Ta đi làm ở Tây

“Bệnh ì, lười học hỏi và quan liêu trong nghề nghiệp đã hạn chế tôi quá nhiều trong hành trình tìm việc phù hợp ở xứ người. Ở đây, cơ may hoàn toàn không mỉm cười với kẻ bất tài, lười biếng”.

132 1 Ta Di Lam O Tay

Tác giả trong thời gian du học tại Úc - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tôi, một phụ nữ vừa bước vào tuổi ba mươi lăm, khăn gói lên đường du học sau cuộc chia tay đầy nước mắt với chồng và hai đứa con. Chuyến bay dài tám tiếng của Hãng Hàng không Việt Nam đưa tôi đến với Melbourne, thành phố lớn thứ hai sau Sydney của đất nước Úc rộng lớn và xinh đẹp.

Melbourne vào thu thật lãng mạn và trữ tình. Những tòa nhà với kiến trúc Victoria ngập tràn hoa hồng, lãng đãng phủ đầy dây thường xuân. Muôn ngàn lá đỏ, lá vàng xào xạc dệt lên sắc xanh mượt mà của những thảm cỏ trải dài theo các đại lộ.

Xe của trường đưa tôi và ba cô bạn khác đi qua trung tâm thành phố. Tôi như choáng ngợp trước vẻ đẹp hiện đại của các tòa cao ốc của Melbourne. Xen lẫn trong sự kiêu hãnh của một thành phố phát triển, đâu đó chấm phá nét trầm mặc của những tháp nhà thờ cổ kính. Melbourne đã được tạp chí “The Economist” bình chọn là “Thành phố dễ sống nhất thế giới” dựa vào các tiêu chí văn hóa, thời tiết, giá cả sinh hoạt và điều kiện xã hội.

Tôi bận rộn việc học tiếng Anh của mình tại campus Clayton, trường Đại học Monash, một trong tám trường đại học hàng đầu của nước Úc. Clayton cách trung tâm thành phố khoảng 45 phút đi tàu điện. Tôi được nghỉ hai tháng sau khi kết thúc khóa học bồi dưỡng tiếng Anh. Melbourne lúc này bắt đầu vào đông. Cảm thấy chán vì mình đã khám phá gần hết thành phố xinh đẹp này, tôi lao vào cuộc hành trình mới để thử sức mình ở đất lạ xứ người.

Và thế là… tôi đi làm ở “Tây”.

Nông trại

“Tây” chỉ là cách ví von của người Việt Nam nếu một ai đó đi ra nước ngoài. Sau nhiều ngày tìm việc trên mạng, tôi đã được một farm (nông trại) nho ở vùng Tongala, cách Melbourne 300 km nhận làm.

Người chủ farm nho là một người Úc gốc Việt. Chị có giọng nói nhỏ nhẹ, dễ thương đặc trưng của người Nam Bộ. Công việc chính của tôi ở farm chủ yếu là cắt cành nho. Một luống nho khoảng 5 cây. Một ngày trung bình nếu cắt được hai luống nho, tôi sẽ được trả 100 đô-la Úc.

Chị chủ nông trại bảo tôi việc nhẹ nhàng và đơn giản, chỉ cần siêng năng là có thể kiếm được 1.400 đô trong hai tuần. Phát cuồng vì nghĩ mình sắp kiếm được món hời, tôi rủ thêm ba cô bạn ở cùng đi làm farm. Cả bọn thích thú chuẩn bị hành lý lên đường.

Đúng 10 giờ vào một ngày Chủ nhật đẹp trời, chúng tôi lên Southern Cross, ga trung chuyển giữa các tuyến tàu qua CBD của Melbourne để bắt chuyến tàu Vlines về Tongala. Sau hơn bốn tiếng đồng hồ lắc lư trên tàu, chúng tôi được vợ chồng chị chủ ra tận ga đón về farm. Đường về farm đi ngang qua các cánh rừng vắng vẻ, không thấy bóng dáng người, chỉ thấy những chú căng-gu-ru ngơ ngác nhảy ngang qua đường.

