Bất định trên chính trường Nhật sau thất bại của đảng cầm quyền

LDP mất thế đa số tại Hạ viện có khả năng tạo ra thay đổi lớn trên chính trường Nhật, khi Thủ tướng Ishiba có thể không hội đủ ủng hộ để điều hành đất nước.

Sau cuộc bầu cử ngày 27/10, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản giành được 191 ghế Hạ viện và Komeito, đối tác liên minh của LDP, nhận 24 ghế. Kết quả này đồng nghĩa liên minh của LDP không đạt mục tiêu 233 ghế để chiếm thế đa số tại Hạ viện có 465 nghị sĩ.

Đây là kết quả được mô tả là "thảm bại" của LDP, khi họ để mất 64 ghế và mất thế đa số tại Hạ viện trong 15 năm. Thất bại của LDP làm dấy lên bất ổn trong quá trình thiết lập chính phủ mới của Nhật Bản, đe dọa ảnh hưởng triển vọng của nền kinh tế thứ tư thế giới.

LDP lãnh đạo Nhật Bản gần như liên tục từ năm 1955, ngoại trừ giai đoạn 2009-2012 để vuột quyền lực vào tay đảng đối lập Dân chủ Nhật Bản (DJP).

Sau cuộc bầu cử Hạ viện, tỷ lệ ủng hộ của người Nhật đối với liên minh cầm quyền của LDP tuột dốc. Kết quả khảo sát được Yomiuri Shimbun công bố ngày 30/10 cho thấy chỉ 34% người được hỏi ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Shigeru Ishiba, chủ tịch LDP, trong khi tỷ lệ phản đối là 51%. Khi ông Ishiba nhậm chức hôm 1/10, tỷ lệ ủng hộ chính phủ trong cùng khảo sát là 51%, mức phản đối là 32%.

Khảo sát khác của Kyodo công bố hôm 29/10 cho thấy 53% người được hỏi cho biết họ không muốn liên minh LDP - Komeito tiếp tục nắm quyền.

1 Bat Dinh Tren Chinh Truong Nhat Sau That Bai Cua Dang Cam Quyen

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba, chủ tịch LDP, trả lời truyền thông tại trụ sở đảng ở Tokyo ngày 27/10. Ảnh: AP

Theo hiến pháp Nhật Bản, LDP, Komeito cùng các đảng đối lập khác có thời hạn 30 ngày để lập chính phủ mới dựa trên kết quả bầu cử Hạ viện. Để tiếp tục cầm quyền, LDP có thể thuyết phục thêm đảng khác để lập liên minh đa số tại quốc hội, hoặc điều hành đất nước thông qua chính phủ thiểu số.

Giáo sư Satoru Mori, chuyên gia chính trị quốc tế tại Đại học Keio, Tokyo, nhận định LDP vẫn sẽ có mặt trong liên minh cầm quyền, bởi đảng này giữ nhiều ghế nhất tại Hạ viện, nhưng tương lai của Thủ tướng Ishiba sẽ vô cùng khó đoán.

"LDP và Komeito vẫn có thể chọn lãnh đạo, nhưng ông Ishiba có thể không được đa số nghị sĩ Hạ viện ủng hộ. Điều này đồng nghĩa họ phải điều hành chính phủ thiểu số. Mỗi lần muốn thông qua một dự luật, họ sẽ phải thương lượng từng vấn đề với phe đối lập", ông Mori nói.

Theo kết quả sơ bộ, đảng đối lập Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ) thắng 148 ghế, tăng đáng kể so với mức 98 hiện tại. Ông Yoshihiko Noda, lãnh đạo CDPJ, từng là thủ tướng Nhật giai đoạn 2011-2012, ngày 27/10 tuyên bố đảng này đã đạt mục tiêu là phá thế đa số của LDP, gọi đây là thành tựu lớn.

Ông Ishiba ngày 28/10 tuyên bố vẫn giữ liên minh với Komeito và chưa tìm kiếm đối tác ở phe đối lập. Ông cũng sẵn sàng gặp các đảng đã giành thêm ghế để thảo luận về chính sách của họ.

Để giành thêm sự ủng hộ và củng cố liên minh cầm quyền, ông Ishiba có thể hợp lực với đảng Dân chủ Nhân dân (DPP) hoặc đảng bảo thủ Đổi mới Nhật Bản (JIP). Lãnh đạo DPP Yuichiro Tamaki nói ông sẵn sàng trở thành "một phần liên minh", trong khi thủ lĩnh JIP Nobuyuki Baba bác bỏ mọi ý định hợp tác.

