Chị Hoa vô cùng lo lắng bởi trong trí nhớ của chị, Hoàng Nam là đứa trẻ vô cùng... sợ bẩn.
Tháng 8/2019, mới nửa năm trước, chị Nguyễn Quỳnh Hoa (làm việc trong ngành hàng không, hiện đang sống tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) còn nhớ mãi cảnh tiễn con ở sân bay với nỗi lòng đầy ắp những lo toan, nhớ nhung khi lần đầu để con trai rời xa vòng tay cha mẹ.
Hoàng Nam (sinh năm 2002), con trai chị Hoa nhận được học bổng với mức tối đa để theo học ngành bác sĩ tâm lý của trường đại học Oxford. "Ngành học yêu thích của con hiện Việt Nam chưa đào tạo, đi đến đâu cũng nhận được cảnh báo "học ngành này rất khó". Thế nhưng con khẳng định "khó với người không đam mê chứ không khó với con". Vậy là tôi buộc phải cho con đi du học dù đối với người mẹ, đó là một sự đánh đổi rất lớn", chị Hoa tâm sự.
Sang tới Anh, Hoàng Nam nhập học level A tại Trường đại học UEA - ngôi trường xếp thứ 15 toàn thế giới trong thời gian chờ theo đuổi vào Oxford. Mọi chuyện tưởng như ổn thoả nhưng chỉ đúng 7 tháng sau, biến cố lớn đã ập đến, hơn cả mọi điều chị Hoa từng lo lắng và có thể tưởng tượng ra: Nước Anh bùng phát dịch COVID-19, trường học đóng cửa, chính phủ hạn chế mọi hoạt động, người dân náo loạn tranh giành lương thực tích trữ.
Chị Quỳnh Hoa và con trai Hoàng Nam du học sinh Anh.
Nửa cuối tháng 3, khi những thông tin bất an đầu tiên xuất hiện, Hoàng Nam có gọi điện về trấn an mẹ, đồng thời cho biết bản thân sẽ ở lại hoàn thành dự án học tập thay vì về nước bởi những lo lắng việc hạn chế xuất nhập cảnh cũng như tiềm tàng nguy cơ lây nhiễm khi đi lại.
Khi hai mẹ con đã thống nhất như vậy thì đến ngày 19/3, Hoàng Nam bất ngờ nhận email của trường học thông báo nước Anh "vỡ trận", tình hình dịch bệnh khó kiểm soát, dự trữ y tế của Anh chỉ đủ cho người bản xứ và khuyên học sinh nên về nước.
Trời đất như sập lại với nhau thành một mớ hỗn độn, mẹ hoang mang, con bàng hoàng. Dù Hoàng Nam đã đóng tất cả các loại bảo hiểm và chế độ y tế của Nam được hưởng như một cư dân bản xứ. Nhưng lòng người mẹ có khi nào yên khi để con một mình nơi xứ người. Chị Hoa bắt đầu lo kiếm vé cho con về.
Hành trình gian nan bắt đầu.
48 tiếng không dám thở tìm tấm vé giải cứu con khỏi nước Anh
Liên hệ tất cả các phòng vé quen biết trong hãng cũng như ngoài hãng với mối quan hệ của người trong ngành, cùng một lúc khoảng 20 đại lý xới tung mọi mạng lưới để tìm vé cho chị Hoa.
Lúc đó tìm một chiếc vé bay thẳng của VNA về TP.HCM gần như khả năng bằng không, còn những chuyến bay quá cảnh thì lại quá phiêu lưu vì thời điểm đó các sân bay thứ 3 đều từ chối các chuyến bay từ Anh. Chị Hoa chấp nhận cả chuyện máy bay sẽ đáp tại Hà Nội nhưng cũng không hề dễ dàng.
Suốt một ngày trời từ 6h30 sáng tới 10 giờ đêm chị Hoa không ăn không nghỉ cùng gần 20 đại lý vé tìm hiểu các hãng, đánh giá chặng bay, phân tích phán đoán khả năng thành công và thất bại cho từng chặng đi.
Đúng như nồi dầu đang sôi!
Cuối cùng đến tối cũng có kết quả từ người bạn thân. "Có vé rồi nhé bạn" - nghe câu đó, chị Hoa như được sống lại, reo hò mừng vui như đứa trẻ được quà. Gọi điện báo con chuẩn bị hành lý. Nhưng như không tin vào tai mình, 30 phút sau chị hỏi lại bạn lần nữa thì lại nhận được tin "Trục trặc rồi, chỉ vì một sơ suất rất nhỏ dẫn đến chậm trễ một phút và chỗ đó bị người khác vào rồi".
