“Ngân còi” ngày ấy sinh ra ở xóm Dẻ Gà, xã Lương Thông, huyện Thông Nông – huyện nghèo nhất của tỉnh nghèo Cao Bằng, nơi gần như hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài. Cô gái Tày với bản lĩnh, nghị lực mạnh mẽ và ước mơ cháy bỏng vượt ra lũy tre làng nay đã là giám đốc quản lý khóa Cao học Marketing trẻ tuổi nhất tại Đại học Kinh tế Nam London (School of Business, London South Bank – Anh Quốc).
“Không gì là không thể”
Lương Ngân (sinh năm 1986) hiện đã trở thành nữ tiến sĩ làm công tác quản lý giáo dục ở trời Tây nhưng bạn bè, hàng xóm mỗi khi gặp lại vẫn nhớ cô với biệt danh “Ngân còi” thuở bé.
Xóm nghèo nhỏ của người Tày nơi gia đình Ngân sống hồi đó không có điện, đường xá… và Ngân cũng không biết nói tiếng Kinh. Hàng ngày, “Ngân còi” phải vượt qua nhiều km đường rừng núi để đến trường và mỗi đêm lại thắp đèn dầu say sưa học.
Khi Ngân học lớp 3, gia đình chuyển ra thị xã Cao Bằng (hiện là thành phố Cao Bằng), lần đầu tiên cô bé được tiếp xúc với một cuộc sống thành thị, cái gì cũng xa lạ, bỡ ngỡ.
Ngân vẫn nhớ như in kỷ niệm ngày đầu tiên đi học, cô bị điểm 1 môn tập viết và điểm 0 môn toán do không biết tiếng Kinh. “Ngân còi” vốn nhút nhát, lúc đó thêm tự ti và mặc cảm vì thua kém các bạn.
Được cô giáo và gia đình động viên, Ngân cố gắng trau dồi kiến thức và tiếng Kinh và tự quan sát xung quanh, học hỏi từ các bạn.
Từ năm lớp 4 trở đi, cô bé người Tày luôn trong danh sách thành tích tốp đầu của lớp. Đến năm cấp 3, Ngân thi đỗ vào trường Chuyên tỉnh Cao Bằng, theo học Chuyên Lý. Sau này cô thi Đại học Ngoại Thương Hà Nội và đỗ vào Khoa Tiếng Anh Thương mại, K44.
Tốt nghiệp trường Ngoại Thương, cô nhanh chóng tìm được công việc tốt ở Hà Nội. Mặc dù vậy, Ngân vẫn luôn ấp ủ một ước mơ đó là được khám phá thế giới bên ngoài, được học hỏi từ quốc gia có nền giáo dục hàng đầu quốc tế.
“Ngày còn học ở Ngoại Thương, tôi vẫn nhớ mình được học môn Văn Hóa Anh, môn học mà tôi rất thích và từ đó đã tạo thêm động lực và mong muốn được đi du học Anh trong tôi.
Tôi muốn được tiếp tục thử thách bản thân trên con đường học tập và khám phá đất nước Anh. Vì vậy, tôi đã quyết tâm đi du học để khám phá, học hỏi từ thế giới bên ngoài và phát triển bản thân mình”, Ngân kể.
Năm 2011, Ngân theo học chương trình Thạc sỹ tại Trường Đại học Strathclyde, thành phố Glasgow (University Strathclyde), Vương quốc Anh.
Để thực hiện mục tiêu vươn ra thế giới, cô gái Việt gặp vô vàn rào cản, đặc biệt là chi phí cho việc du học tự túc ở xứ sương mù “đắt đỏ” vì gia đình không có điều kiện.
Quyết tâm đi du học, Lương Ngân phải tìm mọi cách để có được việc làm thêm. Ở xứ người, Ngân một thân một mình xoay xở làm thêm đủ việc như phục vụ quán ăn, cửa hàng, phiên dịch… Thời gian đầu, việc làm chưa ổn định, thu nhập eo hẹp, chi phí đắt đỏ, việc học căng thẳng khiến Ngân như kiệt sức.
“Khoảng thời gian đầu khi mới sang Anh, tôi cảm thấy rất vất vả khi một thân một mình ở nơi đất khách quê người. Đặc biệt là tôi phải luôn nỗ lực tranh thủ vừa học vừa làm thêm để trang trải chi phí của bản thân nên hầu như không nhiều thời gian để đi giao lưu với bạn bè hay gọi điện về nhà. Nhưng tôi vẫn luôn tự nhủ, trước mắt mình còn mục tiêu rõ ràng ở phía trước, vậy nên cứ tiếp tục đi rồi sẽ đến”, nữ tiến sĩ chia sẻ.
“Kỷ niệm không thể nào quên đó là thời điểm 3 tháng đầu tiên khi mới sang Anh, tôi nộp CV tìm việc làm thêm ở thành phố Glasgow mà không nơi nào nhận. Lúc đó cảm thấy rất tủi thân và cả nỗi lo sợ nếu không tìm được việc làm để trang trải chi phí thì tôi không thể tiếp tục học được”, cô tâm sự.
