Người phụ nữ gốc Việt với nhiệt huyết truyền cảm hứng nơi nguồn cội

Sau lần về Việt Nam tìm bố mẹ ruột, hành trình về quê hương lần này của cô sinh viên Thụy Điển Denise Sandquist (tên khai sinh Trần Thanh Hương) là mong muốn truyền cảm hứng cho phụ nữ Việt.

1 Nguoi Phu Nu Goc Viet Voi Nhiet Huyet Truyen Cam Hung Noi Nguon Coi

CEO Denise Sandquist của Fika Holdings. NVCC

Cách đây 5 năm, cô sinh viên Thụy Điển Denise Sandquist (tên khai sinh Trần Thanh Hương) về Việt Nam thực tập, đồng thời nỗ lực tìm kiếm bố mẹ ruột, sau khi được một cặp vợ chồng Thụy Điển nhận nuôi lúc cô chỉ mới được một tháng tuổi. Thanh Niên là tờ báo đầu tiên đăng tải câu chuyện cảm động này và sau vài tuần, cô đã vô cùng hạnh phúc khi được đoàn tụ với người thân.

Giờ đây, sau khi tốt nghiệp và trở thành nữ doanh nhân đầy triển vọng, cô đang háo hức đi trên một hành trình mới hướng về cội nguồn với nhiệt huyết truyền cảm hứng cho phụ nữ Việt.

25 năm xa quê hương

Lớn lên ở Thụy Điển, Sandquist luôn muốn tìm hiểu về xuất thân, quê hương xa cách và nhất là mong gặp được bố mẹ ruột.

Cô có khá nhiều thông tin như sinh ngày 17.1.1991 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, được nhận nuôi thông qua tổ chức Adoptions Centrum, cũng như tên và năm sinh ước chừng của mẹ ruột.

2 Nguoi Phu Nu Goc Viet Voi Nhiet Huyet Truyen Cam Hung Noi Nguon Coi

Sandquist đã đoàn tụ với mẹ ruột vào năm 2016. ẢNH: NVCC

Quay lại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để tìm thông tin vào năm 2013, cô được bảo là thông tin lưu trữ năm 1991 đã bị hủy và họ không biết giúp bằng cách nào.

Cô vẫn thường xuyên về Việt Nam với hy vọng tìm được mẹ và từng dạy tiếng Anh tại Hải Phòng từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2015, cũng là thời gian cô học thêm tiếng Việt. Cô cũng gửi thư đến một số đài truyền hình ở Việt Nam và Thụy Điển nhờ tìm giúp.

Đến năm 2016, trong lần thực tập tại Việt Nam và nhờ thông tin trên mạng xã hội và truyền thông, cô đã đoàn tụ mẹ ruột sau 25 năm.

Hành trình mới

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Stockholm, một trong những trường danh giá ở Châu Âu, Sandquist quyết định về Việt Nam năm 2018 và làm việc cho một công ty mỹ phẩm Thụy Điển.

Thế nhưng cuộc đoàn tụ đầy xúc động với mẹ ruột đã thôi thúc trong cô một sứ mệnh là giúp mọi người xây dựng những mối quan hệ đầy ý nghĩa. Từ đó, ý tưởng về một ứng dụng hẹn hò cho người dùng châu Á cũng bắt đầu nảy sinh.

3 Nguoi Phu Nu Goc Viet Voi Nhiet Huyet Truyen Cam Hung Noi Nguon Coi

Ứng dụng hẹn hò Fika tập trung vào phái nữ, nhất là phụ nữ Việt Nam. ẢNH: FIKA

Dù thị trường có gần 100 ứng dụng hẹn hò, cô Sandquist tin rằng vẫn có thứ gì đó đang thiếu sót - một ứng dụng tập trung vào phái nữ, với những tính năng được thiết kế riêng cho văn hóa Việt Nam. Từ đó Fika ra đời, một ứng dụng hẹn hò mà cô cùng thành lập với Oscar Xing Luo, giám đốc công nghệ của công ty.

“Mình đang có một tin rất vui muốn chia sẻ với mọi người, đó là ngày 26.8 sắp tới, ngày bình đẳng phụ nữ, sẽ là ngày chính thức ra mắt của Fika”, CEO của Fika Holdings háo hức chia sẻ với Thanh Niên về ứng dụng sắp ra mắt chính thức và tiết lộ rằng công ty đã thu hút nguồn vốn “hơn 7 con số” (triệu USD) từ các nhà đầu tư quốc tế, sau khi kết thúc vòng gọi vốn đầu tiên.

4 Nguoi Phu Nu Goc Viet Voi Nhiet Huyet Truyen Cam Hung Noi Nguon Coi

Các thành viên Fika tại một sự kiện giới thiệu ứng dụng. ẢNH: FIKA

Theo cô Sandquist, văn hóa hẹn hò ở châu Âu được hình thành từ lâu, còn ở Việt Nam thì vẫn là một điều khá mới mẻ và tồn tại một sự kỳ thị nhất định đối với các ứng dụng hẹn hò. Do đó, cô muốn có ứng dụng thân thiện, hỗ trợ và giúp phụ nữ cảm thấy an toàn, cũng như góp phần xóa bỏ bất cứ định kiến giới tính nào cản trở sự tự do kết nối của họ.

“Tôi muốn đóng góp cho Việt Nam bằng cách này hay cách khác. Tôi nghĩ sẽ thật tuyệt vời nếu có thể tạo ra một cộng đồng như Fika, một cộng đồng giúp người phụ nữ có được quyền lực, sự phát triển và giá trị thật của mình”, CEO Sandquist chia sẻ.

Nguồn: Khánh An/ Thanhnien.vn

Bài liên quan