Đất dưới chân chị Hoa như sụp đổ.
Hoàng Nam - con trai chị Hoa nhận học bổng mức tối đa để theo học ngành bác sĩ tâm lý tại Anh.
Nhưng cô bạn bảo là "Con cứ ra sân bay đi, tới đó sẽ bố trí chỗ cho con đi". Chị Hoa thoạt nghĩ "Sao giống đi xe đò vậy". Nếu con không có vé, một mình ra khỏi trường để đến London khi đang bùng dịch, rồi lang thang ở sân bay, nguy cơ lây nhiễm là bao nhiêu? Lại cả một đêm không ngủ lo đứng lo ngồi, chờ mong trời sáng.
"Như có tổ tiên trời phật che chở, 8h30 sáng bạn nhắn cho mã vé. Người như được bay là đà cách mặt đất 20cm", chị Hoa kể.
6 giờ chiều máy bay cất cánh ở London, 9 giờ sáng Hoàng Nam mới nhận được mã vé ở thành phố Norwhich. Cậu du học sinh gấp gáp thu dọn mọi thứ, lao ngay ra bến tàu để khởi hành.
Mọi chuyện chị Hoa chưa dám yên lòng. Từng dòng tin nhắn của con mang đến cảm xúc khác nhau:
Con tới sân bay rồi!
Rồi con đang xếp hàng đợi!
Rồi, con check-in xong rồi!
Máy bay chuẩn bị cất cánh mẹ nhé!
Sau 2 ngày trời hình như đến giờ đó, chị Hoa mới được thở một cách bình thường.
"Về Việt Nam có nghĩa là con đã được sống rồi, vậy là mẹ đã cứu được con! Lúc đó tôi đã nghĩ vậy. Đối với tôi việc mua được vé chuyến bay cuối cùng của VNA từ London bay thẳng về Sài Gòn lúc đó là một phép màu, nó như một huyền thoại!", chị Hoa vẫn còn rất nhiều cảm xúc khi nhớ lại.
Hoàng Nam bên bạn bè ngày sang Anh du học.
Chuyến bay huyền thoại với cả gia đình chị Hoa lúc đó về Việt Nam được đáp ở sân bay Cần Thơ và Hoàng Nam được đưa thẳng vào trung tâm cách ly ở trường Quân Sự Bạc Liêu. Dù đã xác định con sẽ phải cách ly tập trung 2 tuần, chị Hoa vẫn vô cùng lo lắng bởi trong trí nhớ của chị, Hoàng Nam là đứa trẻ vô cùng... sợ bẩn.
"Mặc dù con trai đã xác định ngay từ bé là sẽ đi du học và cố gắng học hỏi một số việc cần thiết để tự lo cho bản thân như nấu ăn, dọn dẹp, rửa bát, quét nhà... nhưng tính chất của những đứa trẻ lớn lên ở thành phố trong xã hội thời nay dường như vẫn chẳng biết gì nhiều hơn ngoài việc học và những kỹ năng tự lập nhỏ nhặt như thế.
Con trong trí nhớ của người mẹ như tôi còn rất nhát gan, hay sợ côn trùng và sợ bẩn. Xét cho cùng, vẫn là cậu ấm công tử bột", chị Hoa nói.Vậy nhưng Hoàng Nam - cậu du học sinh Anh Quốc - đứa con trai mà chị vẫn coi là "công tử bột" ấy lại khiến chị phải ngạc nhiên.
Hoàng Nam - cậu con trai mà chị Hoa coi là "công tử bột" lại khiến mẹ ngạc nhiên ngày trở về.
Cậu du học sinh Anh tự tay thông tắc toilet khu cách ly
Môi trường sinh hoạt với các bữa ăn cơ bản được chuẩn bị sẵn, ngủ tập trung và sử dụng toilet chung đúng kiểu bộ đội tại trường Quân sự Bạc Liêu - điều kiện sống mà một cậu "công tử bột" chưa từng trải qua lại là cơ hội để Hoàng Nam chứng tỏ với gia đình sự trưởng thành của mình.
Trong thời gian cách ly, không phải mẹ động viên con mà ngược lại là, Hoàng Nam liên tục động viên chị Hoa.
"Con tốt mẹ ạ, mẹ đừng lo.
Mẹ phải xác định con đã về được Việt Nam là tốt lắm rồi.
Về được là chắc chắn sống, ở lại bên đó chưa chắc.
Khuôn viên nơi cách ly thoáng đãng, mát mẻ. Các chú chăm sóc quan tâm rất nhiệt tình, ăn uống sinh hoạt đúng giờ, con hoà nhập tốt.
