Những cái Tết Việt ở trời Tây

Không có điều kiện trở về quê hương đoàn tụ người thân dịp tết, những người Việt xa quê đã quây quần lại, tạo ra một cái Tết rất Việt Nam tại trời Tây.

Bùi Lê Tuấn, kỹ sư của FPT tại Nhật cho biết mặc dù có nhiều khác biệt, nhưng những anh em FPT Japan luôn cố gắng để mang chút không khí Tết cổ truyền của dân tộc đến những người con xa quên hương, lưu giữ những hình ảnh Việt Nam trong tim mỗi người.

“Điều này đặc biệt quan trọng cho các cháu nhỏ”, anh Tuấn nói. Bởi lẽ, sau một thời gian sinh sống và làm việc, “thế hệ F2” của FPT đã được hình thành.

Đối với Tết Mậu Tuất 2018, anh Tuấn cho biết các cán bộ, nhân viên của công ty tổ chức tất niên tại ký túc xá Tsurumi – một trong những ký túc xá lớn nhất.

Các thành viên được tham gia thi gói bánh chưng, bánh tét, thi làm mâm cỗ 3 miền Bắc – Trung Nam. “Ban tổ chức đã chuẩn bị mọi thứ. Lá dong, lạt được gửi từ Việt Nam sang. Thịt, gạo, đỗ tuy mua ở bên này nhưng được ngâm, tẩm, pha ướp theo hương vị thuần Việt. Mọi người rất hào hứng”, anh Tuấn mô tả.

Những cái Tết Việt ở trời Tây - 0

Ảnh: Hoàng Sơn Lâm

Hơn 50 nhân viên FPT Japan cùng gia đình của họ đã được hoà trong không khí Tết, dù xa nhà, và cùng tạo nên những chiếc bánh chưng đủ hình dáng. Những chiếc bánh chưng, khác với ở nhà, được luộc lên vất vả hơn do phải sử dụng bếp điện hoặc bếp ga. Nồi bé nên cũng chỉ được 3-5 chiếc bánh, thời gian luộc tầm 6-8 tiếng một mẻ. “Vất vả chúc nhưng vui”, một nhân viên khác của FPT Japan lên tiếng.

Là “phó nháy”, anh Hoàng Sơn Lâm tỏ ra đặc biệt hứng thú với phân thi nấu cỗ 3 miền. Anh em công ty được chia theo các vùng miền tại Việt Nam. Mỗi đội có 20.000 yên, tương đương khoảng 4 triệu VNĐ để chuẩn bị mâm cỗ cho 20 người ăn và phải mang đậm phong vị vùng đất mình sinh trưởng.

Những cái Tết Việt ở trời Tây - 1

Dù hương, nguyên liệu khó lòng đủ đầy như ở nhà, nhưng cái khó ló cái khôn, các đội chơi đã thể hiện sự linh hoạt, khéo léo và nhanh nhạy để tạo những mâm cỗ đầy đặn đẹp mắt. Điều này đã được ghi lại qua những góc ảnh của anh Sơn.

Phần liên hoan với gần 80 người sau đó cũng là dịp để mọi người gắn kết với nhau hơn, giúp nhau vơi đi nỗi nhớ nhà.

Nở nụ cười duyên dáng trong chiếc áo dài cách tân màu đỏ, Phương Anh, nhân viên bộ phận sản xuất của công ty FPT tại Nhật cho biết đây là năm thứ 3 cô đón tết xa nhà. Năm nay, công ty cô tổ chức thi nấu bánh chưng và cỗ Tết mang phong vị các miền. Là người miền Bắc nên Phương Anh tỏ ra hào hứng với các món ăn miền Nam. “Chúng thật đặc sắc, đây là lần đầu tiên tôi được nếm thử”, cô nói. Không khí ấm cúng, rộn ràng ở đây khiến cô bày tỏ là như đang ở nhà cùng gia đình.

Những cái Tết Việt ở trời Tây - 2

Cũng là người FPT nhưng hoàn cảnh của anh Nguyễn Hữu Hùng Cường lại tương đối khác. Sinh ra và lớn lên ở Slovakia, Tết Việt đối với anh là những trải nghiệm văn hoá về một vùng đất tuy nguồn cội nhưng cũng đầy xa lạ.

“Bố mẹ tôi vẫn giữ truyền thống, văn hoá Việt Nam đặc biệt trong những ngày lễ lớn của dân tộc. Tôi cảm thấy mình may mắn khi được lớn lên trong 2 nền văn hoá”, anh Cường nói.

Anh Cường cũng chia sẻ rằng những ngày Tết cổ truyền là những ngày thoải mái nhất với anh trong năm, cho dù rất bận bịu. Bởi lẽ, đây là dịp để hơn 40 người họ hàng xa gần rải rác ở trên Slovakia và Séc được đoàn tụ.

“Gia đình tôi rất thích thú và tích cực tham gia các hoạt động quảng bá văn hoá, ẩm thực Việt ở Slovakia. Nhờ vậy, các thế hệ F2, F3 không cảm thấy xa lạ với nguồn cội, đồng thời, giúp các bạn nước ngoài hiểu thêm về Việt Nam”, anh nói.

Mâm cỗ Tết của gia đình anh Cường không thiếu một thứ gì so với Việt Nam, từ gói bánh chưng, hộp bánh mứt, gà luộc, xôi, giò chả đến cành đào, ấm trà mời khách. “Điều kiện giờ tốt hơn cho phép cộng đồng người Việt xa quê có đầy đủ mọi thứ”, anh nói.

Đầu quân cho FPT Software Slovakia từ tháng 10/2014, anh Cường cho biết thời đó chỉ có duy nhất anh là người Việt tại thị trường này, do đó, việc đón Tết của anh không có nhiều thay đổi. Có chăng chỉ là anh chủ động tổ chức những buổi trao đổi với các bạn người nước ngoài giúp các bạn hiểu thêm về Việt Nam.

Từ tháng 8/2017, anh Cường nhận cơ hội sang FPT Đức đảm nhận vị trí Whale Hunting, một mảng được anh nhận xét là “thú vị và tuyệt vời”. Bởi vậy, anh tâm niệm, công việc này không chỉ là đi bán các dịch vụ của FPT mà còn là cách quảng bá về con người, đất nước Việt Nam mà Tết cổ truyền là điều không thể không nhắc đến.

Theo Trí thức trẻ

Bài liên quan