Đối với nhiều người Việt sống ở Anh, những gì đang diễn ra tại đây quả thật giống như câu chuyện trong một bộ phim nào đó mà họ đã từng xem.
Người dân mua thực phẩm tại siêu thị ở Walthamstow, phía đông thủ đô London, Anh, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng.
"Như đang xem một bộ phim viễn tưởng" đó là tin nhắn đầu tiên tôi nhận được từ một Việt kiều trên 30 năm sống ở Anh ngay sau khi nghe lệnh phong tỏa của chính phủ.
Đối với nhiều người sống ở Anh, những gì đang diễn ra tại đây quả thật giống như câu chuyện trong một bộ phim nào đó mà họ đã từng xem. Ít ai hình dung được lệnh phong tỏa toàn quốc lại có thể xảy ra giữa thời bình trên đất nước này.
Trước diễn biến số người mắc bệnh và tử vong do liên quan đến COVID-19 tăng nhanh từng ngày theo đường đồ thị dốc đi lên thẳng đứng, với những dự đoán, phân tích cảnh báo của các nhà khoa học đưa ra như số người bị nhiễm bệnh có thể chiếm tới 1/2 dân số Anh, hay số người tử vong có thể lên tới cả trăm nghìn người nếu như không có biện pháp mạnh hơn để hạn chế tốc độ gia tăng hiện nay, Chính phủ Anh đã ban hành lệnh phong tỏa. Một quyết định được cho là hoàn toàn đúng đắn.
Khi lệnh phong tỏa đi vào thực hiện, nhiều người cho biết họ thấy "ngỡ ngàng" với nhịp sống mới, nhưng không lo lắng.
Những người tôi nhìn thấy trên đường phố hay trò chuyện, từ những người làm việc trong cơ quan chính phủ cho đến người bán hàng, giảng viên đại học, công nhân xây dựng, hay sinh viên, tất cả đều thể hiện sự bình thản, lặng lẽ thu xếp cuộc sống trong hoàn cảnh mới một cách nhẹ nhàng, không lời ca thán.
Cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Anh trải khắp bốn vùng gồm England, Wales, Scotland và Nothern Ireland với khoảng trên 100.000 người, tập trung đông nhất ở vùng England. Họ gồm những người Anh gốc Việt, những du học sinh Việt Nam và những người Việt Nam sang làm việc có thời hạn tại Anh.
Những ngày này, các cuộc điện thoại hỏi thăm nhau thường quay quanh câu chuyện như khi nào nên đeo khẩu trang, đi siêu thị chuẩn bị tinh thần sẽ phải xếp hàng đợi lâu vì mọi người phải giữ đúng cự ly cách nhau 2m, và mỗi cửa hàng sẽ chỉ cho một số người nhất định vào trong để tránh bị đông người, nên có những lúc mọi người phải xếp hàng đến cả giờ đồng hồ ngoài trời đợi đến lượt mình.
Những ngày đầu, hàng loạt siêu như Aldi, Morrisons, Waitrose và Asda đã ra một số quy định đối với một số mặt hàng, như hạn chế số lượng mua thịt, cá tươi, tối đa mỗi lần mua không quá bốn bánh xà phòng, giấy vệ sinh, một số thực phẩm đồ hộp hay rượu. Đối với nước rửa tay khô, hay sữa trẻ em mỗi lần mua chỉ được hai hộp...
Tuy nhiên, sau một tuần, các siêu thị đã dỡ bỏ quy định hạn định số lượng mua thịt cá, rau quả tươi. Các mặt hàng trong siêu thị không đa dạng và nhiều như trước khi có lệnh phong tỏa, nhưng đủ để mọi người mua được thực phẩm cần thiết căn bản cho gia đình.
Khi được hỏi về những khó khăn kinh tế khi phải nghỉ làm do COVID-19, mọi người đều nói không lo lắng nhiều. Một phần vì Chính phủ Anh đã đưa ra cam kết hỗ trợ trả lương cho tất cả người lao động bị ảnh hưởng thu nhập do COVID-19 với mức cao nhất lên tới 2.500 bảng/tháng nhằm giữ việc làm cho người lao động.
Chị Thanh Bình, chủ một nhà hàng ăn tại khu Camden ở London, nơi có rất nhiều khách du lịch đến thăm mỗi ngày, tâm sự: "Mình không lo lắng gì vì chính phủ đã có chính sách hỗ trợ lương trả cho nhân viên của mình. Do vậy mình nghỉ ở nhà rất yên tâm, mà còn vui nữa. Hằng ngày đi tập thể dục, coi các phim, truyền hình Việt Nam, và gọi điện nói chuyện với người nhà, bạn bè ở Việt Nam". Chị Bình nói đùa:"Coi như đi nghỉ tại gia".
Đối với những gia đình có con nhỏ, việc nghỉ làm việc tại nhà, hay tạm thời nghỉ việc được nhìn từ góc độ tích cực là cả gia đình có thời gian gần gũi bên nhau, nấu những món ăn công phu, hay làm bánh trái mà lúc bận rộn đi làm, đi học ít có thời gian thực hiện.
