Mang cái mác Việt Kiều nên mỗi lần về thăm quê trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Và thực tế có không ít người không dám về quê vì sợ bẽ bàng với bạn bè, người thân.
Trong danh sách bạn bè của chúng ta, từ bé tới lớn chắc hẳn cũng có những người bạn bây giờ đang sinh sống và lao động tại nước ngoài.
Có thể chúng ta đã quên mất khuôn mặt bạn thế nào, tên họ đầy đủ của bạn là cái gì, chỉ còn nhớ bạn là bạn, từng có thời học chung hoặc từng tiếp xúc thân thiết và có không ít kỷ niệm (kỷ niệm như nào cũng mơ màng khó nhớ cụ thể).
Thậm chí cuộc sống hiện tại của bạn ở nơi xa quê hương ra sao, chúng ta cũng không biết hết. Thứ duy nhất họ nhớ rõ về bạn là bây giờ bạn là Việt Kiều.
Và một ngày bạn thông báo về nước thăm mọi người, những người bạn đó sẽ tỏ thái độ như thế nào. Liệu giữa những vui mừng cho cuộc hội họp sắp tới đó chúng ta có nhắc khéo bạn mua cho mình một món quà mà ở Việt Nam không có bán hoặc được bán với giá rất đắt đỏ hay không?
Hay khi gặp bạn liệu chúng ta có nghĩ vì bạn là Việt kiều nên chi phí ăn chơi với bạn chỉ là rẻ bèo và để bạn âm thầm thanh toán hết hay không?
Chắc hẳn những câu hỏi trên có lẽ ứng với từng người sẽ có từng câu trả lời khác nhau.
Một câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội xoay quanh vấn đề này đã góp phần chia sẻ về góc nhìn của những người Việt Kiều khi về thăm quê.
Dưới đây là một bài viết tủi hờn của một người bạn mang cái mác “VIỆT KIỀU”:
Bài viết đã nêu toàn bộ sự thật mà bấy lâu nay chưa ai từng quan tâm hay có tình làm ngơ, một câu chuyện mở ra không ít bẽ bàng:
“KHI CÓ BẠN LÀ VIỆT KIỀU VỀ NƯỚC
Hẹn bạn bè cũ đi ăn, ăn xong cả đám hùn tiền trả luôn phần của bạn, vì lâu lâu bạn mới về, mời bạn một bữa có sao, chứ không phải cứ hễ Việt kiều thì phải mời Việt Nam.
Bạn tặng quà, mỗi đứa một cái chai nước rửa tay nhỏ, ít tiền nhưng mà quý, ai cũng thích và hài lòng… chứ không phải cứ hễ Việt Kiều thì phải tặng quà mắc tiền, cao cấp.
Ngồi kể chuyện, có đứa kể hồi đó khó khăn ra sao, bạn tiếc rằng lúc đó ở nước ngoài không giúp gì được, cả đám xua tay, giúp gì mà giúp, đời ai nấy lo, người thân trong gia đình cũng cần phải tự lập, chứ đâu phải cứ ở nước ngoài nghe trong nước có chuyện là gởi tiền về giúp, coi sao đặng.
Mà cũng hổng được oán trách gì khi người ta không giúp mình, vì lúc người ta đi, mình cũng có giúp được gì đâu.
Bạn ở Việt Nam được hai tuần, cứ rảnh thì đứa này rủ bạn đi coi kịch, đứa kia rủ bạn đi coi phim nếu bạn có thời gian, để bạn hiểu giờ nước mình ra sao, vui buồn thế nào.
Việt Kiều thì cũng là người, ở nước họ, kiếm tiền cũng cực như ở Việt Nam, cũng có tiền nhà để đóng, có tiền xe để lo… muốn mua cái vé bay về Việt Nam thăm người thân đã là cả một vấn đề.
Họ kiếm đồng tiền, nghe giá trị có vẻ lớn, nhưng so với mức sống ở nước họ thì cũng chỉ là vừa đủ, nên đừng áp lực bằng việc họ phải lo lắng cho những người ở nước trong.
Nghe bạn kể, hồi Tết muốn về mà không dám, vì vé mắc mà còn phải mua quà cho cả hai dòng họ… nên ở bên đó mà nhớ nhà ghê lắm…”
Nhanh chóng, bài viết đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm từ phía cộng đồng người dùng mạng. Đa phần mọi người đều đồng ý với quan điểm của chủ bài.
Song thực tế có không ít người không chịu hiểu. Bởi trong suy nghĩ của họ từ lâu danh xưng “Việt kiều” là dùng để chỉ những người có điều kiện, từ tiền tài vật chất cho tới địa vị xã hội đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài.
Một số người khác nữa thì cho rằng, kết quả của cái danh xưng hão này đều bắt nguồn từ một bộ phận kha khá kiều bào khi về nước đều “nổ” với bạn bè người thân về những thứ mình đang có và phóng đại về công việc của mình tại nước ngoài.
Song dù những người Việt Kiều có “nổ” hay không thì chúng ta phải nhìn rõ vấn đề. Việc họ nói là chuyện của họ, họ có dối trá bản thân thì cũng không phải để làm hại gì mình.
Bởi khi chúng ta có đủ lòng tự trọng thì dù cho người Việt kiều ấy có giàu thật hay giàu giả, chúng ta cũng không nên vòi vĩnh hay đặt họ vào thế phải chi trả mọi thứ và mua sắm tặng quà thả ga cho chúng ta.
Thẳng thắn mà nói, Việt Kiều không phải là cái máy in tiền, cũng không phải bỗng dưng tiền từ trên trời rơi vào tay bạn, bạn cũng như bất kỳ ai đang lao động vất vả để nhận từng đồng lương.
Có thể đồng lương này cao thật, nhưng họ phải đánh đổi bao thứ để có được những đồng tiền đó. Vậy thì không lý gì chúng ta lại khiến bạn cảm thấy nặng nề hơn mỗi khi có ý định về quê nhà thăm gia đình, bè bạn thông qua những yêu cầu mua quà cáp, mua này mua kia,… hay thậm chí là mặc định Việt kiều hồi hương là phải chi trả mọi cuộc ăn chơi họp mặt.
Bạn bè như vậy, thì tệ quá phải không?
Tổng hợp