Câu chuyện 39 xác người trong thùng xe container ở Anh, nghi vấn có người Việt đang khiến nhiều người bàng hoàng. Làm việc ở nước ngoài có thật sự là thiên đường với toàn “màu hồng”, hay đồng tiền kiếm được là xương máu?
Trưa 26.10, những tin tức về 39 thi thể được tìm thấy trong thùng xe container ở Anh, thông tin một số gia đình ở Hà Tĩnh cũng tìm kiếm sự giúp đỡ của cơ quan chức năng khi nghi vấn con của họ có trong 39 thi thể được tìm thấy đã khiến bữa cơm của cộng đồng người Việt lao động ở Đài Loan nghẹn đắng lại.
Anh Nguyễn Trọng Thảo, 23 tuổi, công nhân xuất khẩu lao động, sinh sống tại Đài Trung (Đài Loan – Trung Quốc) nói chuyện với chúng tôi qua điện thoại, giọng run run: “Quá xót xa. Thương những người đã qua đời, thương cả gia đình của các em”.
Đồng tiền xương máu ở xứ người
Anh Nguyễn Trọng Thảo cho biết:
“Không ít bạn trẻ là người Việt ảo tưởng về việc đi ra nước ngoài làm việc, các bạn nghĩ kiếm tiền dễ dàng, có rất nhiều tiền gửi về cho bố mẹ và chẳng mấy chốc đổi đời. Nhiều bạn nhìn sang những nhà hàng xóm, láng giềng của mình và thấy họ rất giàu có sau khi con em họ đi xuất khẩu lao động, và tìm mọi cách để đi. Thế nhưng, sang đến nơi thì vỡ mộng, bởi phải làm thuê vất vả, lao động chân tay, dọn dẹp, bưng vác nặng, chủ nói gì thì phải làm, kể cả những công việc hiểm nguy nhất, bẩn thỉu nhất”.
“Theo tôi biết, để được sang Đài Loan làm công nhân dạng xuất khẩu lao động, mỗi người lao động phải đóng ít nhất 140 đến 160 triệu đồng chi phí các loại, đây là một số tiền không nhỏ với các gia đình ở các vùng quê. Không chỉ vay người thân, họ hàng, người ta phải vay mượn ngân hàng và trả lãi hàng tháng, nếu không có tiền gửi về, thì khoản nợ kia sẽ ngày càng nhiều. Nhiều người nghĩ rằng đi xuất khẩu lao động kiếm tiền rất dễ, gửi về rất nhiều, nhưng không phải như vậy”, anh Thảo nói.
Theo anh Thảo, các bạn có thể may mắn được làm ở những công ty tốt, vừa có lương cơ bản, có tiền làm thêm, tiền lương cơ bản khoảng 14-15 triệu đồng/tháng và đủ ăn, trang trải cuộc sống.
Mọi người ở ký túc xá chung phòng, cùng góp tiền để nấu ăn để tiết kiệm. Tiền làm thêm có thể gửi về cho cha mẹ để trả nợ, trả lãi ngân hàng.
Còn nếu ở những công ty không có việc làm, có bạn phải trốn ra ngoài làm thêm bất hợp pháp, và có thể bị trục xuất về nước bất cứ lúc nào. Áp lực làm việc ở Đài Loan rất căng thẳng, không phải vừa làm vừa chơi.
Nhiều người không xác định được nó ngay từ đầu nên sang đây thấy quá khổ cực đã phải bỏ dở về nước giữa chừng.
Chưa kể, anh Thảo đã chứng kiến rất nhiều người Việt lao động trốn ra ngoài làm “chui”, bị tai nạn lao động, bị đột quỵ, đột tử chết ở xứ người, không có tiền để mang thi thể về quê hương.
