Sau vụ 39 người Việt tử nạn tại Essex, các nghề gắn với nguồn lao động chui của người Việt ở Anh bắt đầu lao đao.
Chị Hà (trái), chủ tiệm nail cạnh Sân vận động Tottenham Hotspur - Nguyễn Đình
Nhiều chia sẻ về nguyên do khiến một bộ phận người Việt quyết đến Anh bằng mọi giá, bất chấp cả mạng sống, là bởi nước này dễ làm ăn, dễ làm… liều để giàu nhanh bằng nghề trồng cỏ (cần sa), vốn chẳng đòi hỏi trình độ, ngôn ngữ, kỹ năng.
Nhưng nghề trồng cỏ giờ đã thoái trào, anh Lê Văn Lợi, Việt kiều sinh sống tại London, lý giải: "Nghề cỏ bây giờ, phía chính quyền thì cảnh sát truy lùng gắt gao, ngoài xã hội các băng đảng đến từ châu Phi, Đông Âu cũng săn tìm, chờ dân trồng cỏ chăm bẵm đã đời, gần đến ngày thu hoạch xông đến với súng ống, cướp trọn mẻ. Dân cỏ bây giờ bỏ nghề, bởi quá rủi ro và nguy hiểm".
Nghề làm nail cũng từng một thời huy hoàng với: "Con ơi nhớ lấy lời cha - một năm đi giũa (móng) bằng ba năm làm". Sau thảm nạn ở Essex, đất sống màu mỡ cho dân nhập cư lậu dần thu hẹp.
Khởi nghiệp bằng nghề nail
Ở hải ngoại, từ Mỹ, Pháp, Đức, CH Czech đến Anh, nghề nail gắn với "thương hiệu" người Việt. Là nghề kiếm bộn tiền bởi công sức đào tạo không có gì phức tạp, chỉ học một hai tháng là thành thợ.
Nói về nghề nail ở Anh, chị Hà với hơn 20 năm sống tại đây, chủ tiệm nail tại Tottenham, cho biết: "Nghề này học nhanh lắm, người Việt khi sang tìm người cùng quê, xin đến học, làm phụ, thường chỉ mất tiền tàu xe chứ chẳng ai lấy học phí. Quen việc đôi ba tháng, lắm người đủ tự tin đặt bàn hành nghề".
Nhân viên phục vụ trong quán ăn Việt ở khu Soho
Chuyện đi đặt bàn nghề nail, hóa ra cực đơn giản, người nhập cư lậu rất thích kèo này bởi vừa được làm chủ, vừa có điều kiện làm theo ý mình để lên tay, cứng cáp hơn bắt đầu ra mở tiệm. Còn đi học nghề trong tiệm, làm phụ việc, chủ dạy chậm, ít cho thực hành trên khách bởi sợ làm hỏng, mất khách.
Việc đặt bàn giản đơn, chỉ cần ké trong các tiệm hớt tóc (đa phần không phải của người Việt) trả một ít tiền, hoặc ăn chia dựa trên đầu khách làm được, vậy là được hành nghề mà chẳng cần giấy tờ, chẳng ai thăm hỏi, khám xét.
Hỏi giá cho một ca đặt bàn hoàn chỉnh, gồm một cái bàn và đồ hành nghề, giới làm nail tiết lộ: "1.000 bảng là đủ". Vốn đầu tư ban đầu ấy chẳng hề mất, bởi khi nghề cứng hơn, đủ tiền ra tiệm, chỗ đặt bàn ấy được "bán" cho người đến sau. Chuỗi phát triển nghề nail với dân nhập cư lậu, cứ thế nối nhịp. Thợ nail đặt bàn ít quan tâm đến chất lượng, cái cần là được làm, nâng cao tay nghề, còn chất lượng cải thiện dần, đặt bàn làm dở, bị khách kêu quá lại lặng lẽ dời đi chỗ khác làm.
Trong những ngày ở Anh, tiếp cận các chủ tiệm nail, hỏi câu chuyện thuê người rơm làm việc, hầu như tiệm nào cũng xác nhận đã từng, nhất là quãng thời gian đôi ba năm về trước. Nguyên do: "Khách ngày trước đông, tiệm cũng chưa nhiều như bây giờ, các em phận người rơm đứa nào cũng khổ, cần kiếm tiền nên vào xin tiệm nail Việt là có việc làm ngay. Do áp lực kiếm tiền gửi về nhà trả nợ, tính khéo tay của người Việt, các em học nghề nhanh lắm. Rất được việc".
Cũng vì áp lực kiếm tiền, mở tiệm nườm nượp bởi quá dễ, và để cạnh tranh, người sau tự phá giá khiến nghề nail dần thoái trào. Để làm một bộ nail, hơn chục năm trước có giá 50 bảng. Nay mức sống cao hơn, vật giá tăng nhiều, nhưng giá giảm chỉ còn một nửa, có nơi chỉ còn 10 - 15 bảng dù ở London.
