Đoạn ghi âm lời nhắn cuối cùng của nhiều nạn nhân gửi về cho gia đình đã được bật tại Tòa án Anh trong ngày xét xử 7/1 vừa qua.
Gheorghe Nica (trái) và Eamonn Harrison (phải) có khả năng phải chịu án chung thân
Vụ án 39 người Việt Nam tử vong trong container khi vượt biên trái phép vào nước Anh đang được Tòa án hình sự Trung ương ở Thủ đô London tiến hành xét xử. Dự kiến Thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng cho các bị cáo trong 3 ngày tới.
Các bị cáo được đưa ra xét xử bao gồm: Eamonn Harrison và Gheorghe Nica bị đề nghị tội ngộ sát và tiếp tay cho hoạt động nhập cư bất hợp pháp. Christopher Kennedy, Maurice Robinson và Ronan Hughes bị đề nghị tội tiếp tay cho hoạt động nhập cư bất hợp pháp.
Bản án tối đa cho tội buôn người là 14 năm tù, còn tội ngộ sát có thể là án chung thân.
Vào ngày 7/1, Tòa án đã bật lại đoạn băng ghi âm những lời trăn trối, tạm biệt cuối cùng mà các nạn nhân gửi về cho gia đình trước lúc chết.
Theo phóng viên có mặt tại buổi xét xử, có thể nghe thấy rõ tiếng rên rỉ, hơi thở gắt hổn hển yếu đuối và tiếng khóc của các nạn nhân trong đoạn ghi âm gốc. Các bị cáo đều gục đầu hoặc nhắm mắt khi lắng nghe.
Đầu tiên là lời nhắn của một nạn nhân (anh N.T.T.) tới vợ con được gửi đi lúc 19:37 tối 22/10/2019: "T. đây, anh xin lỗi. Anh không chăm sóc mẹ con em được nữa. Anh xin lỗi. Anh không thở được. Anh phải đi rồi. Mẹ con em phải sống cho thật tốt nhé".
Trong một đoạn tin nhắn thoại khác lúc 20:02, một người đàn ông nói xin lỗi bố mẹ và từ biệt "Con phải đi đây". Người này nói xong không tắt máy mà một lúc sau nghe thấy tiếng nói nhỏ khác: "Anh ấy chết rồi".
Ngoài ra trong đoạn ghi âm còn có thể nghe thấy giọng nói vang từ bên ngoài được cho là mọi người cố gắng trấn an nhau: "Mọi người cố lên. Mở cửa ra, mở ra".
Sau đó, chính công tố viên Jonathan Polnay đã tự mình phiên dịch lại những lời trăn trối sang tiếng Anh cho cả phiên tòa nghe.
Công tố viên cho biết những người bên trong container đã cố gắng hết sức để báo động bên ngoài và thậm chí còn dùng một cây sào để chọc xuyên qua nóc container. Nguyên nhân cái chết của 39 nạn nhân đều được xác định là do nhiệt độ bên trong quá nóng.
Hình ảnh hiện trường cho thấy các nạn nhân đã dùng sào để phá nóc cố gắng thoát ra ngoài (Ảnh: PA)
Theo tài liệu của cơ quan công tố, ngày 19/10/2019 bị cáo Eamonn Harrison đã lái chiếc xe container có 39 người Việt Nam bên trong đến cảng Zeebrugge của Bỉ. Container sau đó được đưa lên một chiếc phà tới Anh.
Tại Anh, container được bị cáo Maurice Robinson đưa đến một khu công nghiệp ở hạt Essex vào sáng sớm 23/10/2019 (giờ Anh) trước khi phát hiện những người bên trong container đều đã tử vong.
Tài xế xe tải Maurice Robinson cũng đã trì hoãn việc báo cảnh sát khi anh ta phát hiện ra các thi thể. Thay vào đó, anh ta đã liên lạc với Hughes và Nica trước. Hughes nhắn: "Hãy cho họ không khí, nhưng không được để họ ra ngoài". Robinson trả lời: "Tôi không thể, bọn họ đã chết rồi." Sau đó, Robison đã vứt SIM điện thoại của mình xuống cống và vứt điện thoại xuống đường.
CCTV ghi lại hình ảnh của tài xế Robinson vào rạng sáng 23/10/2019
Trong cuộc trả lời chất vấn với cảnh sát, Robinson thừa nhận anh ta biết mình đang buôn lậu người di cư và khẳng định trong quá trình hôm đó đã dừng lại ở Đại lộ phía Đông một lúc vì "muốn đảm bảo những người bên trong cảm thấy thoải mái".
Công tố viên Jonathan Polnay phát biểu khi luận tội: "Những bị cáo này tham gia vào một âm mưu tinh vi, lâu dài và có lợi nhuận để buôn lậu người di cư (trong đó chủ yếu là người Việt Nam) sang Vương quốc Anh qua đường xe tải chở hàng, vi phạm có chủ ý luật kiểm soát biên giới". Cơ quan điều tra cũng đã tổng kết và xác định được 6 chuyến buôn lậu người khác mà đường dây này đã thực hiện trước đó, bắt đầu từ tháng 5 năm 2018.
Mức phí mỗi người di cư trái phép phải trả cho đường dây tội phạm là từ 10.000 đến 13.000 bảng Anh (trên 300 triệu cho đến hơn 400 triệu VNĐ). Tài xế Robinson cho biết mình được chia 1.500 bảng Anh cho mỗi người di cư mà anh ta vận chuyển thành công.
Nguồn: Doanh nghiệp và Tiếp thị