Năm 2012, cô gái Việt hoàn thành luận văn Thạc sỹ về vai trò của mạng xã hội đối với quản lý nhà hàng trong ứng dụng thực tiễn marketing được Trường Đại học Strathclyde đánh giá cao, là nghiên cứu mẫu trong lĩnh vực nhà hàng tại Việt Nam và Vương quốc Anh.
Hoàn thành bằng thạc sĩ nhưng cô vẫn chưa dừng lại hành trình học tập, dù khó khăn eo hẹp về kinh tế còn không ít.
Nói về lý do, Ngân đáp: “Trong thời gian học thạc sỹ, tôi khám phá ra rằng mình rất yêu thích việc nghiên cứu và môi trường học thuật tại Anh quả thật rất tốt.
Luận văn thạc sỹ của tôi được đánh giá cao và tạo tiền đề cho tôi tiếp tục phát triển ý tưởng nghiên cứu trong lĩnh vực marketing.
Mặc dù khó khăn eo hẹp về kinh tế vẫn luôn là rào cản lớn nhất nhưng tôi vẫn quyết tâm vừa tiếp tục học và làm để trang trải chi phí cho bản thân khi làm nghiên cứu sinh tại Anh”.
Áp lực trong thời gian nghiên cứu tiến sĩ thực sự còn lớn hơn rất nhiều khi Ngân học thạc sỹ vì đòi hỏi chất lượng nghiên cứu tại trường Birmingham rất cao. Nhiều lúc cô tưởng chừng như không thể tiếp tục hành trình nghiên cứu của mình, nhưng kết quả những nỗ lực của Ngân đã được đền đáp.
Năm 2017, Ngân tiếp tục bảo vệ xuất sắc luận án tiến sỹ trước Hội đồng gồm nhiều nhà khoa học danh tiếng về lĩnh vực kinh doanh, marketing. Cô gái Việt được phong tiến sĩ ngay sau khi bảo vệ luận án, đây là một thành tích hiếm có đối với những người làm nghiên cứu sinh tại Anh.
Sau khi bảo vệ Luận án tiến sĩ, cô tiếp tục đặt mục tiêu tìm việc ở Vương Quốc Anh và đã nộp đơn vào làm giảng viên Marketing tại trường Đại học London South Bank.
Ngân xuất sắc vượt qua rất nhiều ứng cử viên đến từ nhiều quốc gia và Hội đồng nhà trường chọn làm giảng viên của London South Bank University – trường đại học danh tiếng có chất lượng giảng dạy rất tốt tại Anh.
Tiếp đó, Ngân được Hội đồng nhà trường bổ nhiệm làm Giám đốc quản lý Khóa cao học Marketing tại Đại học Kinh tế Nam London.
Nhớ lại dấu mốc này, Ngân vẫn còn nguyên cảm xúc: “Tôi rất bất ngờ và vinh dự. Khi mới nhận được tin chính thức, tôi vừa tự hào vừa lo. Tự hào vì được hiệu trưởng và các lãnh đạo, đồng nghiệp tin tưởng giao trọng trách. Lo vì trách nhiệm là rất lớn và có nhiều việc phải làm.
Đặc biệt là khoa tôi quản lý đang trong quá trình chuyển đổi nên có rất nhiều thứ phải lo và hoàn thiện nó lên. Nhưng tôi vẫn rất tin tưởng vào bản thân và năng lực của mình. Trước giờ tôi vẫn luôn tâm niệm rằng cứ cố gắng nỗ lực hết mình thì không gì là không thể”.
Phụ nữ hiện đại hoàn toàn đủ khả năng vươn cao, vươn xa
Với cương vị này, Ngân đảm nhậm công việc cụ thể ở 3 mảng gồm quản lý khóa, giảng dạy và làm nghiên cứu. Thường thì thời gian sẽ phân bố đều cho những trọng trách đó nhưng cũng tùy từng thời điểm trong từng kỳ học, Ngân sẽ ưu tiên việc nào cấp thiết hơn cần tập trung làm.
“Ví dụ đầu năm học tôi sẽ ưu tiên thời gian cho việc quản lý khóa như lên chương trình học cho sinh viên, phân bổ việc giảng dạy các môn cho các giảng viên trong khoa, quản lý sinh viên, trao đổi công việc với các giảng viên phụ trách giảng dạy các môn trong khóa của mình, lên kế hoạch và các chiến lược với hiệu trưởng và ban lãnh đạo trường để tiếp tục phát triển chất lượng của khóa Cao học Marketing”.
Lần đầu trở quản lý khóa học Cao học, lại là trong một môi trường đại học tại London, nữ tiến sĩ người Việt gặp nhiều thách thức.
“Bản thân tôi là người trẻ nhất và là người Việt Nam duy nhất ở đây nên tự mình thấy còn rất nhiều điều cần phải học hỏi để có thể nhanh chóng bắt nhịp với công việc đòi hỏi sự tập trung cao và kỹ năng xử lý giải quyết vấn để tốt.