Một thợ nail học nghề nhanh, chưa đầy một năm có thể tự mình mở tiệm. Với thợ đã có giấy tờ hợp lệ việc cư trú tại Anh, thủ tục mở tiệm cũng đơn giản, chỉ cần có bằng nghề, ra hội đồng địa phương trình báo, làm thủ tục mở tiệm theo hướng dẫn, chừng 8 - 10 tuần sau là có giấy phép.
Thợ nail cũng đủ mánh, mùa đắt khách ra mở bàn tự làm, vắng khách xin đi làm tiệm ăn lương. Đi làm cũng để học thêm nghề từ tiệm, trong khi đó chủ tiệm gặp được người làm tốt đều muốn giữ, phòng mùa đắt khách có người làm cho mình. Vòng luẩn quẩn ấy diễn ra liên tục trong giới làm nail.
Hết thời người rơm?
Chủ nhà hàng, tiệm nail Việt sử dụng lao động không giấy tờ tùy thân là chuyện thường. Buôn bán mở tiệm cần người, người rơm đi xin việc cần tiền, hai nhu cầu gặp nhau. Chủ tiệm ăn Việt ở khu Holloway cho biết: "5 - 7 năm trước ngay cả bọn mình làm nhà hàng, nhận người rơm, cảnh sát phát hiện họ không phạt, không bắt chủ, còn bây giờ không những phạt mà còn có khả năng bị bắt nữa nên sợ cái vụ đấy lắm. Bị bắt là toi cơm".
Chủ nail, nhà hàng chứa người nhập cư lậu, khi bị bắt người lao động than khổ để làm lợi cho hồ sơ tị nạn, còn chủ rất dễ phạm thêm luật về nạn nô lệ hiện đại khi cảnh sát căn cứ theo lời khai của lao động.
Chủ tiệm P.H Nails ở Tottenham cho biết:
"Ngày xưa nhận người rơm thì vui, vừa giúp đỡ, thu nhập của tiệm cũng tốt lên vì khách đông. Bây giờ không dám nhận, có mấy vụ xử rồi, chủ không chỉ bị phạt mà còn ghép thêm tội sử dụng nô lệ hiện đại. Đứa bạn làm cùng nghề bị bắt, 4 người rơm, phạt mỗi đầu người 20.000 bảng, may không bị phạt tù".
Sau vụ việc 39 người tử nạn ở Essex, chuyện siết lao động lậu đang là đề tài nóng trong cộng đồng di dân VN. Nỗi sợ sử dụng lao động người rơm khiến các nhà hàng, tiệm nail của người Việt tại Anh bắt đầu giai đoạn khủng hoảng nhân sự.
Chị Hà cho biết:
"Hồi xưa làm nail, chủ là chủ, bây giờ chủ và thợ ngang nhau, thợ có đến trễ cũng không dám nặng lời vì chỉ sợ phật ý, bỏ đi chỗ khác thì tiệm hết người làm. Ngày xưa thợ vào, làm xong còn phải dọn dẹp, còn bây giờ chỉ đến làm, hết ngày là đứng lên về, chủ tự lo hết. Kiếm được một lao động hợp pháp bây giờ khó lắm, nên phải chịu cực thêm thôi".
Thị trường lao động e ngại người rơm, các lĩnh vực y tế, giáo dục cũng sẽ hạn chế, cho dù Anh là đất nước hàng đầu thế giới ở những lĩnh vực này.
Nhiều người rơm trước khi sang Anh, lầm tưởng rằng cơ hội nơi "thiên đường" này chia đều cho mọi người.
Ông Trần Xuân Thái, phụ trách truyền thông Hội Người Việt tại Anh, cho biết:
"Di dân vào Anh bất hợp pháp, sẽ không được hưởng chính sách y tế như công dân chính thức. Tôi biết nhiều phụ nữ sinh con không đủ tiền sinh ở bệnh viện phải nhờ bà mẫu người Việt đỡ đẻ tại nhà. Có người bệnh thận phải đi chạy thận, đến bệnh viện họ vẫn chữa, nếu có giấy tờ đầy đủ được chữa miễn phí, nếu không chỉ được chữa ở mức cầm chừng do yếu tố nhân đạo thôi".
Ông Vương Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Người Việt tại Anh, nhắn gửi thêm:
"Đa phần người nhập cư lậu vào Anh là những người trẻ tuổi và mạo hiểm nên chuyện các em dứt áo ra đi là điều dễ hiểu. Quyết định này tùy thuộc vào cá nhân.
Tôi chỉ muốn nhấn mạnh là phải nhìn vào khả năng chính mình, sống ở nước nào cũng vậy, phải học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, mới có khả năng tạo dựng cuộc sống chân chính, tốt đẹp, chứ tay không nhặt tiền thì không bao giờ có đâu".
Nguồn: Lam Phong/ Thanh Niên online