Số liệu của Tổng cục thống kê Anh công bố trong tháng 9/2017 cho thấy 32,1 triệu người Anh đang có việc làm, chiếm 75,3% tổng số người trong độ tuổi lao động và là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1971. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Anh đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1975.
Nền kinh tế Anh đang trở nên trầm trọng hơn sau khi quyết định rời Liên minh Châu Âu (EU). Một thập kỷ với năng suất thấp của Anh vẫn chưa có dấu hiệu biến mất khi số liệu của Tổng cục thống kê Anh (ONS) cho thấy tổng năng suất bình quân giờ quý II/2017 của nước này giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Con số này là 0,5% cho quý I/2017.
Nếu so sánh với những nước phát triển cùng cấp khác trong nhóm G7, năng suất bình quân theo giờ năm 2016 của Anh thấp hơn 15,1% so với mức trung bình của cả nhóm. So sánh theo năng suất bình quân mỗi lao động, Anh thấp hơn 15,4% so với những thành viên còn lại của G7 năm 2016. Con số này là 16,1% năm 2015.
Năm 2016, chỉ số năng suất theo giờ và theo đầu người của Anh chỉ cao hơn Nhật Bản và Canada nhưng thấp hơn hầu hết các đối tác thương mại ở Châu Âu cũng như Mỹ.
Không chỉ riêng trong những năm gần đây, tình trạng giảm tốc tăng trưởng năng suất của Anh đã kéo dài trong hơn 20 năm qua. Trong khoảng 1997-2007, tăng trưởng năng suất bình quân của Anh chỉ cao hơn 0,2% so với trung bình các nước còn lại của G7. Tuy nhiên từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, tăng trưởng năng suất của Anh giảm dần.
Năm 2016, chênh lệch mức tăng trưởng năng suất của Anh so với thời điểm trước cuộc khủng hoảng 2008 đã lên đến 15,8%, cao hơn bất kỳ thành viên nào của G7.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008, nền kinh tế Anh có tăng trưởng chủ yếu dựa vào ép buộc người lao động làm thêm giờ chứ không có những chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng năng suất. Hậu quả là người dân vẫn phải chịu mức tăng lương thấp, hiệu quả lao động đi xuống và tác động đến tâm lý của cử tri.
Mức tăng trưởng GDP của Anh từ đầu năm đến nay ở mức thấp và các chuyên gia dự đoán chúng sẽ tiếp tục ở mức thấp trong vài năm tới. Ngân hàng Bank of America Merill Lynch đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Anh cho năm 2018 từ 1,2% xuống 1%.
Những ẩn số đằng sau tỷ lệ thất nghiệp thấp tại Anh
Số liệu của ONS công bố trong tháng 9/2017 cho thấy 32,1 triệu người Anh đang có việc làm, chiếm 75,3% tổng số người trong độ tuổi lao động và là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1971. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Anh đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1975.
Dẫu vậy, số liệu của ONS cũng cho thấy mức lương của lao động Anh đã giảm tháng thứ 6 liên tiếp tính đến tháng 9 vừa qua nếu cộng cả lạm phát.
Trong khoảng tháng 5 đến tháng 6/2017, thu nhập bình quân theo tuần của lao động Anh đã giảm 0,4% do lạm phát tăng mạnh. Tháng 8/2017, chỉ số giá tiêu dùng tại Anh tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương. Lạm phát tại Anh đã tăng dần kể từ sau Brexit, đồng thời việc giá Bảng Anh giảm mạnh cũng khiến hàng nhập khẩu vào thị trường này tăng giá.
Mặc dù vậy, ONS cũng thừa nhận mức tăng lương không tính lạm phát tại Anh cũng đang ở mức rất chậm, trong 3 tháng tính đến tháng 7/2017 chỉ vào khoảng 2,1%. Nghiên cứu của PPR cũng cho thấy giai đoạn 2008-2021 sẽ là thời kỳ tăng lương chậm nhất của Anh kể từ giữa thế kỷ thứ 19 bất chấp số lượng việc làm đã tăng kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008.
Mới đây, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Anh trong năm nay và cho rằng chính sự suy giảm trong thị trường tiêu dùng cùng đồng Bảng Anh đi xuống sẽ tác động xấu đến kinh tế.
Theo đó IMF cho rằng kinh tế Anh sẽ chỉ tăng trưởng bằng 50% so với khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) trong nửa cuối năm nay.
Số liệu của ONS cho thấy Anh chỉ tăng trưởng 0,3% trong quý II/2017, thấp hơn một nửa so với mức 0,6% của 19 thành viên Eurozone trong cùng kỳ. Ngoài ra, đồng Bảng Anh mất giá khiến lạm phát tại đây tăng cao.
Nguồn: Cafebiz.vn