Các chuyên gia hy vọng sau bi kịch 39 người tại Anh, xã hội sẽ nhận thức rõ sự nguy hiểm của hành trình di cư bất hợp pháp và cảm thông hơn với những ai đã gặp tai họa tương tự.
Phản ứng sau khi cơ quan chức năng xác nhận 39 nạn nhân ở Essex là người Việt, các chuyên gia lĩnh vực chống buôn người nói với Zing.vn đây là một bi kịch, và gia đình những người di cư bất hợp pháp lúc này cần được cảm thông về những khổ đau con em họ trải qua.
“Làm sao để họ không ra đi một cách vô ích”
“Tôi cảm thấy buồn, và bây giờ (các gia đình) có thể bắt đầu tiếc thương thay vì chờ đợi”, bà Mimi Vũ, chuyên gia hàng đầu về chống buôn bán người Việt Nam, nói với Zing.vn từ TP.HCM.
“Đây là một bi kịch. Nhiều người Việt đã bị lừa dối và nghĩ rằng mình đang đến nước khác có cuộc sống tốt hơn”, Michael Brosowski, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Blue Dragon, nói với Zing.vn. Blue Dragon là tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ trẻ em đường phố khỏi nạn buôn người, có trụ sở tại Hà Nội.
“Họ không đáng chịu kết cục kinh khủng như vậy”, ông Brosowski nói.
Mimi Vũ, chuyên gia về chống buôn bán người. Ảnh: LinkedIn.
“Chúng ta phải làm sao để những thanh niên Việt Nam này không ra đi một cách vô ích”, bà Vũ, người từng làm giám đốc vận động chính sách cho Pacific Links Foundation, nói.
“Giờ đây, cả nước đều biết về các đường dây đưa người, buôn người từ Việt Nam sang Anh và những lời hứa giả dối của chúng. Chúng ta phải ngăn không cho thảm kịch này xảy ra với những người khác”, Mimi Vũ nói.
Danh tính 39 nạn nhân sẽ không được công bố, vì các gia đình có nguyện vọng không công khai thông tin đau buồn lên truyền thông, theo Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Bà Mimi Vũ nói thảm kịch ở Essex “không phải lần đầu tiên người Việt chết trên đường (sang châu Âu) và cũng sẽ không phải lần cuối”. Nhưng giờ đây, sau hàng loạt câu chuyện kinh hoàng mà người di cư kể lại, bà tin rằng các gia đình có thể thừa nhận với nhau về sự thật - những gian khổ, nguy hiểm, bóc lột, lạm dụng tình dục - xảy đến với con em của họ khi vượt biên sang châu Âu, mà người Việt thường che giấu nhau.
“Họ sẽ dám nói thật hơn, nếu chính con trai, con gái, người chồng của họ đã gặp tình cảnh tương tự. Họ sẽ không phải che giấu hay chịu đựng một mình, mọi người sẽ bớt chê bai, phán xét”, chuyên gia về chống buôn bán người nhận xét.
“Tôi không ngạc nhiên, vì người Việt Nam luôn nằm trong top 10 về số người bị tạm giữ trong trung tâm giam giữ Calais ở biên giới Pháp - Anh trong 10 năm qua”, Nadia Sebtaoui, chuyên gia về người di cư ở Paris, nói với Zing.vn.
Bà Sebtaoui, người thường tới làm việc tại các trại người di cư Việt và nhà giam vùng Calais theo tổ chức France Terre d’Asile, cho biết khi đã sang tới Pháp, những người di cư Việt Nam khó có thể đổi ý “một khi nhận ra những kẻ đưa người đã lừa dối họ”.
Một người di cư Việt Nam (phải) đang nói chuyện với phóng viên báo Daily Mirror trong trại tạm của người Việt ở Béthune, phía bắc Pháp. Ảnh: Daily Mirror.
Cần chương trình trao đổi lao động chính thức
Dù vậy, những câu chuyện “ác mộng” trên tuyến đường sang Anh chưa hẳn là đủ để ngăn chặn các thảm kịch trong tương lai, theo các chuyên gia.
“Họ có thể tin hơn khi chúng tôi nói hành trình rất nguy hiểm và sẽ không kiếm được nhiều tiền như họ nghĩ”, bà Mimi Vũ nói tiếp.
“Dù nhận thức rõ hơn (sau vụ việc), họ vẫn có những lựa chọn giống như trước, vẫn cần việc làm. Chúng ta phải tạo cho họ những lựa chọn mới”.
“Tuyên truyền nhận thức là chưa đủ, mà cần giúp họ có những lựa chọn tốt hơn, an toàn hơn”, ông Brosowski, người sáng lập Blue Dragon, nhận xét.
Nhìn về khía cạnh tích cực, ngoài việc mọi người hiểu rõ sự thật về nạn đưa người và buôn bán người Việt trái phép sang Anh, bà Mimi Vũ cũng tin rằng đây là vấn nạn “có thể giải quyết được”.
