Khi ba đi xuất khẩu lao động

Như rất nhiều những người dân Hà Tĩnh khác, ở tuổi 55, ba đi xuất khẩu lao động. Ở phương trời xa, ba không than mệt, không kể khổ, không nói nhớ nhà, chỉ thỉnh thoảng ba bảo: “Muốn về…”

Thời trẻ, ba làm đủ công việc kiếm sống, ba đi rừng đi rẫy, trồng trọt, chăn nuôi, ba lái xe dọc khắp đất nước. Không có con đường nào bằng phẳng cho ba. Làm ăn thua lỗ, cộng thêm những lần lạc lối, ba trắng tay. Trở về quê sau mấy chục năm lưu lạc những vùng kinh tế mới, ba bảo trước khi về hưu, ba muốn đi xuất khẩu lao động.

Rồi ba chọn đi Rumani – một đất nước xa lạ mà chắc ba chỉ mới nghe người ta giới thiệu. Nơi đó công việc không quá nặng nhọc, tuyển dụng cả người lớn tuổi, mức phí đóng không quá cao và hơn hết, không yêu cầu học ngoại ngữ. Nơi đó có nhiều anh em người Việt. Nơi đó còn có gì nữa, chính ba cũng chưa biết.

Ngày đi, ba cầm theo 3 triệu đồng để phòng thân và chiếc điện thoại con gái mới gửi về để dù cách một vòng trái đất, con vẫn có thể nhìn rõ từng sợi tóc bạc, từng nếp nhăn và nụ cười rất tươi khoe cả hàm răng ố vàng vì thuốc lá của ba.

132 1 Khi Ba Di Xuat Khau Lao Dong

Ngày đi, ba nói: “Ba kiếm tiền về xây nhà mới, xây bàn thờ của ông bà nội khang trang hơn. Mấy đứa con chăm lo học hành, cố gắng làm việc, đợi ba về rồi hẵng đám cưới nghe chưa?”

Tôi vẫn luôn thắc mắc, vì sao ba phải đi xuất khẩu lao động? Vì sao ở quê 10 người thì hết 7 người đi?

Ở quê nhà ba có việc làm hay không? Có.

Ở tuổi này ba có còn phải nhất mực kiếm tiền hay không? Không.

Con cái đã lớn, chẳng đứa nào sống dựa vào ba. Chi tiêu sinh hoạt không nhiều. Cớ sao phải nằng nặc lưu lạc xứ người?

Ba có cái lý của ba. Ba có ước muốn của ba. Ba nói muốn dùng tiền của chính mình để báo hiếu với ông bà mà chỉ có đi xuất khẩu lao động, ba mới kiếm được và giữ được số tiền ba muốn. Cái lý của ba, tôi không hiểu, nhưng rất nhiều những hàng xóm, láng giềng hiểu vì họ cũng lựa chọn như ba.

Những ngày đầu tiên xa xứ, qua điện thoại, tôi chưa bao giờ thấy rõ ba mình già đến thế, vất vả đến thế. Ba không than vãn gì nhiều, có lẽ vì sợ con cái lo lắng. Ba khoe mấy anh em cùng quê ở bên này vui lắm, cuối tuần sẽ rủ nhau đi chợ, dùng điện thoại để dịch sang tiếng Anh rồi trao đổi với người bán hàng, mua chút thịt cá về làm đồ nhậu như hồi ở quê vậy. Ba khoe ở đây phòng ốc sạch sẽ, đi làm có xe đưa đón. Nhưng cũng có những đêm, ba nói như thì thầm: “Không có người Tây nào làm công việc nặng nhọc như vậy cả, chỉ có người Việt thôi con. Cơm khô khốc lắm, chỉ có một miếng thịt nhỏ xíu, không đủ no. Chiều nay, mọi người mới họp kiến nghị ban quản lý để họ mua thêm đồ ăn”.

132 2 Khi Ba Di Xuat Khau Lao Dong

Ba cũng chẳng nói nhớ nhung gì mọi người. Chỉ thỉnh thoảng, rất khuya, ba nhắn: “Mấy ngày tới mấy đứa đi đứng cẩn thận, bụng dạ ba hơi cồn cào không yên”.

Ngày tôi bị tai nạn, ba cũng nhắn những dòng rất dài: “Ba không về bên cạnh con được, con phải mạnh mẽ để còn chăm sóc mẹ. Ba ở đây rất lo, nhưng chẳng làm gì được…”

“Chẳng làm gì được” cũng là điều tôi đau lòng nhất khi không thể ở cạnh ba lúc này. Không thể chăm lo, không thể vỗ về, cũng không thể ôm một cái. Rất nhiều điều tôi không thể làm cho ba bây giờ. Điều duy nhất tôi làm được chỉ là mong ước, cầu nguyện cho ba và nhiều người đi xuất khẩu lao động khỏe mạnh và bình an.

Theo: thanhnien.vn

Bài liên quan