Ấn vàng ‘Hoàng đế chi bảo’, biểu tượng của vương quyền và là bảo vật truyền đời của các vị vua triều Nguyễn, sắp sửa được đưa ra bán đấu giá sau thời gian dài lưu lạc và chính quyền Việt Nam đang tìm cách thu hồi.

1 An Vang Vua Minh Mang Ban Dau Gia O Phap Viet Nam Tim Cach Thu Hoi

Chiếc ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' được Vua Minh Mạng cho đúc vào năm 1823, đến nay cũng đã được gần 200 năm

Chiếc ấn này được hãng đấu giá Millon đưa ra bán đấu giá ở Paris, Pháp, vào ngày 31/10 với giá khởi điểm từ 2 đến 3 triệu euro, tức khoảng từ 48 tỉ đến 72 tỉ đồng tiền Việt Nam, theo thông tin mà hãng đấu giá này loan báo trên trang web của họ.

Thông tin của Millon cũng cho biết là chiếc ấn làm bằng vàng ròng, cân nặng 10,78 kg với chiều cao 10,4 cm, chiều dài 13,8 cm và chiều rộng 13,7 cm. Bốn chữ Hán theo lối chữ triện được khắc trên mặt ấn là ‘Hoàng đế chi bảo’, có nghĩa là ‘bảo vật của Hoàng đế’.

Đây là chiếc kim ấn được cho là lớn nhất, đẹp nhất và quan trọng nhất của triều Nguyễn, được vua Minh Mạng cho đúc vào năm Minh Mạng thứ Tư (năm 1823), và kể từ đó đã được truyền qua các đời vua nhà Nguyễn từ Minh Mạng cho đến Bảo Đại.

Theo hình ảnh được nhà đấu giá đăng tải, thì mặt ấn hình vuông, chuôi ấn khắc họa hình rồng cuộn với đầu ngẩng lên và đuôi nhô cao. Cho đến nay nó đã có tuổi đời gần tròn 200 năm.

‘Bảo vật quý giá nhất’

Trao đổi với VOA từ Huế, ông Nguyễn Đắc Xuân, nhà nghiên cứu về Huế và triều Nguyễn và là Chủ tịch Hội Nghiên Cứu và Phát Triển Di Sản Văn Hóa Huế, nói với VOA ông không tận mắt nhìn thấy hiện vật được Millon đưa ra đấu giá ‘nên không biết là thật hay giả’.

“Nhưng một khi hãng đã đưa ra đấu giá thì chắc nó phải là hàng thật,” ông nói thêm và cho biết ông đã theo dõi chiếc ấn này ‘mấy chục năm nay’.

Theo lời ông thì chiếc ấn này có ý nghĩa vì nó được đúc vào thời vua Minh Mạng, thời kỳ chế độ quân chủ Việt Nam hùng mạnh nhất với cương vực lãnh thổ lớn nhất, hoàn chỉnh nhất. “Chế độ quân chủ Việt Nam từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê cũng có ấn tín nhưng lúc đó họ cai trị chỉ có một nửa lãnh thổ Việt Nam hiện nay,” ông giải thích.

“Đối với tôi, chiếc ấn đó có thể nói là báu vật quý giá nhất của dân tộc Việt Nam trong quá khứ, vì nó là đại diện cho triều đại nhà Nguyễn 143 năm,” ông Xuân nói với VOA.

Và đối với chính quyền hiện nay của Đảng Cộng sản, nhà nghiên cứu này chỉ ra rằng chiếc ấn cũng ‘rất có giá trị’. Chiếc kim ấn cùng với thanh bảo kiếm là hai tín vật mà Vua Bảo Đại đã trao lại cho ông Trần Huy Liệu, đại diện của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại Huế vào cuối tháng 8 năm 1945 khi ông tuyên bố thoái vị để làm ‘dân một nước độc lập’.

“Việc trao ấn, kiếm đó cho thấy chính quyền cách mạng Việt Nam được nhà Nguyễn trao lại quyền lãnh đạo, điều hành đất nước,” nhà nghiên cứu này phân tích.

Về giá trị nghệ thuật, ông Xuân cho rằng chiếc ấn được làm ra dưới thời Minh Mạng, thời kỳ mà trình độ mỹ thuật, thủ công của người Việt ở kinh đô Huế là ‘bậc nhất’.

Hành trình lưu lạc

Ông Xuân đã từng qua Pháp gặp bà Bùi Mộng Điệp, thứ phi của cựu hoàng Bảo Đại, vào năm 1996 và được bà kể lại về hành trình lưu lạc ly kỳ của chiếc ấn vàng này.

Bà Mộng Điệp chính là người đi cùng Đức Từ (Thái hậu Từ Cung– thân mẫu Vua Bảo Đại) từ Huế lên Đà Lạt vào năm 1952 để đại diện Cựu hoàng (khi đó đang ở bên Pháp) nhận bàn giao lại ấn, kiếm từ tay người Pháp.

