuôi đầu tiên, cậu con trai tên Trung. Năm 2001, cô bé Hiền 8 tuổi là thành viên thứ 5. Cuối năm 2007, Vy là mảnh ghép cuối cùng. 

Bác sĩ Thanh Cần khẳng định với những tiến bộ của y học, "tỷ lệ tử vong ở trẻ em bị bệnh não úng thủy bẩm sinh hiện dưới 5%" nhưng do điều kiện sống khó khăn, "Vy khó có cơ hội sống qua thời kỳ niên thiếu ở trung tâm bảo trợ trẻ em, đã có nhiều trường hợp các bé bị bỏ rơi mắc úng thủy não chết khi mới chỉ hơn 10 tuổi", cô Hương, cán bộ làm việc hơn 20 năm ở Gò Vấp, nói. "Nếu không sang Pháp, có lẽ con bé giờ này đã chết".

Hành trình tìm lại cha mẹ ruột

132 3 Hanh Trinh Ky Dieu Cua Co Be Co Hai Ba Me Phap Va Viet

Tường Vy Munier-Michel (trái) ngồi nói chuyện với mẹ Khổng Thị Thu Trang tại nhà ở ấp Phú Long, xã phú Ngãi, huyện Ba Tri, tỉnh bến Tre hôm 4/8. Ảnh: Hạnh Phạm.

Về phần mình, chị Trang và chồng quay trở lại cuộc sống thường nhật, đinh ninh rằng đứa con gái xấu số đã chết. Có lần hai vợ chồng lên Sài Gòn, ghé vào bệnh viện Từ Dũ tìm hũ tro của con rồi lặng lẽ ra về không ai nói với ai câu nào. "Lòng chúng tôi trống rỗng và đầy khổ đau", chị Trang lấy tay quệt hai hàng nước mắt chảy trên má. 

Tuy nhiên, vào buổi sáng định mệnh tháng 10/2007, bà hàng xóm kéo riêng chị ra hỏi nhỏ: "Có phải mày sinh một đứa bé và bỏ lại trên Từ Dũ không? Đứa bé vẫn còn sống". Chị Trang bán tín bán nghi: "Trời, ai nói vậy?" Hóa ra trước khi anh chị được biết, cả ấp đã kháo nhau về việc công an mang hồ sơ xuống kiếm hai vợ chồng chị. Nhưng cán bộ ủy ban không tin chị và chồng bỏ rơi con nên không chỉ địa chỉ nhà cho đoàn công tác. 

Chị tức tốc chạy lên ủy ban. May mắn, địa phương đã lưu lại một bộ hồ sơ. Khi cầm lên xem, chị thấy ngày sinh tháng đẻ của đứa bé gái trùng đúng ngày sinh của con kèm theo tấm hình của Tường Vy lúc mới lọt lòng. "Tôi khóc nức lên: 'Thiệt là con tôi rồi!'". 

Hai vợ chồng tức tốc lên trung tâm Gò Vấp. Đến nơi, họ được biết Tường Vy chuẩn bị sang Pháp làm con nuôi. "Ban đầu tôi nhất quyết đưa con về nhưng nếu đưa con về, nó sẽ chết chi bằng để người ta đem con mình đi để nó được sống", chị Trang nói. Hai vợ chồng gặp con được hai lần rồi mất liên lạc. "Cảm thấy hụt hẫng! Buồn lắm vì không biết chừng nào gặp lại con. Và chỉ mong ông Trời thương con mình cho nó được vào gia đình tử tế". 

Số phận không chỉ để Tường Vy lớn lên trong một gia đình đầy tình yêu thương mà còn đưa cô bé trở lại vòng tay của cha mẹ ruột. Năm 2010, nhân dịp cô cháu lên TP HCM thi đại học, chị Trang dẫn theo hai con trai lên thành phố chơi. Mắc kẹt trong dòng xe cộ trước điểm thi, chị Trang thơ thẩn nghĩ: "Lần trước lên đây, mình còn được gặp con, lần này con chẳng còn ở đó nữa mà gặp".

Đứng bên này đường, ánh mắt chị cứ dõi theo một người phụ nữ ngoại quốc ngồi sau chiếc xe máy ở bên kia đường. "Tôi thấy một đứa bé gái nhỏ xíu đi đôi giày vải bata kẹp ở giữa", chị Trang miêu tả. Giữa dòng người đang nhích từng chút một, bỗng nhiên, tiếng còi của cảnh sát giao thông vang lên.

Đứa bé giật mình quay lại nhìn. "Tôi thấy rõ mặt con bé. Làm sao tôi có thể quên mặt con gái tôi!"

Chị Trang nhào sang đường bên kia bất chấp xe cộ ken đặc. Trong lòng chỉ sợ không nhanh sẽ lạc mất con gái một lần nữa. Công an thổi còi rượt theo đằng sau nhưng chị không màng mà chỉ biết lao về phía trước. "Con ơi, Vy ơi, mẹ đây!", chị vừa chạy vừa gào lên không ngớt. "Khi đuổi kịp chiếc xe, tôi vội túm lấy cẳng chân con bé như sợ vuột mất".

"Tôi gặp lại con gái giữa đất Sài Gòn hàng triệu người. Ông Trời đã không để hai mẹ con tôi xa nhau", chị Trang sau 8 năm ngồi kể lại vẫn không giấu được xúc động. 

Đó cũng là ngày đầu tiên hai bà mẹ, Việt và Pháp, gặp nhau. Từ đó, cứ hai năm, bà Agnès Munier-Michel đưa Tường Vy về Việt Nam sống với bố mẹ và anh em trai một tuần. Mỗi lần nói tạm biệt con gái ở Bến Tre, bà luôn để lại tập hồ sơ bệnh án của Tường Vy dày gần một gang tay để đề phòng trong trường hợp bất trắc xảy ra. 

Năm 2015, từ Việt Nam về Pháp khoảng hai tháng, Tường Vy nhận được tin bố mất. Năm nay, việc đầu tiên Tường Vy làm khi về đến nhà là, cùng hai bà mẹ, ra thăm mộ bố. "Em hợp bố vì bố cũng ít nói giống em", cô bé gầy gò với mái tóc cắt ngắn cũn cỡn nói.

Tường Vy giờ đây là một cô gái vui vẻ, hoạt bát, hay cười và đặc biệt hát rất hay. Vy từng nghiêm túc hỏi mẹ tại sao bỏ rơi em. Đáp lại, chị Trang cười to gạt đi. "Chuyện như vậy cũng cười được sao?", Vy vừa tâm sự vừa nghêu ngao hát vài câu trong bài "Human" (Con người) của ca sĩ Anh Rag'n'Bone Man. 

"Rốt cuộc tôi cũng chỉ là một con người bình thường. Tôi mắc sai lầm nhưng tôi làm những gì tôi có thể. Xin đừng đổ lỗi cho tôi".

 

 

Nguồn: Hạnh Phạm/ Vnexpress

Bài liên quan