"Những năm gần đây tôi đều đón Tết ở Việt Nam. Không khí thực sự khó tả. Tết tây là dịp ăn chơi, còn Tết ta lại là dịp sum vầy. Điều đó thể hiện rõ giá trị cốt lõi trong văn hoá Việt Nam là gia đình".
Chương trình nghệ thuật "Xuân Quê hương" chào mừng kiều bào về quê đón Tết tối 18/1. Ảnh: Anh Ngọc
Không còn đón giao thừa vào 6h tối ở Đức trong nỗi nhớ cồn cào, năm nay ông Bùi Văn Hiền được về đón Tết ở Việt Nam cùng gia đình.
Giữa tiết trời mưa lạnh đặc trưng của Hà Nội những ngày giáp Tết Canh Tý 2020, ông Bùi Văn Hiền, Việt kiều Đức, nắm tay vợ là bà Vũ Hoài Thu chăm chú lắng nghe một làn điệu chèo, thi thoảng lại nhìn nhau gật gù.
Niềm vui toát lên từ ánh mắt đến nụ cười của đôi vợ chồng lớn tuổi bởi từ mấy năm rồi họ mới lại có dịp về Việt Nam ăn Tết."Bước chân về quê mẹ, lòng chúng tôi trào dâng niềm xúc động và tự hào. Không khí Tết không đâu bằng Việt Nam, vừa rộn rã và vừa ấm cúng", ông Hiền, người đã sinh sống tại thủ đô Berlin 40 năm nay, chia sẻ với VnExpress.
Ông bà Hiền - Thu (trái) nghe các nghệ sĩ hát chèo ở chương trình "Xuân Quê hương" tối 18/1. Ảnh: Anh Ngọc
Những năm trước ở Đức, từ 23 tháng Chạp, vợ chồng ông cùng bà con và Phật tử người Việt tụ họp tại chùa Phổ Đà ở Berlin cùng gói bánh chưng chuẩn bị cho Tết. Các con gái và con rể của ông bà ở xa cũng tề tựu về nhà giúp bố mẹ trang trí cành đào, làm mâm cúng Tất niên.
6h tối ngày 30 Tết ở bên kia cũng đúng vào giao thừa ở Việt Nam, họ nâng ly chúc mừng năm mới trong nỗi nhớ quê hương và gia đình. Hôm sau, mỗi người lại tất bật một ngả theo công việc riêng.
Năm nay, ông Hiền bà Thu sắp xếp công việc về Việt Nam từ đầu tháng để có thời gian mang những phần quà Tết đến thăm các bé mồ côi tại một ngôi chùa ở tỉnh Hưng Yên.
Năm nay cũng là lần đầu họ tham dự "Xuân Quê hương", chương trình thường niên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao tổ chức để cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống trên khắp 5 châu trở về nước đón Tết.
"Dù ở đâu, cộng đồng người Việt xa xứ, trong đó có cộng đồng người Việt tại Đức, luôn hướng về cội nguồn, gìn giữ bản sắc truyền thống", bà Thu nói. "Chúng tôi tự hào khi đất nước ngày càng thay da đổi thịt. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những mảnh đời khó khăn cần sự chung tay chia sẻ của cả cộng đồng, trong đó có những kiều bào như chúng tôi".
Cũng trở về Việt Nam đón Tết kết hợp làm thiện nguyện, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ 2019 Diệu Thuý xúc động khi những ngày cuối năm được đến thăm một trung tâm ung bướu và chia sẻ nỗi đau với các bệnh nhân.
"Năm nào tôi và gia đình cũng về Việt Nam đón Tết bởi ở bên Mỹ, không khí Tết không thể nào trọn vẹn như ở quê hương", cô nói. "Tôi còn rất hạnh phúc khi được san sẻ phần nào với những mảnh đời kém may mắn, mong họ có những nụ cười ấm áp dịp Tết đến xuân về".
Đã nhiều năm tham dự "Xuân Quê hương", Hoa hậu Diệu Thuý cho rằng không có nước nào quan tâm và ưu đãi cho kiều bào như ở Việt Nam.
Sang Mỹ từ 30 năm trước và có cả đại gia đình định cư tại đây, Diệu Thuý vẫn thường xuyên về Việt Nam để hoạt động kinh doanh, tham gia đóng phim, làm đại sứ cho một số chương trình và tổ chức thiện nguyện.