“Đây không phải như Syria, nơi người di cư chạy trốn ISIS. Chúng ta biết nguyên nhân vì sao họ đi. Chúng ta cần thuyết phục rằng họ sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn ở Việt Nam thay vì nước ngoài”, bà nói thêm. “Cần giúp họ về việc làm, tập huấn kỹ năng, giáo dục”.
Bà cho rằng sẽ tốt hơn nếu Việt Nam có thêm các chương trình trao đổi lao động chính thức với những nước cần lao động, tạo các con đường di cư hợp pháp.
Bên trong Vietnam City, trại di cư của người Việt ở phía bắc Pháp tồn tại đến giữa năm 2018. Ảnh: Mimi Vũ.
“Cách tốt nhất để ngăn chặn bi kịch trong tương lai là ngăn không cho họ phải lên đường vượt biên ngay từ đầu”, bà Sebtaoui nói với Zing.vn. “Vì vấn đề sẽ phức tạp hơn rất nhiều một khi họ đã lên đường và mang những khoản nợ lớn”.
Trong những ngày qua, nhiều đối tác và nhà tài trợ đã liên hệ với bà Mimi Vũ, bàn về ý tưởng những dự án, giải pháp cho vấn nạn này.
“Chúng ta không phải bắt đầu từ con số không”, bà nói tiếp. “Chính phủ Anh đã hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ chống buôn người ở Việt Nam trong nhiều năm nay. Năm ngoái Anh và Việt Nam ký bản ghi nhớ hợp tác về thực thi pháp luật”.
Cần nỗ lực của Anh và các nước châu Âu
Chính phủ Anh và Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác phòng chống mua bán người vào tháng 11/2018 nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác, chia sẻ thông tin, hỗ trợ nạn nhân và phòng ngừa tội ác này.
Chính phủ Anh đang viện trợ 3 triệu bảng cho Việt Nam để phòng chống mua bán người, tập trung vào hỗ trợ nạn nhân, tuyên truyền nâng cao nhận thức và nâng cao năng lực tư pháp hình sự.
“Các chính phủ và lực lượng thực thi pháp luật cần phối hợp vì NGOs không thể đối phó với tội phạm có tổ chức”, bà nói.
Cảnh sát đột kích trại người Việt ở Sauchy-Cauchy, đưa nghi phạm trong đường dây buôn người ra. Ảnh: Le Figaro.
Bà Vũ, người từng nhiều lần tập huấn cho cảnh sát về chống buôn bán người, cũng cho biết các nước châu Âu, nơi người di cư lậu Việt Nam đi qua, cần nhìn nhận đây là vấn đề của họ.
“Nhiều nước châu Âu coi đây là vấn đề giữa Anh và Việt Nam. Tôi hy vọng các các nước mà người di cư đi qua như Pháp, Đức (cũng là một đích đến của người di cư), Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha có thể hiểu đây là vấn đề liên quan đến họ”, bà nói.
“Họ cần phải thắt chặt kiểm soát các tiệm nail để phát hiện những nơi đang bóc lột người Việt Nam”, bà Vũ cho biết.
“Tôi hy vọng họ sẽ hợp tác với chính phủ Anh và Việt Nam để phá vỡ các đường dây đưa người, buôn người, và hỗ trợ thêm cho các NGOs ở châu Âu... Các NGOs ở châu Âu là bên trực tiếp cứu trợ người di cư Việt Nam trên hành trình. Hiện giờ họ ít được hỗ trợ”.
Một tiệm làm móng do người Việt làm chủ ở Tottenham, London năm 2017. Ảnh: New York Times.
Phân biệt giữa khái niệm “đưa người” và “buôn người”
Giới chuyên môn phân biệt giữa “người di cư” tự nguyện, và “nạn nhân bị buôn bán”, tức những người bị đưa đi, mua bán một cách ép buộc, hay “nô lệ hiện đại”, tức những người bị cưỡng bức lao động.
Tương tự, khái niệm đường dây “đưa người” khác với “buôn người”. “Đưa người” (smugglers) nói đến hành vi tổ chức vận chuyển người di cư (có thể bất hợp pháp). “Buôn người” nhìn chung bao gồm hành vi cưỡng ép lao động, bóc lột tình dục nhờ các hình thức kiểm soát như đe dọa, các khoản nợ.
Tuy nhiên, ranh giới giữa những khái niệm này mờ nhạt. Nhiều trường hợp “người di cư” ban đầu vượt biên một cách tự nguyện, sau rơi vào tay những kẻ buôn người và bị làm nô lệ hiện đại hoặc bị cưỡng hiếp, ép hành nghề mại dâm (đối với phụ nữ).
Bà Mimi Vũ nói không thể đổ lỗi cho người đã tự nguyện di cư khi họ bị bóc lột.
“Dù là tự nguyện vượt biên vì kinh tế, thì khi bị bóc lột, họ vẫn là nạn nhân, không phụ thuộc vào ý định ra đi ban đầu”, bà Mimi Vũ nói.
Ngày 7/11, Bộ Công an Việt Nam chính thức xác nhận 39 người di cư thiệt mạng trong container tại Essex, phía đông bắc London, ngày 23/10 là người Việt Nam, có hộ khẩu tại Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế. Danh tính các nạn nhân được công bố một ngày sau đó.