Người gốc Việt trong nhóm tiêm chủng nhiều nhất Mississippi

Trước thánh lễ một buổi chiều thứ ba của tháng 8, khoảng 50 người gốc Việt quỳ gối cầu nguyện tại một nhà thờ ở Biloxi, tất cả đều đã tiêm vaccine Covid-19.

Linh mục John Thang Pham tại nhà thờ ở thành phố Biloxi, bang Mississipi, cho hay ông đã tận mắt nhìn thấy nhiều người tiêm tại nhà thờ. Ông từng nói đùa với giáo dân rằng ông tình nguyện trở thành “nạn nhân” đầu tiên của vaccine khi tiêm mũi đầu tiên hồi mùa đông.

“Sau ba ngày, tôi vẫn ở đây, vẫn chưa chết, vì vậy hãy đi tiêm đi”, ông nói với các giáo dân vào thời điểm đó. “Tôi là minh chứng cho vaccine”.

1 Nguoi Goc Viet Trong Nhom Tiem Chung Nhieu Nhat Mississippi

Y tá Cynthia Le bên trong bệnh viện Singing River ở Biloxi hôm 12/8. Ảnh: AP

Trong số những người hay đi lễ ngày chủ nhật, ông ước tính khoảng 70% đã tiêm hết. Tại hạt Harrison, nơi tỷ lệ tiêm chủng toàn hạt là 31%, thấp hơn mức trung bình của bang Mississippi, mức 70% nói trên là con số nổi bật. Tỷ lệ tiêm chủng ở cộng đồng người gốc Á cũng đạt tỷ lệ cao, với 49% người gốc Á tại Harrison đã tiêm chủng đầy đủ, theo phân tích của báo Sun Herald và dữ liệu sở y tế Mississippi.

Khắp miền nam Mississippi, người gốc Á và quốc đảo Thái Bình Dương có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong các nhóm chủng tộc và sắc tộc, cao hơn mức trung bình của bang. Sở Y tế không công bố dữ liệu về nguồn gốc quốc gia những người đã tiêm vaccine, vì vậy không rõ chính xác bao nhiêu người gốc Á tại khu vực này đã tiêm. Nhưng Daniel Le, người đứng đầu chi nhánh Biloxi của BPS, tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ người Mỹ gốc Việt, ước tính khoảng 80% người gốc Việt tại khu vực nam Mississippi đã tiêm chủng.

Cộng đồng Việt là nhóm đông nhất trong số các nhóm dân cư gốc Á tại khu vực này với khoảng 10.000 người. Nhân viên y tế cho hay tỷ lệ tiêm chủng cao là nhờ sự tin tưởng của cộng đồng vào khoa học và y tế.

“Khi có người gọi tới nói ‘hãy đi tiêm vaccine đi, nó sẽ cứu mạng anh đấy’, thì họ sẽ là người đầu tiên đi tiêm”, Le nói.

Khi triển khai đợt tiêm vaccine đầu tiên hồi tháng một, Xuan Tran, người làm công tác tiếp cận cộng đồng tại tổ chức phi lợi nhuận Mercy, đã vô cùng lo lắng. Trang web và đường dây nóng để đặt lịch hẹn tiêm cho người cao tuổi đều không có tiếng Việt. Nguồn cung hạn chế tới mức khi sau khi cô đã chỉ dẫn cách họ cách sử dụng trang web thì chẳng còn mũi nào khi họ điền xong tờ khai.

“Khi đó tôi rất sợ. Tôi cảm giác như chúng tôi sẽ bị bỏ rơi”, Tran nói.

Trước đó trong năm 2020 và 2021, các tổ chức như BPS đã tổ chức hội thảo giải thích cơ chế hoạt động của vaccine và tính an toàn của nó. Khi gặp khó khăn trong đặt hẹn tiêm, người dân tìm đến BPS và Mercy nhờ giúp đỡ. “Họ cố gắng tự đặt nhưng rất khó để tự thực hiện trên hệ thống”, Le nói.

Các tổ chức đã giúp liên hệ với sở y tế, nơi Selma Aflord làm giám đốc ngôn ngữ. Sở đã thiết lập ban Covid-19 chuyên trách tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha, làm việc với các tổ chức cộng đồng để quảng bá và phân phối vaccine, kết quả là phân bổ được 600 liều cho ngày tiêm chủng ở sân vận động Coast Coliseum hồi đầu tháng ba.

Trước ngày tiêm, Tran và Le đã giúp cộng đồng người Việt đặt hẹn. Nhu cầu cao buộc Tran phải thông báo cho một số người rằng không thể đặt hẹn nữa. 6 nhân viên xã hội và y tá biết tiếng Việt cũng có mặt tại Coast Coliseum hôm đó để giúp đỡ.

Chigozie Udemgba, giám đốc Văn phòng Công bằng Y tế của Mississippi, cho hay bài học từ cách tiếp cận vaccine của cộng đồng người Việt có thể áp dụng trên toàn bang. “Chúng tôi tham gia vào cộng đồng, hỏi họ cách thức làm việc”, ông nói. “Họ là người hiểu rõ nhất”.

Le đã cùng Tran và bác sĩ Thomas Dobbs, quan chức y tế bang, tham gia một hội nghị trực tuyến tiếng Việt hồi tháng hai để cung cấp thông tin vaccine. Mùa đông năm ngoái, vào thời kỳ Mississipi chạm đỉnh dịch, cô đã hỏi xin cha Thang 5 phút để trò chuyện với giáo dân.

“Chúng tôi đã nói với họ rằng, nhiễm nCoV cũng không sao. Chúng ta có thứ để đối phó, đó là kháng thể đơn dòng. Trước đó họ không hề biết”, Le nói.

Angelica Trieu, y tá ở Biloxi, cho hay cô cảm thấy vaccine không phải vấn đề chính trị trong cộng đồng người Việt ở đây.

“Họ tin vào y học”, cô nói, nhắc tới những người Việt lớn tuổi ở Mississippi. “Họ tin vào khoa học. Nhiều người nghĩ rằng vaccine Covid-19 là một loại âm mưu hoặc có mục đích chính trị nào đó nhưng chúng tôi thì không, chúng tôi cố gắng không chính trị hóa vaccine Covid-19. Đó là lý do tỷ lệ tiêm chủng của chúng tôi cao như vậy”.

Nguồn: Vnexpress

Bài liên quan