Khác với mường tượng của chúng tôi về một nơi ở thôn dã hiền hòa xinh đẹp như chúng tôi đã từng xem trong bộ phim “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”, nơi mà chúng tôi sẽ ở trong suốt hai tuần trông tạm bợ, tuềnh toàng và nhếch nhác như các lều đào vàng ở vùng Ballarat.

Phải có chừng hơn 40 người đến từ các nước khác nhau của Châu Á để làm farm như chúng tôi. Bốn chúng tôi cùng ở trong một căn phòng nhỏ hẹp mà mỗi ngày mỗi đứa phải trả 10 đồng. Không có nước máy sinh hoạt ngoại trừ nước mưa và các ao hồ nhỏ hẹp, vàng quánh. Bốn chúng tôi ngao ngán nhìn nhau, tự hỏi không biết mình đang làm gì ở cái chốn khỉ ho cò gáy này.

Một đêm ngủ say như chết sau chuyến đi dài. Người quản lý farm gọi chúng tôi dậy từ lúc 5 giờ sáng. Mắt còn cay xè vì ngái ngủ, chúng tôi cố gắng chuẩn bị thức ăn của ngày hôm trước để chuẩn bị ra farm. Lụ xụ trong chiếc áo phao dày xịch, tôi vội vàng xỏ chân vào đôi bốt và bước ra ngoài. Tiết trời lạnh giá khiến tôi ù hết cả tai, mắt cay xé. Người quản lý bảo 40 người chúng tôi sẽ chia làm hai nhóm. Mỗi nhóm lên hai xe để đi ra farm nho.

Đường lên farm nho vắng rợn người, chỉ có những tiếng kêu buồn thảm thiết của những chú quạ. Đó đây xuất hiện những dấu chân không biết của loài thú nào trông kỳ dị và bí hiểm. Tôi liếc mắt nhìn ba cô bạn của mình.

Kể từ khi đến nơi ở cho đến bây giờ, chúng tôi vốn là những đứa lắm lời, nhiều chuyện không biết tự tắt tiếng khi nào. Chẳng ai thèm nói với ai một lời. Tôi đọc được trong ánh mắt của ba cô bạn sự hoang mang và lo lắng. Cố gắng mở miệng để tếu táo đùa một câu cho không khí bớt phần ảm đạm nhưng hơi lạnh thọc sâu vào cổ họng khiến lưỡi tôi cứng đơ.

Từ nơi ở lên farm nho mất một tiếng đồng hồ. Đến nơi, mỗi chúng tôi được giao một chiếc kéo để cắt cành nho. Tôi bắt đầu công việc đầu tiên của mình từ khi đặt chân lên nước Úc với hai luống nho dài.

Đưa kéo cắt một dây nho đầu tiên, tôi lấy hết sức bình sinh mới cắt được. Thân nho tuy nhỏ, mảnh nhưng lại rất dai. Rồi nhát thứ hai, ba, tư rồi thứ năm, hai tay tôi tê cứng, lòng bàn tay sưng rộp lên. Cắt mãi vẫn chưa hết được một cây nho, tôi thảng thốt nhìn sang cô bạn “đồng nghiệp” người Nepal ở bên cạnh. Có vẻ như cô cũng mới vào làm giống tôi. Nhìn cô bặm môi bặm miệng cố cắt đứt thân nho trong cái giá lạnh tê người, tôi chợt nhếch miệng cười. Một nụ cười khan, khô và cay đắng.

Tôi là một sinh viên cao học, được học bổng do chính phủ Úc và Việt Nam hợp tác tài trợ. Lương một tháng của tôi dư sức để ăn, ở và chi tiêu ở Melbourne. Tại sao lại gồng mình đến nơi này? Tôi vừa rủa thầm sự ngu ngốc, dại dột của mình, vừa miệt mài làm theo quán tính cho đến khi họng khô rốc, bụng đói cồn cào.

Chúng tôi í ới gọi nhau ăn trưa. Không có lò vi sóng để hâm thức ăn, chúng tôi trệu trạo nhai lát bánh mì kẹp thịt xông khói cứng đơ, vất vưởng mùi ôi thiu của ngày hôm trước. Không khí nặng nề bao trùm. Vẫn không ai mở miêng nói được câu nào. Chúng tôi uể oải kết thúc bữa ăn với chai nước mưa mà tôi nhanh tay lấy được từ chỗ trú chân tối hôm qua.

