Nguyen là một trong số hàng trăm trẻ em Việt Nam bị buôn bán sang Anh mỗi năm để làm việc trong các trang trại cần sa, chịu cảnh bị ngược đãi và bóc lột sức lao động.
Nguyen* được sinh ra tại một vùng nông thôn miền núi phía bắc Việt Nam. Khi cha anh bị bệnh và qua đời, anh chỉ mới bốn tuổi. Trước đó, gia đình anh đã phải vay tiền để trang trải viện phí cho cha, theo South China Morning Post.
"Tôi nhớ mẹ tôi và tôi đã làm việc cho một số người để trả hết nợ. Một ngày nọ, chúng tôi được đưa bằng xe máy đến một nơi rất xa. Đó là một vùng núi hẻo lánh, nhưng ở đó có một ngôi nhà to với một trang trại rất rộng", Nguyen hồi tưởng.
Khung cảnh nghe có vẻ bình dị, nhưng đây là khởi đầu của hành trình bi thảm từ Việt Nam đến Anh, khiến Nguyen lâm vào cảnh bị bóc lột, lạm dụng và tra tấn nơi đất khách quê người.
Nguyen, giờ đã ngoài 20 tuổi, từng ngồi tù tại Việt Nam và sau đó bị những kẻ buôn người phi pháp đưa sang Anh. Ở đó, anh bị buộc phải làm việc trong các trang trại cần sa và trong một nhà hàng trước khi được chính quyền Anh giải cứu.
Nguyen là một trong số hàng trăm trẻ em bị buôn bán hàng năm từ Việt Nam đến Anh. Chính quyền nước này đang xem xét yêu cầu xin tị nạn của Nguyen.
Một nạn nhân Việt bị buôn bán sang Anh trồng cần sa giống Nguyen. Ảnh: AFP.
Bị đe dọa, tra tấn và lạm dụng
Nguyen không được học chữ khi còn nhỏ. Anh phải căn cứ vào vụ mùa và ngày Tết nguyên đán để tính thời gian. Vì vậy, anh không chắc mình bao nhiêu tuổi khi chứng kiến mẹ anh bị một nhóm người giết hại.
Những tên đàn ông đã bắt được anh và mẹ khi bà cố gắng giúp anh thoát khỏi nơi bị giam giữ.
"Sau đó, tôi được đưa đến một ngôi nhà rất lớn khác - tất cả họ đều nói tiếng nước ngoài, tôi nghĩ rằng đó là tiếng Trung Quốc. Trong ngôi nhà mới này, công việc của tôi vẫn thế, dọn dẹp và nấu ăn", anh nhớ lại.
"Một ngày nọ, có người gọi điện thoại cho tôi nói chuyện bằng tiếng Việt. Đó là nhân viên bảo vệ của ông chủ trước đó. Người này nói rằng tôi nên tiếp tục làm việc thật chăm chỉ, nếu không tôi sẽ bị lấy nội tạng", Nguyen kể lại và cho biết thêm anh đã ở trong ngôi nhà mới đó được vài năm, hoàn toàn không biết gì về khái niệm thời gian.
Một trang trại trồng cần sa phi pháp được cảnh sát phát hiện ở Anh. Ảnh: Solent News.
Sau đó, Nguyen được thông báo sẽ sang nước ngoài làm việc.
"Công việc đầu tiên tôi làm ở Anh là trong ngôi nhà này, nơi tôi phải chăm sóc cây. Tôi chỉ biết vị trí nút bật, tắt máy sưởi và phải tưới nước cho cây bao nhiêu lần mỗi ngày", Nguyen nhớ lại, đề cập đến một trang trại trồng cần sa.
Sau vụ thu hoạch đầu tiên, anh được chuyển đến một ngôi nhà khác, nơi có thêm bốn người Việt Nam. Công việc của anh vẫn thế. Nếu cây chết, Nguyen sẽ bị đánh đập và phải nhịn đói trong nhiều ngày.
Nguyen kể lại rằng tất cả những gì anh có sau nhiều năm làm việc trong cảnh giam cầm là hai tờ 5 bảng (6,5 USD) cùng một cơ thể suy dinh dưỡng với nhiều vết sẹo chằng chịt trên mặt.
"Sau đó, họ đưa tôi đến một nhà hàng. Tôi được đưa đến đó vào buổi tối bằng thang máy xuống lòng đất. Ở đó tôi phải giặt giũ và chuẩn bị bất cứ thứ gì mà đầu bếp sai bảo", anh nói với South China Morning Post.
Nguyen ngủ trên một tấm nệm gấp ở góc bếp. Tại đây, anh thường xuyên phải đối mặt với cảnh bị lạm dụng. Anh từng bị đánh vào đầu, và một lần do làm vỡ hai chiếc đĩa, anh bị một đầu bếp lấy dao chém vào tay.
Nguyen cố trốn thoát một lần nữa nhưng không thành. Sau đó, anh lại bị đưa đến một ngôi nhà trồng cần sa cho đến năm 2018 thì được cảnh sát giải cứu.
Nguy cơ cao từ nạn buôn người
Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Anti-Slavery International, ECPAT and Pacific Links Foundation, có 3.187 người lớn và trẻ em Việt Nam chính thức được xác định là nạn nhân tiềm năng của nạn buôn người ở Anh trong khoảng thời gian từ năm 2009-2018. Trong vài năm qua, công dân Việt Nam là một trong ba đối tượng có nguy cơ bị buôn bán cao nhất.
Nhưng ngay cả khi được giải cứu, nạn nhân vẫn không cảm thấy an toàn.
Nguyen sinh ra tại một vùng nông thôn miền núi phía bắc Việt Nam. Ảnh: AFP.
"Trong số trẻ em được ghi nhận mất tích tại các cơ sở chăm sóc ở Anh, trẻ em Việt Nam là đối tượng chủ yếu bị buôn bán và không có người thân", theo báo cáo của tổ chức Every Child Protected Against Trafficking and Missing People.
Nghiên cứu chỉ ra rằng có rất nhiều lý do khiến những đứa trẻ này mất tích, bao gồm sự thiếu tin tưởng vào chính quyền và người chăm sóc, bị kẻ buôn người hoặc ông chủ tiếp tục kiểm soát và sợ bị phát hiện nhập cư trái phép.
Không giống như nhiều nạn nhân thiếu may mắn khác, Nguyen được lưu trú tại nơi ở an toàn do chính quyền Anh sắp xếp và hy vọng được ở lại Anh. Giờ đây, Nguyen đang học tiếng Anh và tham dự các buổi tư vấn.
"Tôi đang sống trong một ngôi nhà an toàn. Tôi ngủ ngon hơn và có thức ăn để ăn. Tôi chưa bao giờ nghĩ cuộc đời mình sẽ được như thế này. Nếu tôi có thể tiếp tục đến trường và mọi người đối xử tốt với tôi thay vì tra tấn tôi, tôi sẽ rất vui", anh nói.
*Tên nạn nhân được rút gọn để đảm bảo an toàn, theo South China Morning Post.
Nguồn: Hương Ly/ zing