Nhờ người thân đứng tên giùm, Việt kiều dễ mất nhà

Mặc dù luật đã quy định người Việt định cư ở nước ngoài được mua nhà ở VN nhưng do ngại mất thời gian, thủ tục… nên nhiều người chuyển tiền nhờ người thân, người quen ở VN đứng tên.

Một số trường hợp bị người đứng tên hộ chiếm luôn nhà.

Bà N.N.K. (Việt kiều Mỹ) chuyển 3 tỉ đồng cho người cháu mua và đứng tên căn nhà ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Năm 2008, bà K. về nước thăm người thân.

Một thời gian sau, do mâu thuẫn nên người cháu đuổi bà K. ra khỏi nhà và cho rằng nhà là của mình. Bà K. kiện người cháu ra tòa.

132 1 Nho Nguoi Than Dung Ten Gium Viet Kieu De Mat NhaMinh hoa

Rắc rối kiện tụng

Tại tòa, bà K. chứng minh được số tiền gửi về tương đương số tiền mua căn nhà. Nhưng khi xét xử, giá trị ngôi nhà tăng, phát sinh số tiền chênh lệch nên tòa lúc đầu chỉ yêu cầu người cháu trả lại đúng số tiền mà bà K. gửi về, còn số chênh lệch là công sức của người cháu.

Bà K. không đồng ý vì nhà do bà bỏ tiền ra mua, giá trị tăng hay giảm là do bà tự chịu. Cuối cùng, tòa để hai bên tự thỏa thuận phần giá trị tăng thông qua hòa giải chia đôi phần này, còn phần tiền gốc tòa buộc người cháu phải trả cho bà K..

Vụ kiện kéo dài gần hai năm, gây không ít phiền toái cho bà K.

Còn vợ chồng anh N.B.T. (định cư ở Đức) mua một căn nhà tại Q.Tân Bình từ năm 2000. Anh chị nhờ cha mẹ anh T. đứng tên, cho gia đình anh trai trông coi. Năm 2010 do mâu thuẫn, vợ chồng anh T. có ý định yêu cầu phân chia tài sản nhưng anh trai của anh T. không đồng ý bàn giao căn nhà.

Sau đó, anh T. nhờ luật sư tư vấn rồi giải quyết bằng cách hỗ trợ anh trai anh T. một khoản tiền để mua đất ở ngoại thành, tránh tình trạng “huynh đệ tương tàn” khi đưa nhau ra tòa.

Khó chứng minh khi có tranh chấp

Theo luật sư Vũ Mạnh Quỳnh, trước khi Luật nhà ở năm 2014 ra đời, pháp luật VN không cho phép người VN định cư ở nước ngoài đứng tên sở hữu nhà. Vì vậy nhiều trường hợp chuyển tiền nhờ người thân mua rồi đứng tên hộ, dẫn đến khó khăn khi xảy ra tranh chấp.

Luật sư Quỳnh cho biết khi xảy ra tranh chấp, bà K. phải chứng minh có chứng từ chuyển tiền hoặc chứng từ thanh toán cho bên mua, hoặc có người làm chứng về việc giao dịch, thỏa thuận đứng tên hộ (nếu có)…

“Trên thực tế việc thu thập và chứng minh các chứng từ này rất khó khăn, do khi mua Việt kiều chủ yếu dựa trên lòng tin và sự cả nể người thân trong gia đình” – luật sư Quỳnh nói.

Ngay cả trường hợp Việt kiều chứng minh có giao dịch chuyển tiền thì việc công nhận quyền sở hữu nhà cũng khó khăn vì chưa có quy trình cụ thể.

Tại thời điểm trước khi Luật nhà ở 2014 có hiệu lực, các hợp đồng mua bán không phù hợp với quy định pháp luật, dẫn đến khả năng hợp đồng vô hiệu.

Theo luật sư Lê Trung Phát, đối với trường hợp chuyển tiền cho người khác đứng tên mua nhà thì người đứng tên có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng cũng như định đoạt căn nhà. Nếu phát sinh tranh chấp, các bên phải khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền.

Thực tế thời gian xử lý các vụ kiện thường kéo dài do có yếu tố nước ngoài, phải ủy thác tư pháp trong việc tống đạt văn bản của tòa, tốn thời gian và chi phí. Quyền lợi của người mua nhà có thể không trọn vẹn khi giá nhà tăng, có khi phải chia cho người đứng tên vì công sức quản lý nhà.

Luật đã cho phép

Theo các chuyên gia pháp lý, Luật nhà ở năm 2014 đã cho phép người nước ngoài và Việt kiều được mua nhà.

Theo điều 76 nghị định 99/2015, Việt kiều được quyền mua căn hộ và nhà ở riêng lẻ với số lượng theo quy định. Việt kiều có toàn quyền như người VN khi sở hữu nhà ở, không quá 50 năm hoặc lâu dài tùy trường hợp.

Theo luật sư Phát, việc thanh toán tiền mua nhà có thể thực hiện qua tín dụng hoặc tiền mặt tùy theo thỏa thuận.

Còn việc thanh toán tiền mua bán nhà qua các tổ chức tín dụng của tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài thì việc chuyển tiền ra nước ngoài sẽ được Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể. Giao dịch mua bán nhà phải được lập hợp đồng tiếng Việt và được công chứng.

Theo luật sư Quỳnh, kiều bào nên xem xét các điều kiện theo quy định pháp luật để mua nhà chính danh. Tuy nhiên, một số trường hợp khó chứng minh nguồn gốc quốc tịch, không có giấy khai sinh, không có chứng từ hộ tịch…

Luật sư Quỳnh đề xuất có thể sử dụng thông tin trên căn cước, hộ chiếu của nước sở tại cấp cho người Việt ở nước ngoài có ghi rõ nơi sinh là VN. Đồng thời cần quy định rõ về thủ tục chuyển tiền, vay tiền mua nhà của Việt kiều để họ có cơ chế mua nhà hợp pháp.

Mặc dù luật đã cho phép Việt kiều mua nhà ở VN nhưng nhiều người không nắm được thông tin này. Luật sư Phát lưu ý Việt kiều không nên nhờ người khác đứng tên mua nhà vì dễ xảy ra tranh chấp.

Người đứng tên có thể bán nhà, muốn đòi lại phải khởi kiện, nhưng nếu người đứng tên không còn tài sản thì cũng khó lấy lại tiền. Nếu vẫn muốn nhờ đứng tên, Việt kiều nên chuyển tiền qua thẻ tín dụng, ghi rõ nội dung chuyển tiền, hoặc lập văn bản về mục đích giao nhận tiền.

Đã có án lệ

TAND tối cao đã ban hành một số án lệ, trong đó có án lệ 02/2016 quy định hướng giải quyết với trường hợp Việt kiều đòi lại tài sản. Cụ thể khi giải quyết tranh chấp, tòa án phải xem xét công sức bảo quản làm tăng giá trị quyền sử dụng đất cho người đứng tên hộ.

Án lệ giúp tòa án các cấp có hướng xét xử thống nhất, củng cố niềm tin về việc bảo vệ quyền lợi cho kiều bào, bảo vệ người thân ở VN có công sức trong việc làm tăng giá trị tài sản họ đứng tên hộ.

Theo: THANHNIEN.VN

 

Bài liên quan