Theo truyền thống ở Việt Nam thì người chết nên được chôn cất trong vòng ba ngày, nhưng ong Nguyễn Đình Gia giờ đây vẫn đang chờ xác con trai của mình được trở về nhà.
Ông Nguyễn Đình Gia, bố nạn nhân Nguyễn Đình Lượng.
"Chúng tôi mệt mỏi. Chúng tôi muốn con mình được quay về càng sớm càng tốt, ông Gia nói. Con trai ông, anh Lượng, nằm trong số 39 người Việt Nam chết trong thùng lạnh xe tải ở Anh khoảng ba tuần trước.
Cảnh sát Anh truy tố hai người về tội ngộ sát trong vụ việc. Người trẻ nhất trong số các nạn nhân 15 tuổi. Đa số họ rời bỏ các làng quê nghèo khó nơi quê nhà để đi tìm việc làm ở nước ngoài.
Tại Việt Nam, gia đình của các nạn nhân đang bối rối và đau khổ về cách mà các thi thể sẽ được đưa về nhà.
Tin đồn về chi phí cao lan truyền trên các mạng xã hội, những thông tin mâu thuẫn từ phía chính quyền địa phương và việc báo chí Việt Nam, vốn bị kiểm soát chặt chẽ, phần nào không phơi bày hết tin tức đã gây ra tình trạng bất an hiện nay.
Sáu gia đình nói với Reuters rằng họ trông đợi nhận được xác người thân của mình, nhưng sau đó được công an Việt Nam yêu cầu nhất trí việc hỏa táng.
Tuần trước, ông Gia đã ký giấy để thi thể của Lượng được hồi hương. Nhưng ngay ngày hôm sau, công an khuyên ông chọn cách nhận tro cốt con trai của mình.
"Tôi được cho biết rằng giấy ban đầu, có việc lựa chọn hồi hương thi thể của Lượng, đã không còn hiệu lực", ông Gia nói.
Kiệt sức và mong muốn câu chuyện sớm khép lại, ông Gia đã đồng ý cho thi thể con trai của mình được hỏa táng.
Gia đình của Phạm Thị Trà My đã yêu cầu chính quyền địa phương vô hiệu hóa thỏa thuận của họ về việc hỏa táng cô. Trong giây phút hấp hối, cô My đã gửi tin nhắn qua điện thoại báo cho bố mẹ biết rằng cô không thể thở được.
"Tôi muốn gặp em gái tôi một lần nữa trước khi chúng tôi chôn cất," Phạm Mạnh Cường, anh trai của cô My cho biết.
Đại sứ quán Anh tại Hà Nội cho biết chính phủ Việt Nam đang nỗ lực tìm cách hồi hương hài cốt. Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận.
Khó khăn vận chuyển
Một nghi lễ quan trọng trong đám tang của người Việt là người thân đi vòng quanh thi thể của người quá cố để chào từ biệt lần cuối.
Và đối với hầu hết người dân ở quốc gia Đông Nam Á này, kể cả ở các tỉnh bắc trung bộ như Hà Tĩnh và Nghệ An, nơi mà hầu hết các nạn nhân rời đi trong hành trình chết người, người chết nên được chôn cất trong vòng ba ngày.
"Chúng tôi phải thuyết phục các gia đình chấp nhận việc nhận lại tro cốt dù chúng tôi biết họ mong muốn được nhận lại thi thể, theo truyền thống và tín ngưỡng của Việt Nam," một quan chức cấp cao ở Hà Tĩnh nói với Reuters.
Vì những khó khăn trong hậu cần và sự sắp xếp giữa hai nước, chúng tôi phải đưa ra lựa chọn đó," ông cho biết và yêu cầu ẩn danh vì sự nhạy cảm của vấn đề. Không rõ những khó khăn hậu cần mà quan chức này nói đến là gì.
Các cơ quan truyền thông nhà nước lớn nhất Việt Nam, bao gồm Thông tấn xã Việt Nam (VNA) và báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, suốt tuần nay không hề đưa tin về vụ việc này.
Các nguồn tin từ hai cơ quan truyền thông cho biết họ được chỉ thị từ chính quyền không phỏng vấn gia đình các nạn nhân.
Vấn đề chi phí hồi hương thi thể đã được thảo luận rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Việt Nam, kể cả trong các nhóm Facebook của những người làm việc trong các tiệm nail của người Việt ở Anh, nơi nhiều di dân đến tìm việc.
Một nhóm như vậy đã quyên góp tiền để giúp tài trợ hồi hương thi thể nạn nhân.
Ông Gia nói họ hàng cho hay họ đã xem các bài đăng trên mạng xã hội trích dẫn các mức giá lên tới 1,2 tỷ đồng (52.700 đô la) để hồi hương thi thể.
"Công an không đề cập đến bất kỳ chi phí nào khi họ đến thăm," ông Gia nói. "Họ chỉ thuyết phục chúng tôi rằng sẽ tốt hơn nếu mang tro cốt trở về vì rất khó để chuyển thi thể từ Anh về Việt Nam trong quan tài."
Nguồn: VOA