Bìa rừng là nơi chúng tôi thường đến để giải quyết vệ sinh cá nhân trong suốt hai tuần làm farm. Nếu như ở Melbourne, nhà vệ sinh công cộng nhan nhản khắp nơi và không hề thấy bóng dáng ai tè bậy ngoài đường, thì ở trên farm, chúng tôi trở lại với thói quen như khi mình đang ở Việt nam. Mấy cô bạn người Nepal khinh khỉnh bảo chúng tôi cứ tè bậy như họ ngay ở luống nho mình làm. Đi ra bìa rừng vừa mất thời gian, vừa nguy hiểm vì lỡ có thú dữ tấn công.

Một ngày làm việc nặng nề, chậm chạp trôi qua. Tôi chỉ cắt được một luống nho. Không hoàn thành chỉ tiêu, tôi chỉ nhận được 50 đồng. Các cô bạn của tôi cũng thế.

Buổi tối, sau khi tắm rửa trong cái giá lạnh -10C với thùng nước vàng quạch, chúng tôi lại ngủ với nhau trong căn phòng chật chội. Hơi lạnh từ nền nhà tản vào lưng khiến tôi lạnh thấu xương, không tài nào chợp mắt được. Tôi ứa nước mắt. Nhiều trạng thái cảm xúc pha trộn. Tôi nhớ nhà, nhớ hai con. Nhớ hai đôi mắt long lanh như sao, nhớ giọng nói nũng nịu yêu yêu đến lạ. Nếu như bây giờ đang ở Việt Nam, hẳn tôi đang nằm trên một đống chăn nệm thơm tho trong căn phòng ấm cúng cùng với chồng và hai con.

Hai ba ngày một lần, chúng tôi được vợ chồng chủ farm chở ra chợ mua thức ăn. Nói là chợ nhưng nó chẳng khác chợ quê ở Việt Nam là bao lăm. Thức ăn đắt khủng khiếp vì tốn công vận chuyển. Muốn ăn ngon và đầy đủ chất, chúng tôi phải tiêu mất 10 đồng một ngày mỗi đứa. Dù xót tiền nhưng cũng chẵng có cách nào hơn. Một tuần lại trôi qua với ngày làm việc dài đăng đẵng, với những bữa ăn lạnh ngắt, với bàn tay phồng rộp và thân xác mỏi nhừ. Một cuộc sống không internet, không ti vi và không di động.

Tôi tình cờ gặp một người phụ nữ trạc tuổi mẹ chồng tôi 70 tuổi, bà Hoa ở farm nho. Quê bà Hoa ở Vĩnh Long. Bà qua đây đã vài chục năm và cũng làm farm đươc chừng đó thời gian. Không biết ngoại ngữ, không có bằng cấp, chứng chỉ, bà sống lạc lõng giữa cộng đồng người nói tiếng Anh ở Melbourne. Thất nghiệp, bà nhận được tiền trợ cấp xã hội hàng tháng của nước Úc để sinh sống qua ngày.

Bà dạy cho tôi một số mẹo vặt để cắt dây nho nhanh hơn và làm thế nào để không bị đau tay. Trông người bà nhỏ bé, gày yếu như thế nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy bà đã được tôi luyện như thế nào trong môi trường quá ư khắc nghiệt này. Bà có thể cắt từ 3 đến 4 luống nho trong một ngày trong khi tôi cố gắng lắm mới cắt được một luống rưỡi.

Nhà hàng

Thời tiết ở Melbourne chẳng dễ chịu chút nào. Nắng đấy, mưa đấy. Lạnh đấy, nóng đấy. Đồng bóng như một bà góa đang vào thời tiền mãn kinh.

