Người Việt ở các nước vui mừng khi đường bay thương mại được khôi phục, nhưng vẫn gặp một số bối rối với thủ tục khai báo y tế, nhập cảnh.
Cô Khánh Linh, Việt kiều hơn 60 tuổi sống tại bang Bắc Carolina của Mỹ, ngày 9/1 lên chuyến bay thương mại từ San Francisco, bang California, trở về Việt Nam để giải quyết công việc và đón Tết cùng gia đình. Đây là một trong những chuyến bay thẳng thương mại đầu tiên khởi hành từ thành phố này và hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM.
Trước khi lên máy bay ở San Francisco, cô Linh được yêu cầu khai báo y tế bằng ứng dụng PC-Covid, trong đó có thông tin nơi tự cách ly khi về đến Việt Nam. Ứng dụng này không phổ biến với cộng đồng người Việt ở Mỹ, nên cô và nhiều người đi cùng ban đầu khá lúng túng.
“Ứng dụng yêu cầu nhập số điện thoại Việt Nam để đăng ký, nhưng nhiều người lại không có. Tôi đã dùng số của con tôi đi cùng, còn một số người phải liên lạc xin số điện thoại của người thân ở Việt Nam để khai báo”, cô kể lại với VnExpress.
Hành khách chờ lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay Tân Sơn Nhất vào tháng 5/2021. Ảnh: Hữu Khoa.
Thiện Anh, Việt kiều 27 tuổi đã học tập và làm việc ở Australia hơn 9 năm, cho biết gặp một số khó khăn khi tìm chuyến bay thương mại phù hợp để về Việt Nam đón Tết.
Thiện Anh và chồng, một du học sinh người Việt tại Sydney, rất vui mừng khi Việt Nam mở lại đường bay thương mại quốc tế, bởi họ có thể về nước tổ chức tiệc báo hỷ sau đám cưới năm ngoái ở Australia. Hai vợ chồng ban đầu tìm được một chuyến bay thẳng về Việt Nam vào ngày 15/1 nhưng thuộc loại hình charter, với chi phí khoảng 60 triệu đồng/người/chiều.
Cảm thấy mức giá này khá cao, Thiện Anh tìm thêm được một chuyến bay thương mại từ Sydney quá cảnh ở Singapore và hạ cánh tại Campuchia. Phương án này buộc hai vợ chồng tự di chuyển bằng đường bộ qua cửa khẩu Việt Nam – Campuchia để về nhà nên cũng không phù hợp.
Khi Singapore và Việt Nam khôi phục đường bay quốc tế từ ngày 12/1, hai vợ chồng đặt vé hạng thương gia hai chiều trên chuyến bay của Singapore Airlines quá cảnh tại Singapore, với tổng chi phí khoảng 10.000 AUD (hơn 160 triệu đồng). Máy bay cất cánh ngày 3/2, kịp để hai vợ chồng về Việt Nam đón Tết cùng gia đình.
Thiện Anh gặp khó khăn khi đại lý bán vé máy bay không hướng dẫn cụ thể vợ chồng cô khi trở về Việt Nam sẽ cần những giấy tờ nào và nếu cần giải đáp thắc mắc thì liên hệ ở đâu.
Tìm hiểu trên cổng thông tin Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, cô đọc được thông báo của Bộ Y tế về quy định cách ly đối với người nhập cảnh Việt Nam từ 1/1/2022, trong đó yêu cầu cách ly 3 ngày, theo dõi sức khỏe 14 ngày với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine.
Cô cũng cảm thấy lúng túng bởi văn bản này nêu ra các yêu cầu phòng chống dịch đối với người nhập cảnh, song chưa đề cập chi tiết những giấy tờ mà các kiều bào như cô cần chuẩn bị khi xuống sân bay.
Thiện Anh đã dò hỏi những người bạn vừa về nước trước mình, trong đó một người nói rằng cần có “xác nhận của địa phương nơi sẽ lưu trú”. Cô cảm thấy hoang mang nên đã nhờ người thân liên hệ với chính quyền địa phương về trường hợp của mình và đang chờ phản hồi.
Việt Nam đến nay đã khôi phục hoạt động chở khách thường lệ tới 8 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc) và Australia. Hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải có xét nghiệm âm tính PCR, trong đó người tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh sẽ cách ly tại nhà 3 ngày, còn người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phải cách ly tại nơi lưu trú 7 ngày.
Chị Dung, một người Việt lấy chồng Ấn Độ, vừa đi chuyến bay của hãng Emirates từ Mumbai về Hà Nội hôm 13/1. Chị cho biết chuyến bay lần này lâu hơn thường lệ, do phải quá cảnh ba tiếng tại Dubai, cũng như tiến hành thủ tục xét nghiệm, khai báo y tế ở sân bay Mumbai.
Khi về đến Nội Bài, gia đình chị chỉ trải qua hai khâu gồm xét nghiệm nhanh Covid-19 và khai báo y tế theo mẫu có sẵn với hải quan để được nhập cảnh. Chị Dung cho rằng đây là điều phải chấp nhận khi sử dụng dịch vụ hàng không trong điều kiện “bình thường mới”.
Máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Hoàng Anh.
Thiện Anh cũng mong muốn chuyến đi về Việt Nam sắp tới của mình cũng sẽ diễn ra suôn sẻ như vậy, không xảy ra trục trặc nào về giấy tờ, đặc biệt là khâu nhập cảnh.
“Hiện tôi chưa tìm được văn bản nào hướng dẫn từng bước các giấy tờ và quy trình về nước cụ thể ra sao, hành khách cần chuẩn bị tinh thần cho những gì”, Thiện Anh nói. “Tôi hy vọng trong thời gian tới, những khúc mắc này sẽ được làm rõ thêm và thông tin hướng dẫn về nước được phổ biến rõ ràng để kiều bào dễ tìm kiếm hơn trước khi khởi hành”.
Tên nhân vật đã được thay đổi
Nguồn: VnExpress