"Dù sinh sống, học tập ở nước ngoài, tôi mong sau này các con sẽ trở về Việt Nam, đóng góp tài năng, sức lực cho quê hương, đồng thời quảng bá hình ảnh đầy tươi đẹp của Việt Nam ra quốc tế", Diệu Thuý nói.Phát biểu khai mạc chương trình "Xuân Quê hương" tối qua tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội với hơn 1.500 kiều bào từ gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho hay xu hướng trở về Việt Nam lập nghiệp, làm việc của kiều bào, nhất là kiều bào trẻ, ngày càng tăng.
Hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp của Việt kiều hoạt động đầu tư trên cả nước với tổng số vốn góp và vốn đăng ký là 4 tỷ USD.
Lượng kiều hối về Việt Nam năm 2019 ước đạt 16,7 tỷ USD."Những thành tựu lớn của đất nước trong năm qua có những đóng góp quý báu, thiết thực của cộng đồng hơn 4,5 triệu kiều bào trên khắp 5 châu, cả về trí tuệ, vật chất và tinh thần", ông nói. "Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một phần không tách rời, là máu thịt và là nguồn lực to lớn đối với đất nước".
Nhắc lại 60 năm trước, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân ra cảng Hải Phòng đón chuyến tàu đầu tiên chở hơn 1.000 kiều bào về nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn là cầu nối thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước.
Phó Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng khi kiều bào có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, tôn giáo, giữ gìn bản sắc văn hóa, dân tộc, để lại những ấn tượng cho nhân dân và chính quyền sở tại, xây dựng một hình ảnh Việt Nam đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.
Bà kêu gọi những người con mang dòng máu Việt ở nước ngoài cùng đồng tâm, hợp lực với toàn thể người dân Việt Nam trong nước để 2020 tiếp tục là một năm thành công.Là một trong những đại diện tiêu biểu cho thế hệ người Việt trẻ ở nước ngoài về nước lập nghiệp, Daniel Hoài Tiến cho rằng trở về Việt Nam thực sự là một cơ hội không chỉ để đóng góp cho quê hương mà còn cho chính bản thân mình. Anh hiện là chủ một dự án sản xuất rượu, thảo mộc, ngũ cốc tại vùng núi Tây Bắc.
"Tôi mong chính phủ có những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho các doanh nhân trẻ nước ngoài trở về lập nghiệp, kinh doanh, xây dựng thương hiệu cho Việt Nam", Daniel nói. "Việt Nam đã đứng đầu về xuất khẩu nhiều loại nông sản rồi thì nay phải nhìn tới mục tiêu khác là xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam đạt chuẩn quốc tế".Sinh ra tại Mỹ, Việt Nam vừa lạ vừa quen với Daniel.
Ngày bé, Tết trong Daniel chỉ đơn giản là bánh tét và lì xì. Học tập và làm việc xa gia đình gần 20 năm, anh hầu như chưa có năm nào được hưởng không khí trọn vẹn của một ngày Tết. Năm nay, Daniel sẽ lên Tây Bắc đón Tết với bà con người Mông.
Lấy chồng ở Malaysia và đã cải sang đạo Hồi, chị Nguyễn Thị Ngọc Mai năm nào cũng về quê đón Tết. Chị tự hào rằng dù là người ngoại quốc lại theo một tôn giáo khác, chồng chị luôn đồng hành cùng vợ trong những hoạt động truyền thống.
Từ ngày mới yêu nhau, anh đều đặn bay về Việt Nam mỗi dịp Tết, xắn tay rửa lá gói bánh chưng, đi sắm Tết, cúng Tất niên. Nhờ thế mà dần dần được gia đình chị Mai cảm mến và đồng ý cho hai người nên duyên."Dù ở đâu thì mình cũng là người Việt Nam.
Tết đến vẫn thèm bánh chưng, vẫn lì xì trẻ con, đi chúc Tết", chị Mai nói. "Có chăng là gia đình mình ăn cả Tết Malaysia và Tết Việt Nam. Vợ chồng mình tôn trọng văn hoá của nhau và con trai mình may mắn được thừa hưởng cả hai nền văn hoá".
Anh Ngọc
Nguồn: vnexpress.net