Đồng nghiệp của anh Thảo làm việc tại Đài Trung (Đài Loan - Trung Quốc)
“Tôi đã từng vỡ mộng”
Trưa 26.10, nói chuyện điện thoại với chúng tôi từ tỉnh Gunma, Nhật Bản, chị Võ Linh, 21 tuổi, quê ở Tây Ninh đang là công nhân xuất khẩu lao động nói:
“Tôi đã từng vỡ mộng. Học kế toán, sau đó học tiếng Nhật ở TP.HCM, tôi đăng ký đi làm việc tại Nhật và nghĩ rằng nó rất nhiều màu hồng. Nhưng sang tới đây rồi, mới thấm thía nó căng thẳng, áp lực như thế nào. Ở Việt Nam, một ngày có thể làm 5 phần chơi 5 phần, còn ở đây, chúng tôi làm 9,5 phần, được nghỉ ngơi 0,5 phần. Một ngày làm 8 tiếng nhưng đúng là 8 tiếng phải đứng liên tục ở dây chuyền, không được ngồi. Một tuần được tăng ca một số buổi, sẽ có thêm tiền, nhưng không được tăng ca quá nhiều. Tại Nhật Bản chi phí đắt đỏ, tiền thuế mỗi tháng phải đóng cũng rất lớn, như tôi mỗi tháng mất 7 triệu đồng tiền thuế, bảo hiểm, 2 triệu cho tiền thuê nhà, chỉ còn một ít để gửi về cho bố mẹ chi tiêu”, chị Võ Linh nói.
Cô gái quê Hà Tĩnh nghi là 1 trong 39 người tử nạn trong thùng xe container tại Anh và tin nhắn cuối cùng cho mẹ
Chị Linh cho biết, nhiều bạn trẻ đi Nhật thông qua những công ty có chi phí môi giới cao, để có tiền gửi về Việt Nam cho gia đình trả nợ đã phải trốn ra ngoài làm việc, nhiều trường hợp bị cảnh sát bắt.
“Áp lực có khi đến từ chính những người nhà của các bạn đi xuất khẩu lao động, gia đình các bạn nghĩ rằng tiền kiếm ở Nhật rất dễ, phải gửi nhiều về, nhưng đâu có nghĩ rằng, kiếm tiền nơi đất khách quê người chật vật như thế nào. Nhiều chị em công nhân làm 8 tiếng mỗi ngày rồi xoay ca, căng thẳng, mệt mỏi và áp lực đến mất ngủ”, chị Võ Linh nói. Đừng bất chấp để mong đổi đời
Theo anh Nguyễn Trọng Thảo, nếu xác định đi xuất khẩu lao động, thứ nhất cần phải xác định đi để làm việc, sẽ có gian khổ, vất vả, cần trang bị kiến thức, học tiếng của nước mình sẽ sang, học văn hoá của đất nước đó.
Bởi khi mới sang nếu tiếng không biết, văn hoá không thể hoà nhập thì sẽ rất khó để làm việc lâu dài.
Tiếp theo, cần lựa chọn những tổ chức hướng dẫn, tư vấn xuất khẩu lao động uy tín, điều này có thể tham khảo cơ quan chức năng, những người có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài. Và quan trọng, không tin những lời hứa hẹn, đường mật của những đơn vị không rõ ràng tổ chức các chuyến đi cho người lao động ra nước ngoài. Họ sẽ vẽ ra những cuộc sống toàn màu hồng cho các bạn trẻ và để bạn bỏ ra số tiền không nhỏ cho chuyến đi, nhưng không biết tương lai sẽ ra sao.
“Tôi muốn nói với các bạn trẻ là cuộc sống khó khăn như thế nào cũng có thể có cách giải quyết, từ từ tháo gỡ. Các bạn đừng đánh đổi, bất chấp tuổi trẻ, tính mạng, tiền bạc của mình cho những khát vọng quá lớn, khát vọng đổi đời, làm giàu. Thực tế, tôi cũng sinh ra và lớn lên ở một vùng quê ở Hà Tĩnh, chứng kiến có những vùng quê mà cả làng có con cháu đi xuất khẩu lao động, làm việc ở nước ngoài, tôi biết nhiều người thấy nhà hàng xóm giàu có đổi đời nhờ con cái ra nước ngoài làm nên đã cố gắng vay mượn hàng trăm triệu để con nhà mình cũng được đi. Nhưng, không có đồng tiền nào kiếm dễ dàng. Có người bị lừa, tiền mất, tính mạng con em mình cũng không còn. Tôi biết có những chuyến tàu vượt biên sang Đài Loan, nhiều người đã chết…”, anh Thảo nói.
Trong khi đó, chị Võ Linh, người đang làm công nhân tại Nhật Bản cho rằng, các bạn trẻ không nên bất chấp cả tính mạng của mình với suy nghĩ, ra khỏi Việt Nam sẽ được đổi đời. “Những gì bạn bỏ ra sẽ xứng đáng với những gì bạn nhận được. Ở đâu cũng cần lao động chăm chỉ, cần học hỏi cả tiếng nói, văn hoá để thích nghi và hoà nhập. Đừng vì ảo tưởng ở mảnh đất hứa nào, để rồi mất tiền và mất mạng”.