Chị Nguyễn Thanh Hương có hai con đang học cấp 1 và 2 vui vẻ kể: "Em phải đi siêu thị đến lần thứ hai mới mua được bột mỳ, trứng, bột nở về để cả nhà cùng làm bánh ngọt. Có nhiều thời gian chơi với con hơn..."
Chị Nguyễn Thị Anh Đào, Tổng thư ký Hội người Việt Nam tại Anh, cho biết trong thời kỳ bệnh dịch này, công ty tư vấn kế toán của chị vẫn làm việc, nhưng chủ yếu làm việc tại nhà, chỉ khi cần gặp khách hàng chị mới lên văn phòng.
Với những chính sách hỗ trợ trả lương của chính phủ, công ty của chị nhận được nhiều cuộc gọi của bà con Việt Kiều hỏi tư vấn về thuế, các quy định mới của chính phủ. Thường ngày đây là một trong những dịch vụ công ty làm thu phí, nhưng những ngày này, chị đã quyết định chỉ giúp tư vấn tận tình đầy đủ và miễn phí cho bà con.
Mọi câu chuyện nào rồi cũng lại quay về với chủ đề "Việt Nam phòng chống dịch bệnh quá giỏi." Chế độ, thăm khám và chữa COVID-19 của Việt Nam khiến nhiều bạn bè người Anh của tôi ở bên này vẫn nói vui: "Ước gì lúc này tôi được ở Việt Nam".
Ở Anh, mọi người đều có quyền khám chữa bệnh miễn phí tại hệ thống y tế công NHS, ngoài ra có thể đóng tiền mua bảo hiểm y tế tư nhân, khám chữa bệnh tư. Tuy nhiên, đối với khám và điều trị bệnh COVID-19 thì thuộc hệ thống y tế công NHS đảm nhiệm. Tháng Ba, lúc thời tiết giao mùa, số người ốm vào viện thường rất đông. Do vậy, bệnh viện NHS trong những ngày này luôn trong tình trạng quá tải.
Chị Dương Hương, một người bị bệnh tiểu đường, tiết lộ hiện ở nhà 100% thời gian vì những người nền bệnh tiểu đường là nhóm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao hơn. Ngoài tuân thủ những hướng dẫn y tế như rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc, trong nhà chị Hương, mọi người đều ăn riêng, bát đĩa rửa riêng, ngủ riêng phòng.
Chị Nguyễn Thị Anh Đào thì không thấy lo lắng quá về dịch bệnh COVID-19 vì ngoài việc chị và gia đình có mua bảo hiểm y tế tư nhân, thì chị còn thường xuyên liên lạc với đại gia đình mình tại Việt Nam, vốn có rất nhiều người làm trong ngành y, nếu cần tư vấn gì, chị luôn gọi điện về Việt Nam để nghe hướng dẫn về thuốc men, các cách phòng chống tăng cường thể lực trong mùa dịch từ các bác sỹ Việt Nam.
Đối với các du học sinh tại Anh, chị Trần Thị Hương Ly, Bí thư Thứ nhất phụ trách công tác giáo dục tại Đại sứ quán Việt Nam tại Anh cho biết chị có danh sách khoảng 1.000 lưu học sinh Việt Nam đang ở Anh và chưa có ai thông báo bị mắc COVID-19. Đại sứ quán cũng đang liên hệ với Bộ Giáo dục Anh và các cơ quan liên quan để đảm bảo quyền lợi cho các lưu học sinh Việt Nam.
Do các trường đại học của Anh đã chuyển từ học tập trung sang học online, nên khá nhiều du học sinh Việt Nam đã về nước và học qua mạng.
Cũng có những lưu học sinh như Phạm Thùy Linh, sinh viên năm thứ nhất Đại học Northampton, quyết định ở lại Anh "vì bố mẹ khuyên ở lại để tập trung học, tránh đi lại lúc này." Linh chia sẻ bài vở học online các thầy cô giao rất nhiều nên cũng khá bận rộn.
Các cửa hàng trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, nhà hàng, quán bar, trường học đóng cửa im lìm.
Các phương tiện công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt... vắng tanh, mọi người lặng lẽ đi lướt qua nhau thật nhanh trên đường phố, hàng hóa nhu yếu phẩm có lúc chỉ được mua hạn chế..., đối với nhiều người Anh, đây là một trải nghiệm "đầu đời" đáng nhớ. Còn với lớp Việt kiều trên 50 tuổi, những ngày này làm gợi nhớ trong họ nhiều ký ức về Việt Nam thời bao cấp, chiến tranh...
Chị Bích Chung, một Việt kiều đã sống ở Việt Nam qua thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ, thì vui đùa nhận xét:
"Thật may mắn được làm nhân chứng lịch sử, về sau thế giới ghi lại về đại dịch năm 2020, nhưng cái kết chắc chắn sẽ không giống như đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918".
Một phút trầm ngâm, chị hồi tưởng:
"Nhớ những ngày thời chiến tranh chống Mỹ ở Hà Nội, đường phố cũng vắng tanh, mọi người trật tự xếp hàng mua thực phẩm tem phiếu, mới đấy mà cũng gần nửa thế kỷ trôi qua... chiến tranh, bệnh dịch, thiên tai, cái vòng luẩn quẩn của thế giới loài người, nhưng sau cơn mưa, trời lại sáng"./.
Nguồn: Diễm Quỳnh/ Vietnam+