Sau thời gian yêu nhau, các cặp đôi quyết định tiến tới hôn nhân để được ở gần nhau hơn. Nhưng, khi đã về sống chung dưới một mái nhà thì họ đối mặt với muôn vàn tình huống khó xử bởi cách biệt về văn hóa, phong tục tập quán.
Nước mắt ngày theo chồng
Chị Nguyễn Hồng Phước (SN 1976, TP.HCM) từng háo hức chuẩn bị cho cuộc hôn nhân của mình với chàng trai người Mỹ. Thế nhưng, vì một số lý do chị và người đàn ông ấy đã không đến được với nhau. Những ngày đầu mới chia tay, chị Phước không thiết tha ăn uống, cứ nghĩ đến quãng thời gian đã qua, nước mắt chị lại tuôn rơi.
Chị Phước kể: “Chia tay ở tuổi 30, khi mọi thứ tưởng chừng như chắc chắn, đó là cú sốc thật không dễ dàng để vượt qua. Gia đình tôi ai cũng lo lắng, sợ tôi gục ngã. Nhưng rồi, sau thời gian đau khổ, tôi đã tự mình gượng dậy. Tôi lấy lại tinh thần và tìm niềm vui bằng việc đổi một công việc hoàn toàn mới và ăn mặc thật đẹp, tụ tập bạn bè. Những hình ảnh mà tôi đi chơi đều được đăng tải lên facebook cho gia đình an tâm. Vì mẹ tôi cũng đang định cư tại Canada”.
Gia đình hạnh phúc của chị Hồng Phước và người chồng Canada. Ảnh: NVCC. |
Chính từ những hình ảnh được đăng tải trên facebook, chị Phước đã “đốn tim” người đàn ông có tên Jules Wilkinson- người chồng hiện tại của chị. Sau nhiều lần làm quen không thành, Jules Wilkinson vẫn kiên trì gửi tin nhắn, cuối cùng chị Phước đã đáp lại. Hai con người ở cách nhau gần nửa vòng Trái đất bắt đầu bằng những câu chuyện vu vơ. Và rồi, họ yêu nhau lúc nào không hay biết.
“Khi chúng tôi chính thức tìm hiểu nhau, tôi luôn chân thành và không giấu giếm anh điều gì. Anh cũng vậy, anh chia sẻ đã từng có một gia đình và một đứa con, họ đã chia tay vì không hợp nhau. Anh không giận hờn, hay trách móc vợ cũ, chính điều đó khiến tôi tin tưởng, tôn trọng anh hơn”, chị Phước chia sẻ.
Chín tháng yêu xa, tình yêu của chị Hồng Phước và anh Jules cứ ngày một lớn dần lên. Chị Phước tâm sự: “Có lần anh hỏi tôi: “Em có đồng ý sang Canada sống với anh không?”, nhận được lời tỏ tình mà lòng tôi lâng lâng dù cả hai chúng tôi đều chưa gặp nhau ngoài đời thực. Bất ngờ hơn, sau đó anh và mẹ của anh đã sang Việt Nam gặp tôi, buổi gặp mặt lần đầu cũng chính là ngày chúng tôi nên duyên chồng vợ”.
Sau ngày cưới, chị Phước theo chồng về Canada. Nhớ lại giây phút đó, chị không giấu nổi sự xúc động: “Vốn quen với lối sống nhộn nhịp của Sài Gòn, nên khi về nhà chồng, tôi cảm thấy mình bị lạc lõng vô cùng. Nói nhà chồng ở thành phố, nhưng là một thị trấn nhỏ, không quá ồn ào. Mới đầu, tôi như một người bị “sốc” văn hóa vì chẳng quen biết ai và cũng chẳng được đi chơi ở đâu. Tôi bị căng thẳng, áp lực nặng”.
Ngoài cú “sốc” về văn hóa, chị Phước còn gặp không ít khó khăn trong ngôn ngữ. Chị kể: “Tôi là người có nền tảng tiếng Anh tốt, tuy nhiên, mới đầu ở nhà chồng, tôi thực sự không hiểu mọi người đang nói gì. Nhất là những buổi tụ tập, tôi chỉ biết ngồi nghe chứ không thể bắt nhịp kịp câu chuyện. Có hôm, vì tủi thân tôi đã bật khóc”.
Cùng cảnh ngộ, chị Bùi Hoàng Yến (SN 1972) lấy chồng người New Zealand là anh Peter John Hancox đã nhiều năm nay, dù thế, chị vẫn chưa thể làm quen được với các món ăn ở quê chồng.
Trò chuyện với PV, chị Yến cho biết, chị và chồng quen nhau giữa năm 2013, khi cả hai cùng chạy bộ ở hồ Hoàn Kiếm. Khi đó, anh Peter John Hancox cứ chạy theo để làm quen.
