Giảng viên người Việt duy nhất ĐH London South Bank: 'Cứ đi rồi sẽ vượt qua'

Là giảng viên người Việt duy nhất ĐH London South Bank, Anh, TS Lương Ngân mới đây vừa trở thành một trong những lãnh đạo trẻ nhất tại đại học này.

132 1 Giang Vien Nguoi Viet Duy Nhat Dh London South Bank Cu Di Roi Se Vuot Qua

TS Lương Ngân cùng sinh viên lớp quản trị thương hiệu tại Đại học London South Bank - Ảnh: NVCC

Chia sẻ với Tuổi Trẻ về hành trình mà Ngân cho rằng "khi cố gắng hết sức thì không việc gì là không thể", Ngân kể: 

"Tôi sinh ra và lớn lên ở một xóm nghèo của người Tày thuộc tỉnh Cao Bằng, nơi gần như cách biệt với thế giới bên ngoài. 

Thời điểm tôi còn nhỏ, xóm tôi không có điện, đường sá... Tôi cũng không biết nói tiếng Kinh. Khi tôi học lớp 3, gia đình chuyển ra thị xã Cao Bằng (hiện là thành phố Cao Bằng), lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với hai chữ "thành thị", cái gì cũng xa lạ, bỡ ngỡ. 

Ngày đầu tiên đi học, tôi bị điểm 1 môn tập viết và điểm 0 môn toán do không rành tiếng Kinh. Tôi vốn nhút nhát, lúc đó thêm tự ti và mặc cảm vì thua kém các bạn.

Được cô giáo và gia đình động viên, tôi cố gắng trau dồi kiến thức, tiếng Kinh và tự quan sát xung quanh, học hỏi từ các bạn. 

Từ năm lớp 4 trở đi, tôi luôn trong danh sách tốp đầu của lớp. Tốt nghiệp ĐH Ngoại thương Hà Nội, tôi tìm được công việc tốt. 

Dẫu vậy, tôi vẫn luôn ấp ủ một ước mơ là được khám phá thế giới bên ngoài, được học hỏi từ quốc gia có nền giáo dục hàng đầu. Tôi muốn được tiếp tục thử thách bản thân trên con đường học vấn và hoàn thiện con người mình".

* Về chức vụ mới được bổ nhiệm thì sao?

- Tôi chính thức được chọn vào vị trí giám đốc chương trình cao học marketing tại ĐH London South Bank từ tháng 1-2019, trở thành quản lý chương trình trẻ nhất và là giảng viên người Việt duy nhất tại trường. 

Để được vào vị trí trên, kinh nghiệm quản lý của ứng viên cần từ ba năm trở lên (bên cạnh yếu tố năng lực) nhưng tôi là trường hợp đầu tiên ở trường được chọn khi chỉ mới có một năm kinh nghiệm. 

Trước đó tôi hoàn thành bằng thạc sĩ tại ĐH Strathclyde và bằng tiến sĩ marketing ở ĐH Birmingham.

* Ngân cho rằng khi cố gắng hết sức thì không việc gì là không thể. Tuy nhiên, đôi khi có những thử thách quá lớn, khó thể vượt qua...

- Ít ai biết tôi từng thi trượt ĐH lần đầu. Tôi học chuyên lý nhưng lại thi trượt Học viện Bưu chính viễn thông - ngôi trường mà gia đình mong muốn. 

Dẫu vậy, việc thi trượt ĐH năm đó đã giúp tôi có thời gian tự soi xét bản thân thật sự muốn gì, ngành và trường nào phù hợp. Thật sự nếu không có cú sốc và sự bứt phá từ lần trượt ĐH đó, chắc tôi đã không có ngày hôm nay.

Tôi rất tâm đắc với câu nói của ngôi sao bóng rổ Michael Jordan: "Tôi đã từng thất bại đi thất bại lại trong cuộc đời mình. Và đó là lý do tôi thành công". 

Bản thân tôi cũng trải qua nhiều thử thách lớn, trải nghiệm "đau thương" mà việc trượt ĐH chỉ là một ví dụ. Nhưng tôi chọn cách nhìn nhận những điều trên như những bài học kinh nghiệm quý giá để trưởng thành hơn.

* Khoảnh khắc Ngân thấy chạnh lòng nhất ở đất khách quê người?

- Rất, rất nhiều khoảnh khắc tôi chạnh lòng khi một thân một mình, đặc biệt lúc mới sang Anh. Tôi phải luôn nỗ lực tranh thủ vừa học vừa làm thêm để trang trải chi phí của bản thân nên hầu như không nhiều thời gian để đi giao lưu bạn bè hay gọi điện về nhà. 