Tuần thứ hai của chúng tôi bắt đầu với cái nắng hanh gắt. Phơi mặt cả ngày giữa cái nắng và gió, mặt chúng tôi sạm hẵn đi. Của đáng tội, tiền làm ra không đủ để mua mỹ phẩm bù lại cho làn da xuống cấp. Một lần nhớ đời! Kết thúc vụ làm farm, sau khi trừ chi phí đi lại, ăn uống và ở hàng ngày, chúng tôi nhận được gần 600 Úc kim. Khi chuyến tàu Vlines đưa chúng tôi trở lại ga Southern Cross, cả bọn nhìn nhau mắt rưng rưng. Dường như đang trở lại cuộc sống thân quen mà mình đã đánh mất từ lâu lắm. Khoan khoái mỉm cười. Lại nhìn thấy người rồi!

Cái nết đánh chết không chừa. Tôi vẫn không bỏ cái thói ham công tiếc việc của mình. Lại sục sao các trang mạng tìm việc. Tuy nhiên lần này may mắn hơn, tôi nhận được lời đề nghị thử việc của một nhà hàng Thai Takeaway bận rộn ở Elsternwick. Công việc chính của tôi sẽ là bồi bàn. Tôi nói chuyện qua điện thoại với ông chủ nhà hàng là tôi không có kinh nghiệm về phục vụ bàn nhưng ông khuyến khích tôi là cứ thử xem một lần cho biết.

Y hẹn, tôi đến đấy vào buổi tối thứ Sáu. Do đến sớm hơn giờ mở cửa của nhà hàng, nên tôi được ông bà chủ đón tiếp tận tình, niềm nở. John, ông chủ nhà hàng là người Úc đáng mến và dễ tính như bao người Úc khác. Ông giải thích cặn kẽ công việc của tôi. Chủ yếu là nghe đặt hàng qua điện thoại, ghi lại số liên lạc, địa chỉ nhà, món ăn, hình thức thanh toán của khách hàng.

Thế nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy nó hoàn toàn không đơn giản chút nào. Làm sao tôi có thể nhớ một lần cả hàng trăm món ăn của Thái với các tên gọi khác nhau ngay trong ngày đầu tiên. Lại còn phải hỏi khách hàng thích cay nhiều, cay ít và không cay, có nước dừa hay không có nước dừa... Tôi thử vai của ông chủ nhà hàng John nghe điện thoại khách hàng. Do căng thẵng, tôi không thể nghe đúng địa chỉ nhà và tên đường của khách hàng. Có lẽ do tôi chưa biết gì về vùng này nên không quen đường. Thậm chí tôi còn ghi sai số thẻ Master Card của khách hàng.

Rồi các món ăn, cả một mớ hỗn độn mà tôi không tài nào nhớ nổi. Bà chủ nhà hàng người Thái có dáng người đậm, mặt bự phấn. Bà tỏ ra rất khó chịu khi tôi nghe sai thông tin. Lần đầu tiên tôi cảm thấy mất tự tin và nghi ngờ khả năng tiếng Anh của mình. Qua Úc cả năm trời nhưng tại sao vẫn không nghe được dù chỉ là một cuộc điện thoại. Lại nguyền rủa mình, đôi khi tôi suy nghĩ đơn giản là mình có thể làm được mọi việc nhưng thực tế ở nước Úc, người ta làm việc rất chuyên nghiệp và bài bản. Một người tay ngang khó có thể nhận được việc nếu không có kinh nghiệm và được đào tạo đúng ngành, đúng nghề.

Hết giờ làm việc, John gói cho tôi phần ăn tối. Ông trả công 4 giờ làm việc vớ vẩn của tôi 60 đồng và hẹn chủ sáng Chủ nhật sẽ gọi lại. Tôi không biết hẹn gọi lại có phải là cách từ chối khéo léo của người Úc hay không nhưng mỗi khi tôi nghe ai đó ở Úc nói sẽ gọi lại có nghĩa là mình sẽ không được nhận việc.

Cổ cồn trắng

Chán với các công việc thời vụ, tay chân, tôi cố đăng ký vào một công việc phù hợp với kinh nghiệm ở Việt Nam và phù hợp với ngành mình đang học ở Melbourne.

Tình cờ tôi nhận được mẫu quảng cảo của Career One trong hộp mail của mình. Một công ty truyền thông tư nhân, Loungcraft ở Dandenong cần tuyển biên tập viên truyền hình. Tôi vội vã mông má đơn xin làm việc và CV của mình cùng với người tham khảo là hai ông giáo sư tiến sĩ đang trực tiếp dạy tôi ở trường Đại học Monash. Một tuần sau tôi nhận được thư mời phỏng vấn. Vì công ty Loungecraft chỉ cần tuyển người làm bán thời gian nên họ không quan tâm việc tôi là người bản xứ hay định cư lâu dài hay không. Vội vàng quơ mấy cuốn sách ở thư viện, tôi mang về nhà nghiến ngấu đọc lấy đọc để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn và làm bài kiểm tra.

Tôi bước vào bài kiểm tra kiến thức bằng việc dựng một trailer trên Macbook với phần mềm Final Cut Pro. Cùng thi với tôi có khoảng 10 ứng viên đến từ các nước khác nhau. Phân nửa là các bạn người bản xứ. Hy vọng tràn trề là mình sẽ nhận được việc này vì mình quá kinh nghiệm và được đào tạo bài bản, tôi cố gắng thể hiện hết tất cả những gì có thể. Trong số các trailer, tôi và một bạn ở địa phương được đánh giá cao về ý tưởng, kỹ thuật dựng và xử lý hiệu ứng hình ảnh. Tôi cố gắng thuyết trình về bài tập của mình một cách súc tích và hiệu quả. May mắn tôi được công ty đánh giá cao và lọt tiếp vào vòng hai.

Bước vào phần thi thứ hai với In Design, một phần mềm chuyên dụng dành cho tạp chí. Tôi vẫn đang còn học phần mềm này trong khóa học của mình. Loay hoay như gà mắc tóc vì không rành về lĩnh vực này, bài kiểm tra của tôi bộc lộ hết những điểm yếu của một người không chuyên. Vẫn là anh bạn người bản xứ và hai ứng viên khác đến từ Ấn Độ hoàn thành bài tập của họ một cách xuất sắc. Người quản lý của Loungecraft nói với tôi vì đây là công việc cần người gấp và trả lương nên họ không thể chờ đợi và đào tạo.

Trên chuyến tàu về ga Flinder street, tôi suy nghĩ rất nhiều. Có lẽ nếu người Úc hoặc các nước khác đến, họ chỉ cần nỗ lực 100%. Riêng tôi phải nỗ lực đến 200% hoặc hơn thế thì may ra mới kiếm được công việc “cổ cồn trắng” ở Melbourne.

Lúc còn ở Việt Nam, tôi sống trong ảo tưởng rằng mình là người có kiến thức và giỏi giang. Nhưng thực tế từ khi qua Úc cho đến bây giờ, tôi vỡ ra nhiều điều. Nhược điểm lớn nhất của tôi và phần lớn du học sinh Việt nam tại Úc đó là khả năng giao tiếp tiếng Anh. Chúng ta kém nhiều so với các bạn đến từ nước khác ở Châu Á, thậm chí còn thua các nước Đông Nam Á. Người Việt hay chê Trung Quốc nói tiếng Anh kém nhưng các sinh viên Trung Quốc mà tôi biết nói tiếng Anh tốt không thua gì người bản ngữ. Họ rất siêng năng và có tư duy nhạy bén.

Tôi cố vớt vát bằng cách xin thực tập ở đó một thời gian để lấy kinh nghiệm và học hỏi. Chỉ sau một thời gian, tôi phải bỏ dở công việc thực tập vì chỉ tính việc đi lại từ nơi tôi ở đến Dandenong và ngược lại ngốn mất của tôi 5 giờ đồng hồ vàng ngọc. Đành lỡ hẹn chờ dịp khác tốt hơn.

Gạ tình, lừa tiền trên Gumtree

Mặc dù cô bạn nhỏ của tôi nhiều lần cảnh báo về việc gạ tình lừa tiền trên Gumtree nhưng tôi vẫn kiên trì tìm việc ở trang web này. Thực ra tôi cũng muốn kiếm thêm chút tiền nhưng điều quan trọng nhất vẫn là hòa mình vào cuộc sống của Melbourne để khám phá nó.