Cũng rất may mắn cho tôi là môi trường làm việc trong khoa rất cởi mở và các đồng nghiệp đi trước luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm quản lý cho tôi. Đặc biệt với sự ủng hộ nhiệt tình của hiệu trưởng, tôi cảm thấy tự tin hơn trong công việc quản lý của mình”, cô gái Tày chia sẻ.
Giờ đây, Ngân đã ổn định cuộc sống và sự nghiệp tại Anh Quốc. “Với hành trình từ cô bé dân tộc thiểu số đến việc ổn định cuộc sống tại xứ sở sương mù, có phải giấc mơ lớn nhất của chị đã thành hiện thực?”, phóng viên hỏi.
Ngân đáp: “Ngay từ nhỏ khi sinh ra ở làng quê nghèo tỉnh Cao Bằng, tôi đã có mơ ước được đóng góp sức nhỏ bé của mình phát triển quê hương. Giờ đây khi tôi đã tạm ổn định cuộc sống và công việc của mình, mơ ước lớn ngày nào lại thôi thúc trong tôi và nhắc nhở tôi luôn muốn trở về đóng góp cho quê hương Cao Bằng của mình.
Tôi hy vọng trong tương lai gần, tôi sẽ thực hiện được giấc mơ của mình, đó là thực hiện các dự án và hoạt động hỗ trợ cộng đồng các dân tộc thiểu số để nâng cao cuộc sống cho người đồng bào mình”.
Ngân được mời tham gia xây dựng đề án phát triển du lịch và marketing du lịch cho tỉnh Cao Bằng. Cô không ngại mời gọi lãnh đạo London South Bank University và Đại học Loyola Chicago (Hoa Kỳ) tham gia, hỗ trợ dự án.
Đầu năm 2019, Ngân trở về Cao Bằng 2 tuần, cô bố trí kín lịch làm việc với tỉnh. Ngân biên soạn và lên lớp 2 buổi/ngày tập huấn khởi nghiệp cho nông dân; giao lưu với doanh nghiệp trẻ về lĩnh vực du lịch; được đóng vai trò là khách mời tham gia nghiệm thu Đề tài “Phát triển dịch vụ Logistics đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh”.
Trong tương lai, cô gái Tày muốn tiếp tục được đóng góp sức nhỏ bé của mình để phát triển quê hương.
“Cao Bằng là một tỉnh có tiềm năng to lớn về phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch, đây cũng là những lĩnh vực mà tôi hết sức quan tâm nghiên cứu để đưa ra các đề xuất, giải pháp tư vấn về phát triển thị trường, các chiến lược marketing, khởi nghiệp…
Tôi hi vọng thời gian tới sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa để mỗi năm tôi có dịp về Việt Nam công tác, tham gia vào các dự án phát triển kinh tế cho quê hương mình”, Ngân nhấn mạnh.
Nữ tiến sĩ người Tày duy nhất tại Đại học London South Bank luôn nợ nụ cươi tươi rói, bản lĩnh trên môi. “Ngân còi”ngày nào nay đã từng bước tự tin chinh phục được những giấc mơ vượt lũy tre làng của mình.
Cô chia sẻ: “Tôi nghĩ hình mẫu phụ nữ lý tưởng là người phụ nữ mạnh mẽ, bản lĩnh, dám nghĩ dám làm và luôn kiên định để đạt tới mục tiêu đã đặt ra. Phụ nữ hiện đại ngày nay về quan niệm và phong cách sống cũng đã khác xưa rất nhiều, nhất là đối với các bạn trẻ, họ rất năng động, sáng tạo và hoàn toàn có đủ khả năng để vươn cao vươn xa hơn nữa trong sự nghiệp của mình.
Tôi cũng cho rằng việc điều tiết hài hoà giữa sự nghiệp và gia đình cũng vô cùng quan trọng. Ngoài thành công trong sự nghiệp, việc dành thời gian chăm sóc gia đình và bản thân cũng rất cần thiết để có một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn”.
Nhắn nhủ với các bạn trẻ Việt muốn trở thành công dân toàn cầu, đặc biệt là những bạn trẻ xuất thân từ những vùng sâu vùng xa điều kiện khó khăn, tiến sĩ Lương Ngân nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng chúng ta nên trân quý những khó khăn thử thách mình gặp phải và tìm mọi cách để vượt qua nó.
Thành công dù trong lĩnh vực gì cũng cần ý chí kiên định, biến khó khăn thách thức thành động lực để cố gắng hơn nữa, theo đuổi mục tiêu mình đặt ra và luôn tin tưởng vào bản thân mình.
Nếu làm được điều này thì tôi tin rằng dù ở Việt Nam hay bất kỳ nơi nào trên thế giới, các bạn trẻ đều có thể tìm thấy cơ hội thành công cho mình”.
Lệ Thu