Tôi sang học thạc sĩ tại thành phố Glasgow (Scotland), mùa đông ở đó rất lạnh và tuyết rơi dày. Có thể tưởng tượng hình ảnh một cô gái Việt nhỏ bé lủi thủi trên nền tuyết trắng xóa, xung quanh là những người nước ngoài cao lớn, xa lạ, những phố xá không thân quen - đó là hình ảnh của tôi. Những lúc như vậy tôi nhớ quê nhà da diết.

Nhưng tôi vẫn luôn tự nhủ trước mắt mình là những mục tiêu rõ ràng, vậy nên cứ tiếp tục đi rồi sẽ vượt qua. Có thể tôi đi lên từ con số 0 nhưng sự kiên định trong tôi thì bố mẹ cho nhiều lắm (cười).

* Cuộc sống đời thường của Ngân như thế nào?

- Tôi đam mê công việc của mình nên không có cảm giác đang phải đi làm mỗi ngày. Thử thách trong công việc rất nhiều nên bắt buộc tôi phải có lịch phân bố rất cụ thể. 

Tôi chia việc ra theo ba trọng trách chính, cụ thể là quản lý khóa, giảng dạy và làm nghiên cứu. Thường thì thời gian sẽ phân bố đều cho những trọng trách đó nhưng cũng tùy từng thời điểm trong từng kỳ học, tôi sẽ ưu tiên việc nào cấp thiết hơn.

Vào cuối tuần tôi luôn tranh thủ dành thời gian cho bản thân, gia đình và bạn bè. Đó là những lúc tôi có thể làm việc mình thích như đọc sách, đi du lịch hoặc chỉ đơn giản là nghỉ ngơi để lấy lại sức cho tuần mới.

* Thần tượng của Ngân là ai?

- Tôi nghĩ mình không có một thần tượng nhất định. Mỗi người tôi tiếp xúc đều cho tôi những trải nghiệm, những bài học ý nghĩa. Với những người xuất chúng, tôi đọc sách về họ để đúc kết kinh nghiệm cho bản thân.

Trong sâu thẳm, tôi vẫn tự thấy không ai sánh bằng cha mẹ mình - những người tôi luôn muốn noi theo nhất. Cha mẹ tôi cả một đời tần tảo, hi sinh, kiên trì ủng hộ tôi nhất ngay cả khi tôi đưa ra những quyết định táo bạo, đi ngược lại với số đông. 

Cha mẹ luôn mang trong mình giá trị cốt lõi của người Tày, luôn chân thành, tốt bụng, tự hào về nguồn gốc và văn hóa của mình. Thái độ sống đó tác động mạnh mẽ đến tôi.

* Được biết Ngân vẫn thường xuyên về Việt Nam để tham gia một số dự án cộng đồng?

- Tháng 12-2018, tôi có dịp về thăm quê hương và tham gia dự án Phát triển kinh doanh cho nông hộ - CSSP Cao Bằng, tổ chức khóa tập huấn Nông dân khởi nghiệp cho những bạn trẻ khởi nghiệp tại Cao Bằng để đưa những nông sản của địa phương ra thị trường.

Một dự án mới mà tôi và các đồng nghiệp tại Cao Bằng đang tiến hành là dự án phát triển chiến lược kinh doanh du lịch bền vững và dài hạn trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non Nước. 

Mục tiêu chính là phát huy tiềm năng lớn mạnh về du lịch của tỉnh, làm sao để hỗ trợ cộng đồng nâng cao hiểu biết về du lịch bền vững, tiến tới đưa Cao Bằng trở thành một điểm đến nổi tiếng trong cả nước và quốc tế... 

Tôi luôn muốn được đóng góp sức nhỏ bé, kiến thức chuyên môn của mình để liên tục phát triển quê hương.

* Là một người dân tộc ít người và có những thành công này, Ngân nghĩ gì và muốn làm gì nữa cho cộng đồng của mình?

- Tôi nghĩ mỗi chúng ta ai cũng đều có nguồn cội của mình và tôi luôn tự hào vì mình là người Tày, không buồn khi xuất thân khốn khó.

Tôi tâm niệm chúng ta nên nhìn nhận người khác dựa trên năng lực và tính cách con người họ chứ không phải họ xuất thân từ đâu.

Mong muốn được đóng góp cho cộng đồng người Tày của tôi thì rất nhiều. Trước mắt là những dự án như tôi đã nói ở trên.

Về lâu dài, tôi mong muốn được đóng góp vào việc phát triển và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ là người dân tộc thiểu số.

Tôi luôn mong muốn ở tương lai sẽ có thêm nhiều bạn trẻ người dân tộc nói chung, người Tày nói riêng thành đạt hơn nữa...

 

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan