Hành vi của các bị can bị khởi vụ 39 người chết trong xe container ở Anh là hết sức nguy hiểm cho xã hội, khiến dư luận cả thế giới phẫn nộ, bức xúc, gây đau thương cho nhiều gia đình. Bởi vậy, các đối tượng trong vụ án này có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là 15 năm tù.
Liên quan vụ 39 người Việt chết trong xe container ở Anh tháng 10/2019, mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh đã khởi tố 7 bị can về tội "Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép".
Dư luận đặt câu hỏi, 7 bị can trên sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, những năm qua nhu cầu xuất khẩu lao động của thanh niên trong nước tăng cao khiến nhiều đối tượng có mối quan hệ quen biết, từng đi xuất khẩu lao động đã liên hệ cấu kết với nhau để thành lập những đường dây đưa người đi nước ngoài trái phép.
Chiếc xe container nơi phát hiện vụ việc.
Hành vi này đã gây ra những phức tạp, nhức nhối trong thị trường lao động, ảnh hưởng đến mối quan hệ quốc tế, hình ảnh của Việt Nam ở nước ngoài và đẩy người lao động vào những tình thế nguy hiểm, dễ bị bắt cóc, mua bán, bị bóc lột, lạm dụng tình dục và thiệt mạng ...
Vụ việc 39 người Việt tử vong tại Anh trong xe đông lạnh khiến nhiều người rùng mình, từ đó tấm màn xuất khẩu lao động chui, những đường dây đưa người đi nước ngoài trái phép bị vạch trần, bóc gỡ... để lập lại trật tự của thị trường xuất khẩu lao động, giảm bớt các nguy cơ người lao động bị lừa đảo, lạm dụng, đưa đi nước ngoài trái phép.
Theo quy định của pháp luật, tư vấn, môi giới về xuất khẩu lao động là loại hoạt động kinh doanh có điều kiện. Để thực hiện hoạt động môi giới, tư vấn, xuất khẩu lao động thì tổ chức, cá nhân phải đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp; có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có giấy đủ điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này, có đăng ký với sở ngoại vụ, sở LĐ,TB&XH và thực hiện hoạt động tư vấn, môi giới, xuất khẩu lao động theo đúng quy định pháp luật dưới sự quản lý của Nhà nước...
Trường hợp cá nhân, tổ chức không có đăng ký kinh doanh, không đủ điều kiện thực hiện hoạt động tư vấn, xuất khẩu lao động theo quy định pháp luật mà vẫn nhận tiền, hồ sơ của người khác với những hứa hẹn đưa đi nước ngoài nhưng không thực hiện được thủ tục, cũng không trả lại tiền, đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thời gian vừa qua có rất nhiều đối tượng đã có hành vi như vậy và đã bị xử lý theo quy định pháp luật.
Bị can Nguyễn Thị Thúy Hòa tại cơ quan điều tra.
Trong những năm qua tình trạng này có vẻ vẫn diễn ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp. Lợi dụng nhu cầu xuất khẩu lao động ở các vùng nông thôn rất lớn, thêm vào đó là một số mối quan hệ quen biết, những đường dây có sẵn trước đó hoặc có kinh nghiệm, đã từng xuất khẩu lao động nên một số đối tượng đã thành lập các trung tâm môi giới việc làm, tiếp nhận hồ sơ để đưa người đi xuất khẩu lao động chui, gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.
Trường hợp tổ chức, cá nhân không có chức năng xuất khẩu lao động, không đủ điều kiện xuất khẩu lao động nhưng đã làm giả hồ sơ, tài liệu hoặc bằng các thủ đoạn khác để đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép thông qua các con đường như du lịch, thăm thân, vượt biên... thì đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có dấu hiệu của tội Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép theo quy định tại Điều 349 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Do vậy, việc cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xử lý một số đối tượng về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép theo quy định tại điều 349 Bộ luật hình sự năm 2015 là có cơ sở.
Cơ quan điều tra cần thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh nhóm đối tượng trên đã thực hiện hành vi môi giới, tổ chức cho những người lao động ở địa phương này và một số nơi khác trốn đi nước ngoài trái phép, thực hiện các hoạt động xuất cảnh trái phép để được ở lại nước ngoài trái phép.
Hành vi của các đối tượng này là có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng. Bởi các đối tượng này không thành lập doanh nghiệp, không có chức năng môi giới, xuất khẩu lao động theo quy định pháp luật, việc đưa người đi nước ngoài lao động không có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền... Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được bộ luật hình sự quy định cụ thể.
