Khi ở Anh, điều quý giá nhất mà tôi nhận được là những bài học về tình yêu của con người và tôi cũng nhận ra trái tim mình từng chật hẹp thế nào.
Tôi từng nghĩ nước Anh là giấc mơ rất xa xôi với mình, vì vậy ngay khi đặt chân đến đây, tôi vẫn không thể tin đó là sự thật. Gia đình không khá giả, rất vất vả để có được học bổng đi học nên tôi từng nghĩ, mình cần tận dụng thời gian nhiều nhất cho việc học và nghiên cứu chuyên môn. Thế nhưng, tại đất nước này, điều quý giá nhất mà tôi nhận được lại là những bài học về tình yêu của con người và tôi cũng nhận ra trái tim mình từng chật hẹp thế nào.
Người dạy tôi nhiều nhất về tình yêu lại là những người rất bình dị mà tôi gặp. Họ vẫn vật lộn hàng ngày với việc mưu sinh nhưng tình yêu của họ thì vẫn ngập tràn, lấp lánh. Lần đầu tôi nhìn thấy Clarisa và Yusuf là qua bức ảnh cả hai đang cùng sóng đôi bước đi giữa những cánh hoa tung bay trong lễ cưới ở một nhà thờ nhỏ. Gương mặt chàng và nàng rạng rỡ. Chàng cao ráo, tóc hơi xoăn, râu quai nón. Nàng hơi mũm mĩm, nụ cười rất duyên, thuộc dạng thấp nếu so với người Tây. Nhìn hình, không thấy gì bất thường ở cặp đôi này cả.
Một ngày, Clarisa tới nhà Mary – mẹ chồng của cô và gặp tôi ở đó. Tôi ấn tượng rất tốt với cô – một phụ nữ nhẹ nhàng, ấm áp, thân thiện và hiểu biết. Cô mang theo con trai, một đứa trẻ còi cọc, 7 tuổi nhưng bé như trẻ 4 tuổi. Sau này tôi mới biết cậu bị chứng bệnh đặc biệt về xương. Tôi chợt nhớ ra Clarisa và Yusuf mới cưới năm 2012, hiểu ngay cậu bé là con riêng của cô ấy. Ấy thế mà trong căn nhà của Mary (nơi tôi đang ở) từ phòng khách, cầu thang tới phòng tắm đều đầy ảnh nhỏ tới lớn của cậu bé con riêng của cô. Cả nhà chồng của Clarisa từ mẹ chồng, các em chồng đều yêu cậu bé. Mary mở miệng suốt ngày khoe “Cháu nội của tôi đấy. Dễ thương không?” Thỉnh thoảng cô bận, mẹ chồng của cô lại lái xe 50km tới nhà con trai để chăm sóc cậu bé.
Nhìn họ, tôi lại chạnh lòng khi nhớ đến những câu chuyện đẫm nước mắt của các chị em gái của tôi ở Việt Nam vì lý do từng đổ vỡ hôn nhân, có con riêng, khi gặp người đàn ông khác thì đều bị kỳ thị, phản đối, trong đó, phản đối dữ dội nhất thường là mẹ của những người đàn ông ấy. Ước gì, mọi người đều có thể rộng lượng, cảm thông và chia sẻ với những khổ đau đã qua của người phụ nữ như mẹ chồng của Clarisa.
Gặp nhiều lần, nhìn Clarisa nhiều lần, tôi vẫn không thể đoán ra cô bao nhiêu tuổi nên một bữa nhiều chuyện, tôi hỏi Mary điều đó. Mary thản nhiên: Clarisa thua chị có một tuổi thôi, hơn Yusuf 18 tuổi! Tôi ngạc nhiên cực độ, ngạc nhiên về tình yêu bất chấp tuổi tác của Yusuf dành cho Clarisa và ngạc nhiên cả về sự chấp nhận rất dễ dàng của mẹ chồng cô. Tôi từng xem hình ảnh trên Facebook của Clarisa về cách Yusuf cầu hôn cô. Anh chàng kỳ công trang trí một căn phòng với hoa tươi, cỏ khô, vì không có tiền nên anh chỉ mua một chiếc nhẫn bằng nhựa màu xanh ngọc.