Chị nhớ lại: “Bị làm quen bất ngờ tôi khá lúng túng. Sau khi cho số điện thoại, tôi cứ nghĩ như thế là xong, nhưng anh đã kết nối với tôi qua Zalo và chúng tôi trò chuyện với nhau từ đó. Một hôm, bất ngờ anh hỏi: “Em có thích đi New Zealand không, anh sẽ qua và đưa em sang đó du lịch 5 tháng”. Ban đầu, tôi không tin và lo lắng. Bởi, một lần đổ vỡ trong hôn nhân nên tôi sợ nếu lại đổ vỡ mình sẽ tiếp tục bị tổn thương. Dù vậy, anh vẫn một lòng thuyết phục, cuối cùng tôi đã “liều” để có được một chuyến trải nghiệm”.
Vậy là, 2 tháng sau Peter quay lại Việt Nam, ban đầu anh đưa chị đi chơi khắp Việt Nam, để hai người hiểu nhau hơn. Sau khi “đánh cắp” được trái tim người con gái Việt, Peter đã làm thủ tục để đưa chị Yến sang New Zealand.
“Mới đầu khi xa nhà, tôi đã khóc rất nhiều vì hối hận với quyết định của mình. Nghĩ tới cảnh cha già mẹ yếu tôi không thể ở cạnh, tôi càng giận mình hơn. Nhưng rồi, nhờ có anh động viên, gia đình anh mở lòng đón nhận, tôi đã nguôi ngoai được phần nào”, chị Yến chia sẻ.
Khóc vì nhớ cơm Việt
Dù sống bên chồng đã lâu, nhưng chị Yến vẫn không quen ăn món ăn New Zealand. |
Những ngày đầu ở xứ người, điều chị Yến trăn trở nhất đó chính là món ăn của người Việt và người New Zealand khác nhau hoàn toàn. Chị không thể ăn được món ăn nhà chồng, mỗi lần đưa vào miệng, chị không nuốt nổi, dù vị thức ăn thơm, ngọt.
“Thấy tôi mệt mỏi trong mỗi bữa ăn nên Peter đã học nấu những món ăn Việt Nam. Giờ đây, chồng tôi gần như “nghiện” món ăn Việt. Một năm có 365 ngày thì chỉ có vài ngày là gia đình chúng tôi ăn đồ Tây, còn ăn món Việt chủ yếu. Quả thực, những ngày đầu tôi cảm giác như mình bị “lạc” giữa một thế giới xa lạ. Nhưng sau tôi cố gắng khắc phục và cũng quen dần. Giờ thì có thể tự tin đi khắp New Zealand”, chị Yến tâm sự.
Cũng theo chị Yến, mặc dù hơn nhau 14 tuổi, nhưng điều khiến chị hạnh phúc nhất đó chính là sự quan tâm chu đáo của chồng dành cho mình: “Thấu hiểu được sự thiệt thòi của vợ, Peter đã học và nhớ hết những ngày lễ ở Việt Nam. Thi thoảng, anh tổ chức để an tủi tôi. Có năm, sắp xếp được công việc, anh bất ngờ mua vé cùng tôi về Việt Nam thăm gia đình. Chính điều đó khiến tôi tin quyết định của mình là đúng đắn”.
Còn chị Hồng Phước cũng cảm thấy may mắn vì có chồng luôn ở bên động viên, an ủi. Chị kể: “Anh biết tôi buồn, chán vì chưa quen ở một đất nước mới. Hồi đó, anh đang lái xe tải chở dầu nhưng cũng xin nghỉ một tuần để ở nhà chơi, nói chuyện với tôi”.
Thời gian sau, để không cảm thấy hụt hẫng, thời gian chồng đi làm, chị đã cầm theo tấm bản đồ, tự bắt xe buýt đi khám phá các địa điểm tại Canada: “Không biết đường sá nhưng tôi vẫn cứ đi, mỗi khi đến một địa điểm mới là lòng tôi thấy thích thú. Dần dần, tôi đã thích nghi được với cuộc sống ở đây”.
Trải lòng về cuộc sống ở trời Tây, chị Hồng Phước bộc bạch: “Nhiều lúc, tôi nhớ nhà, nhớ quê hương Việt Nam vô cùng. Đôi khi, cảm thấy lạc lõng vì văn hóa hai nước hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, bên này họ không ăn Tết Âm lịch, có đôi khi vô thức vào 30 Tết tôi cứ đòi chồng đưa ra quảng trường, nhưng khi đến đó chẳng có lấy một bóng người, mà tuyết thì phủ trắng xóa, lúc đó tôi cứ đứng khóc thầm”.
Mặc dù khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán, nhưng trong suốt cuộc trò chuyện với PV, chị Yến hay chị Hồng Phước đều bày tỏ các chị không cảm thấy hối hận. Bởi, được ở bên người đàn ông biết quan tâm, chia sẻ, yêu thương mình vô điều kiện là điều khiến họ hạnh phúc nhất.
Nguồn: Hoàng Bích