Hành vi này ảnh hưởng đến thị trường lao động, ảnh hưởng đến việc quản lý hành chính, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và có thể đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân. Bởi vậy những đối tượng thực hiện hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép sẽ bị xử lý hình sự.
Theo quy định tại điều 349 Bộ luật hình sự năm 2015, hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc hành vi tổ chức cho người khác ở lại nước ngoài trái phép có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, phạm tội hai lần trở lên hoặc đối với từ 5 người đến 10 người... thì sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
Trường hợp phạm tội đối với 11 người trở lên, thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc làm chết người thì sẽ bị mức hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Trong vụ án này, hành vi của các đối tượng là hết sức nguy hiểm cho xã hội, tổ chức đưa nhiều người, nhiều lần đi nước ngoài trái phép, gây hậu quả làm chết 39 người một cách tàn nhẫn, khiến dư luận cả thế giới phẫn nộ, bức xúc, gây đau thương cho nhiều gia đình và làm xấu hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì vậy, các đối tượng trong vụ án này có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là 15 năm tù, ngoài ra còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình các nạn nhân, bị phạt tiền hoặc các hình phạt bổ sung khác.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.
Ngoài ra, cũng cần nói thêm rằng những người lao động nghe theo nhóm những người này để thực hiện hành vi trốn đi nước ngoài trái phép thì đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật (trừ trường hợp những người ra nước ngoài do bị người khác lừa đảo, không biết hành vi của mình là xuất khẩu lao động trái phép).
Do vậy, người nào biết rõ là việc đi ra nước ngoài là trái phép, trốn ở lại nước ngoài của mình là trái phép nhưng vẫn cố tình thực hiện thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, trước đây hành vi này bị truy cứu trách nhiệm hình sự ( Theo bộ luật hình sự 1985) nhưng theo quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính.
Còn đối tượng tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc tổ chức cho người khác ở lại nước ngoài trái phép thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 349 BLHS nêu trên.
"Vụ việc 39 người chết trong xe đông lạnh ở nước Anh là một nỗi ám ảnh kinh hoàng không chỉ đối với người lao động Việt Nam mà đối với nhiều người khác và nhiều nước trên thế giới. Do đó, chính quyền nhiều địa phương đặc biệt là các tỉnh miền Trung và các vùng nông thôn cần kiên quyết hơn nữa trong việc đấu tranh đối với loại tội phạm này phải quyết tâm loại bỏ các nhóm đối tượng thực hiện hành vi môi giới, xuất khẩu lao động trái phép để đảm bảo an toàn cho người lao động, tránh những vụ án tương tự có thể xảy ra", luật sư Cường nêu ý kiến.
Chiều ngày 20/2, Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh đã khởi tố 7 bị can về tội "Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép" liên quan vụ 39 người chết trong xe container ở Anh.
Theo đó, danh tính các đối tượng gồm: Nguyễn Thị Thúy Hòa (SN 1984) trú tại xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên; Võ Văn Kỳ (SN 1962), Võ Văn Hồ (SN 1952) cùng trú tại xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu; Lê Văn Huệ (SN 1967) trú tại xã Khánh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An); Trần Đình Trường (SN 1985, trú tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), Nguyễn Quốc Thành (SN 1994, trú tại phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ), Nguyễn Thị Thúy Diễm (SN 1990, lấy chồng Trung Quốc, trú tại TP Thụy An, Chiết Giang, Trung Quốc).
Bước đầu điều tra, cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh xác định các đối tượng liên quan đã nhận hồ sơ, làm thủ tục cho 67 công dân trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Tây Ninh để đi lao động bất hợp pháp tại các nước châu Âu.
Để thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng liên lạc với nhau qua nhiều tài khoản mạng xã hội, nhiều số điện thoại không đăng ký thông tin thuê bao và che giấu lai lịch bản thân. Sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về vụ việc 39 người chết trong container tại Anh, các đối tượng liên quan đã tìm cách lẩn trốn, tiêu hủy chứng cứ dữ liệu điện tử. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm cao trong điều tra phá án, lực lượng Công an Hà Tĩnh đã tập trung điều tra, bước đầu khởi tố 7 đối tượng.
Nguồn: Hải Ninh/ Kienthuc.net.vn