Yusuf bí mật mời người yêu đến và khiến cô ấy vỡ oà với lời cầu hôn ngọt ngào cùng lời hứa sẽ yêu thương cô trọn đời. Tôi từng tới nhà Clarisa và Yusuf dự tiệc giáng sinh và vui chơi cả ngày. Yusuf tất bật nấu ăn, phục vụ mọi người vì hôm đó Clarisa không khoẻ. Nấu ăn, dọn dẹp xong thì Yusuf lại nhảy hip hop cùng con trai của Clarisa vì cậu bé chỉ thích chơi với cha dượng. Chăm sóc cậu bé ốm yếu quá vất vả nên Clarisa không có ý định sinh thêm con. Cả Yusuf và gia đình cậu đều tán thành điều này, với họ, cậu bé 7 tuổi kia đã là một món quà vô giá. Trân trọng, yêu thương người phụ nữ vì chính bản thân cô ấy, không quan tâm đến quá khứ, tuổi tác của cô ấy là điều Yusuf đã làm. Yusuf – một cậu con trai 24 tuổi, rất trẻ nhưng là một người đàn ông chín chắn thực sự và đầy trách nhiệm trong tình yêu.
Chị Mary làm giáo viên dạy hát tự do ở các trường mầm non, các trung tâm cộng đồng, nhà thờ nên tôi có cơ hội theo chân chị tham gia các hoạt động khác nhau và tôi lại tiếp tục được học thêm những bài học về tình yêu từ những người ấy. Ở một trung tâm dành cho người già, tôi gặp một nhóm các cô chú đều U60, U70, U80, mang trong mình nhiều bệnh tật, có người ung thư giai đoạn cuối, đã biết trước mình chỉ còn sống được chừng 3 tháng. Gặp nhau ở lớp học hát mỗi chiều thứ 5, họ dành cho nhau những cái ôm, những nụ hôn, những lời động viên và cả những nụ cười rạng rỡ. Họ múa, hát say sưa cùng Mary, cũng có khi phàn nàn nhau vì ai đó lỡ hát lệch tone, hát to quá làm át cả tiếng người khác, những lời trách yêu mang lại tiếng cười nhiều hơn là sự khó chịu.
Tôi đã chảy nước mắt rất nhiều lần khi nhìn thấy chú James cầm tay, vuốt tóc cô Danila, trao cho cô cái nhìn âu yếm, mỉm cười khen cô “You look so nice today! (Hôm nay, em đẹp lắm)”. Cô Danila đã 70 tuổi, làn da nhăn nheo, ngón tay xương xẩu, thân hình gầy gò và mái tóc không còn sợi nào do tác dụng của thuốc điều trị ung thư. Chú James và cô Danila đều chỉ mới quen biết nhau khi đến trung tâm này. Sau khi quen nhau, chú James tình nguyện đến nhà đón, đưa cô bất cứ nơi đâu cô muốn, khi cô phải vào bệnh viện, chú cũng bên cô. Tôi biết chú James sẽ không còn nhiều cơ hội để cầm tay cô Danila nữa nhưng có lẽ họ không nghĩ đến điều này, họ chỉ quan tâm đến những khoảnh khắc được bên nhau, và họ có thể mang lại hạnh phúc thế nào cho nhau tại những khoảnh khắc ấy.
Chỉ một thời gian ngắn ở nước Anh đã cho tôi nhiều cái nhìn mới mẻ về tình yêu. Đó là tình yêu đắm say của một chàng trai 24 tuổi dành cho một phụ nữ 42 tuổi đã qua một lần đau khổ và đang vật lộn với việc chăm sóc một đứa con riêng bệnh tật. Đó là tình yêu đầy cảm thông của một bà mẹ chồng 43 tuổi dành cho đứa con dâu chỉ thua mình một tuổi, tôn trọng tất cả quá khứ lẫn hiện tại của cô. Đó là tình yêu sáng trong của cả gia đình chàng trai dành cho một đứa trẻ vốn dĩ chẳng có quan hệ ruột rà với mình! Đó là tình yêu của của những người ở tuổi gần đất, xa trời, vẫn vẹn nguyên sự tinh khôi, ngọt ngào dành cho nhau. Tôi đã nhận ra khi tình yêu con người đủ lớn thì mọi điều khác chỉ là chuyện nhỏ!
Nguyễn Thị Thu Huyền/visco