Mẹ không cần lo đâu, không cần gửi bất cứ thứ gì. Ở đây các chú lo đầy đủ đúng giờ, không thiếu gì đâu.
Có 2 tuần thôi, mẹ không nên lo nhiều quá"....
Những dòng tin nhắn của Hoàng Nam khiến chị Hoa nhẹ lòng an tâm. Bà mẹ thậm chí còn không thể tin được khi Hoàng Nam kể lại câu chuyện tự dọn dẹp và xử lý khu toilet với bồn cầu bị tắc một cách bình thản.
"Trong tôi, con là đứa trẻ, một con nhện cũng sợ, một con ruồi cùng không dám nhặt. Vậy mà trong khu cách ly, con lại có thể tự thông tắc bồn cầu bằng axit sunfuric 50%, tự lồng tay vào ống quần jean để thay găng bảo hộ trong điều kiện thiếu thốn chứ không làm phiền bất cứ ai."
Hoàng Nam đã cho mẹ và nhiều người thấy được không chỉ là sự trưởng thành của bản thân mà còn là vấn đề ý thức mỗi cá nhân khi vào cuộc sống tập thể, để những người tình nguyện làm công tác cách ly ở Trường Quân sự Bạc Liêu bớt đi phần nào vất vả cũng như để bản thân tự thoải mái trong sinh hoạt. Hoàng Nam gửi ảnh cho mẹ về khu cách ly thoáng mát, thoải mái tại trường Quân sự Bạc Liêu. Nam du học sinh sinh năm 2002 chấp hành quy định cách ly 14 ngày của nhà nước với thái độ vô cùng tích cực.
Căn phòng nơi ở cách ly của Hoàng Nam khi mới tới. Trong khi nhiều du học sinh thời gian gần đây "mất điểm" trầm trọng khi đăng bài chê bai khu cách ly thì Hoàng Nam thay vì than vãn đã tự mình dọn dẹp sạch sẽ, thậm chí tự xử lý khu toilet bị tắc thay vì phiền đến người khác - hành động được rất nhiều cư dân mạng "thả tim".
Con chưa muốn về nhà! Mẹ hãy kiên nhẫn thêm nhé!
Trong suốt thời gian Hoàng Nam ở trường Quân sự Bạc Liêu, không như nhiều phụ huynh khác, chị Hoa không đến khu cách ly gặp con lần nào. Những tưởng 2 tuần trong khu cách ly, Hoàng Nam sẽ có bao nhung nhớ dồn nén cùng mong muốn được trở về ngôi nhà ấm cúng cùng cuộc sống đầy đủ tiện nghi nhưng đến ngày cách ly tập trung cuối cùng, chị Hoa lại nhận được tin nhắn từ con trai. Hoàng Nam cho biết sẽ "chưa về nhà ngay"
"Mẹ ạ! Thời gian ở đây con đã suy nghĩ kỹ rồi.
Hôm tới hết cách ly tập trung con chưa về nhà ngay đâu. Mẹ bố trí cho con chỗ nào cũng được, con sẽ ở riêng tự cách ly thêm khoảng 1 tuần nữa. Ở đây có tới 4 người bị dương tính với virus. Có thể mầm bệnh vẫn đang ủ đâu đó mà thời gian ở đây chưa phát hiện ra.
Con không muốn con về nhà được mấy hôm lại phát bệnh cho mọi người, nhất là mẹ, vì mẹ là người nhiều bệnh nền, cơ địa yếu, em Bin cũng có bệnh nền là viêm xoang.
Con biết là ở riêng thêm một tuần thì con cực thêm vì phải tự lo, lại con nhớ cả nhà nữa. Nhưng an toàn là trên hết mẹ ạ", Hoàng Nam nhắn cho chị Hoa.
Những suy nghĩ của cậu con trai trẻ tuổi mà không non dạ làm chị Hoa bất ngờ, suy nghĩ rồi ngậm ngùi, rơi nước mắt vì thương con.
Hoàng Nam thuyết phục mẹ cho mình được tự cách ly riêng thêm 1 tuần sau 2 tuần cách ly tập trung ở trường Quân sự Bạc Liêu để đảm bảo an toàn.
Cả gia đình chị Hoa lại đếm thêm 1 tuần, thêm 7 ngày mong ngóng. Vậy nhưng, chị Hoa cho biết, ngày con về nhà, chị sẽ chẳng thiết đãi linh đình mà chỉ để con tự nấu cùng mẹ một bữa cơm với những món ăn giản dị như những gì con đang mong muốn. Để cả nhà cùng chung vui sau chuyến bay dài ngày nhất này của con.
Một chặng bay kéo dài 21 ngày.