Đảng đối lập CDPJ cũng có thể lập liên minh với DPP và JIP để thành lập chính phủ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng kịch bản này khó xảy ra vì cả ba đảng không có điểm chung trong những vấn đề gây tranh cãi như năng lượng hạt nhân.

Ông Noda cũng đã ám chỉ ý định cạnh tranh với ông Ishiba khi quốc hội Nhật Bản khóa mới bầu Thủ tướng, dự kiến vào ngày 11/11. Đây được coi là quá trình rất khó lường, bởi các ứng viên cần đàm phán để "xem ai có thể nhượng bộ nhiều hơn nhưng không từ bỏ quá nhiều", Rintaro Nishimura, nhà phân tích chính trị tại The Asia Group, nói.

Tobias Harris, lãnh đạo tổ chức tư vấn rủi ro chính trị Japan Foresight, trụ sở Mỹ, cho rằng một kịch bản có thể xảy ra là ông Ishiba trở thành Thủ tướng tạm quyền vì các đảng không đạt đồng thuận về ứng viên thay thế ông.

"Dù có từ chức chủ tịch LDP hay không, ông Ishiba cũng khó lãnh đạo chính phủ trên cương vị thủ tướng. LDP đã để mất nhiều ghế, khiến ông khó trốn tránh trách nhiệm", Harris nhận định.

2 Bat Dinh Tren Chinh Truong Nhat Sau That Bai Cua Dang Cam Quyen

Lãnh đạo đảng đối lập CDPJ Yoshihiko Noda phát biểu tại Tokyo ngày 27/10. Ảnh: AP

Ông Ishiba, 67 tuổi, chiến thắng trong cuộc bầu cử chủ tịch đảng LDP hồi tháng 9 và được Hạ viện khóa trước bổ nhiệm làm Thủ tướng ngày 1/10. Ông sau đó tuyên bố giải tán quốc hội, tổ chức bầu cử sớm, dường như nhằm thăm dò dư luận về LDP, vốn đang đối mặt nhiều bê bối khiến hình ảnh của đảng cầm quyền bị ảnh hưởng.

Nhưng kết quả bầu cử cho thấy LDP đã không thể xóa bỏ hoài nghi và bất bình của cử tri. Đây cũng là tính toán sai lầm của ông Ishiba khi giải tán quốc hội chỉ 8 ngày sau khi nhậm chức.

Cử tri Nhật Bản kỳ vọng LDP có những cải cách mang tính quan trọng, nhưng mọi biện pháp đều nửa vời. "Ông Ishiba không thể hiện cho sự đổi mới thực sự, và đó là lý do dẫn đến kết quả này", Mori nói.

Theo giới chuyên gia, ông Ishiba cần tập trung vào cải cách chính trị và thúc đẩy kinh tế để giải quyết nỗi bất mãn của cử tri và tiếp tục làm Thủ tướng. Nhưng việc tập trung cho kinh tế trong nước sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực tăng cường quốc phòng cũng như quan hệ với Mỹ.

Mỹ đang có khoảng 50.000 binh sĩ đồn trú ở Nhật Bản và nếu đắc cử nhiệm kỳ hai, ông Donald Trump chắc chắn sẽ thúc giục Nhật Bản gánh chịu nhiều chi phí hơn, theo Yu Uchiyama, giáo sư khoa học chính trị Đại học Tokyo. "Khi dồn sự chú ý vào vấn đề nội địa, hình ảnh Nhật Bản trên trường quốc tế có thể suy yếu".

Ông Ishida dường như còn xem nhẹ sự phẫn nộ của công chúng trước tình trạng tham nhũng, khiến họ có cảm giác ông không khác biệt với người tiền nhiệm. Tân Thủ tướng được cho là không ủng hộ một số nghị sĩ LDP vướng bê bối, nhưng vẫn cho phép họ tranh cử độc lập.

Ông Harris lưu ý tỷ lệ cử tri bầu cử năm nay chỉ khoảng 53%, lặp lại xu hướng dưới 60% trong 4 cuộc bầu cử gần nhất, cho thấy công chúng Nhật Bản có sự bất mãn sâu sắc với tầng lớp chính trị.

"Những kết quả bầu cử này cho thấy cuộc khủng hoảng chính trị dài hạn ở Nhật Bản còn lâu mới kết thúc. Tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử thấp cho thấy hầu hết người Nhật vẫn còn quá thất vọng với lựa chọn của mình, đến mức họ chọn ở nhà thay vì đi bỏ phiếu", ông cho biết.

Như Tâm (Theo AP, SMH, CNN)

Nguồn: VNEXPRESS.NET

Bài liên quan