Kích vào mục tìm người giúp việc (cleaner), tôi đọc được mẫu quảng cáo cần tìm người cho một người đàn ông độc thân bận bịu ở khu South Melbourne. Việc làm 3 giờ một ngày, tuần làm một lần. Tiền công 12 đồng một giờ kiêm thêm chi phí đi lại. Nghe cũng ổn, tôi viết mail cho người đàn ông này. Ông ta, Errold hồi âm và hẹn gặp tại nhà để chuẩn bị cho công việc. Đó là một căn phòng bừa bộn và cực kỳ luộm thuộm. Nếu như dọn dẹp sạch sẽ và gọn gàng chắc phải mất 5 tiếng đồng hồ. Cuộc gặp chóng vánh trôi qua, tôi nhanh chóng được ông ta ưu ái cho nhận việc.

Ngày đầu tiên, ngày thứ hai rồi ngày thứ ba trôi qua, Errold ở nhà nói chuyện với tôi. Errold bảo do công việc ngập đầu ngập óc cho nên đến ngần này tuổi ông vẫn chưa kết hôn. Ông ấy bảo đã vài lần qua Việt Nam, thích các món ăn Việt và rất ngưỡng mộ phụ nữ Việt. Rồi, Errold chùng giọng bảo tôi có việc muốn nói. Tim tôi đập loạn xạ, tôi sợ có việc không hay sẽ xảy ra với mình trong căn hộ này.

“Tôi không muốn làm em hoảng sợ nhưng thú thật là tôi rất thích em. Tôi muốn em là người phụ nữ của tôi ở Úc. Tôi biết em có gia đình và vì thế em hãy giữ bí mật về điều này. Tôi sẽ cung cấp tiền cho em hàng ngày để ăn ở và đi lại”, Errold nói.

“Không bao giờ”. tôi mím môi. “Tôi không cần ai nuôi. Tôi có tiền. Tôi chỉ đi làm cho vui. Tôi không muốn phản bội chồng tôi.” Tôi định nói với Errold là nếu ông ấy đi quá xa tôi sẽ báo với cảnh sát vì tội quấy rối tình dục. Công việc cleaner của tôi nhanh chóng kết thúc chỉ vỏn vẹn trong ba ngày. Nhưng tôi vẫn tiếp tục tìm việc trên Gumtree. Tôi không hiểu vì sao Gumtree lại có sức hấp dẫn với tôi đến thế.

Một mẫu quảng cáo khá kêu đập vào mắt tôi.

Một gia đình có con nhỏ đang tìm người giúp việc một ngày một tuần với giá 38 đồng một giờ. Làm phép tính nhanh, một ngày tôi có thể kiếm được 304 đồng, cao hơn lương nhân viên công sở, nếu được gia đình kia đồng ý. Thư xin việc nhanh chóng được gởi đi và cũng chóng nhận được hồi âm. Trong thư gia đình ấy bảo là họ rất lưu ý đến thư xin việc của tôi và đề nghị tôi gửi CV.

Tôi mừng rỡ khoe với cô bạn nhỏ cùng phòng cơ may của mình khi gia đình kia báo là họ sẽ nhận tôi làm người giúp việc. Họ bảo tôi rằng em họ của gia đình sẽ gọi cho tôi đến dọn dẹp trước ở căn hộ của họ trên đường Lonsdale một tuần nữa.

Họ sẽ về nước vào giữa tháng Tư để sinh con. Vì phải trả tiền hàng tuần cho tôi qua tài khoản ngân hàng nên họ yêu cầu tôi gởi cho họ thông tin chi tiết về tài khoản ngân hàng. Họ cũng tha thiết muốn có bức hình của tôi để họ có thể biết mặt ai sắp làm việc cho họ.

Khó tả nổi niềm vui sướng của tôi khi đọc thư. Nếu được việc, tôi sẽ kiếm 1.200 Úc kim một tháng. Việc nhẹ, lương cao.

Thỏa sức ăn chơi nhảy múa. Chia sẻ với cô bạn cùng phòng liệu có nên cung cấp chi tiết tài khoản của mình cho gia đình kia không, cô bạn đề nghị nói họ trả luôn tiền mặt. Tự nhiên tôi thấy chột dạ.

Tôi nhớ loáng thoáng đâu đó trên Gumtree khuyên các ứng viên là không nên cung cấp thông tin tài khoản của mình cho bất cứ ai ở trên mạng. Tôi vội vàng kiểm tra lại, tá hỏa phát hiện ra Gumtree khuyến cáo không được cung cấp thông tin tài khoản cho bất cứ ai nếu chưa gặp mặt và nhận được việc làm.

Phúc đáp gia đình đó, tôi viết rằng không thể đưa họ thông tin tài khoản. Họ đang vi phạm luật chơi và tôi sẽ báo cáo lại điều này với Ban quản trị của Gumtree. May mắn cho tôi, tiền vẫn còn nguyên trong tài khoản.

Đôi lúc tôi cảm thấy mình chật vật để thích ứng với nhịp sống nhanh và hối hả ở Melbourne, cảm thấy khó nuốt với nền văn hóa đa sắc tộc này.

Thế nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn với tất cả các cung bậc thăng trầm vốn có của nó. Tôi vẫn đi học, đi làm, dù làm những việc tay chân.

Vui vì mình có việc và hái ra tiền. Chạnh lòng vì mình vẫn chưa bước chân vào được thế giới “cổ cồn trắng” của Mebourne. Một viên chức nhà nước Việt Nam với công việc tốt, có vị trí xã hội, nhưng, không len chân nổi vào xã hội “Tây” vì rào cản ngôn ngữ, IT thấp và chuyên môn kém cỏi của mình.

Trở về nhà sau một ngày làm việc cho hãng di dộng LycaMobile, từ stop 124 B của tram 96, tôi lang thang dọc theo sông Yarra để ngắm cảnh hoàng hôn đang buông phủ xuống thành phố. Một đám đông hiếu kỳ đang vây quanh bên bờ sông.

Thì ra là kíp quay phim của hãng truyền thông nổi tiếng ABC của Úc chuẩn bị phỏng vấn trực tiếp một nhân vật nào đó của Quốc hội cho bản tin chiều của họ. Mắt tôi mờ đi, máu hừng hực chảy trong huyết quản. Đây chính là công việc tôi đang học, đam mê và thử vận may. Nhìn ê-kíp quay phim chạy lăng xăng để lấy bối cảnh phỏng vấn, tôi lại nhớ công việc của mình ở Việt Nam.

Trong suốt học kỳ 1, tôi cũng từng vác máy quay phim, đi làm phóng sự truyền hình khắp nơi ở Melbourne.

Một người bản xứ trong lần phỏng vấn đã nói tôi rằng ông ấy tin tôi có khả năng làm việc ở đây. Vì tất cả những gì tôi đang làm thể hiện lòng nhiệt tình và say mê. Nhưng nhiệt tình và say mê thì vẫn chưa đủ.

Những gì nước Úc cần còn là tính chuyên nghiệp, kỷ luật cao và tận tụy trong công việc. Tôi chợt thấy tiếc thời gian mình đã phí phạm trong suốt hơn chục năm kể từ khi tốt nghiệp ở Việt Nam.

Bệnh ì, lười học hỏi và quan liêu trong nghề nghiệp đã hạn chế tôi quá nhiều trong hành trình tìm việc phù hợp ở xứ người. Ở Úc, cơ may hoàn toàn không mỉm cười với kẻ bất tài, lười biếng.

Tôi đứng vô hồn trên mố cầu treo bắc ngang dòng sông Yarra, con sông xinh đẹp không kém gì sông Seine hay Danube chảy qua thành phố Melbourne.

Xa xa kia là sòng bài hoàng gia Crown, tòa nhà chọc trời Ereka Skydeck, nơi làm việc của tập đoàn truyền thông ABC, trụ sở tạp chí nổi tiếng “The Herald Sun”. Giọt nước mắt nóng hổi chợt lăn thầm trên má. Một cơn gió nhẹ thổi qua. Gió đưa giọt nước mắt kia hòa xuống dòng sông Yarra hay thổi nó đi ở một phương trời vô định nào?

Nguồn: Vietnamnet.vn

Bài liên quan