Trước đó, ấn và kiếm được người Pháp tìm thấy chôn giấu ở một ngôi chùa cổ ở ngoại thành Hà Nội khi họ đưa quân trở lại Việt Nam vào cuối năm 1946 khiến quân kháng chiến phải rút lên Việt Bắc. Chúng được tìm thấy khi quân Pháp phá chùa lấy gạch xây đồn, theo lời Tiến sỹ Phan Thanh Hải, giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Thừa Thiên-Huế được tờ Thanh niên dẫn lại.

Khi được người Pháp liên hệ để nhận lại ấn, kiếm, bà Mộng Điệp nói ‘bà không có tư cách vì chỉ là thứ phi không chính thức’, nên bà mới mời Đức Từ từ Huế lên để nhận lại.

Cũng theo lời kể của bà Mộng Điệp thì ấn, kiếm được bỏ trong thùng dầu hỏa, thanh kiếm bị bẻ làm đôi để cho vừa với thùng. Sau khi nhận lại, bà đã đem kiếm đi hàn lại như lúc ban đầu, ông Xuân cho biết.

Bà Từ Cung sau đó đã đem ấn, kiếm về Biệt điện Bảo Đại ở Ban Mê Thuột để cất giữ. Khi Cựu hoàng Bảo Đại về nước, ông có xác nhận đó chính là ấn, kiếm của ông, cũng theo lời ông Nguyễn Đắc Xuân.

Đến năm 1953, do chiến tranh, điều kiện trong nước không cất giữ được nên bà Mộng Điệp nhận lệnh Bảo Đại đem bảo vật sang Pháp. Do bà có hai con trai với Bảo Đại, bà mới bàn giao lại cho Hoàng hậu Nam Phương, khi đó cũng ở Pháp, vì không muốn bị nói ‘có ý đồ xấu’.

Sau khi Hoàng hậu Nam Phương qua đời, bảo vật rơi vào tay Hoàng Thái tử Bảo Long. Chính vì vậy mà ‘đã xảy ra những chuyện đau khổ với Bảo Đại ghê lắm’, ông Xuân nói và chỉ ra việc Bảo Long không cho thân phụ mượn chiếc ấn để đóng dấu vào cuốn sách ‘Le Dragon d’Annam’ của ông và những chuyện kiện tụng sau đó giữa hai cha con.

“Không biết kiện cáo ra sao mà cái ấn sau đó rơi vào tay bà Monique Baudot (người vợ sau cùng của Bảo Đại,” ông Xuân nói. Theo lời ông Hải nói trên Thanh niên thì trước khi qua đời vào năm 1997, Bảo Đại đã có di chúc để lại toàn bộ tài sản, bao gốm chiếc ấn vàng, cho bà Baudot

Đến năm 2021, bà Baudot qua đời và đến tháng 10 năm 2022, chiếc ấn được mang ra đấu giá.

‘Bằng mọi cách phải lấy về’

Ông Xuân nói khi được tin chiếc ấn được đưa ra bán đấu giá, ông ‘rất bức xúc’.

“Tôi đang vận động bà con trong và ngoài nước phải lên tiếng cực kỳ phản đối chuyện này và đề nghị chính quyền Việt Nam tìm cách thu hồi lại quốc ấn,” ông nói.

Theo ý kiến của ông thì chính quyền Việt Nam phải ‘dùng tổng hợp mọi phương cách, từ pháp lý, ngoại giao, làm áp lực cho đến đàm phán để phía Pháp ngưng bán đấu giá và cho phép phía Việt Nam thương lượng để mua lại.

“Một việc quan trọng như vậy thì người Việt có thể đóng góp vô, nhất là Nguyễn Phước tộc (hậu duệ nhà Nguyễn), ông nói. “Phải làm nhanh trong tuần này vì đến khi họ gõ búa rồi thì hết cứu vãn.”

Tờ Lao Động dẫn lời ông Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam hiện sống ở Huế, cho biết có hai thành viên trong dòng họ đã ‘xoay sở được chừng 1 - 2 triệu đô la để mua lại chiếc ấn’.

Ông Nam nói Nguyễn Phước tộc muốn mua lại chiếc ấn thông qua con đường thương lượng thay vì đấu giá và đã liên hệ với Đại sứ Việt Nam ở Pháp là ông Đinh Toàn Thắng để nhờ ông giúp đỡ.

Trong khi đó, chính quyền Việt Nam cũng đã vào cuộc. Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch đã có công văn nhờ Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán ở Pháp làm việc trực tiếp Millon để xác minh nguồn gốc và tính hợp pháp của cổ vật, trang mạng Zing đưa tin, yêu cầu họ ngừng đấu giá vào thăm dò khả năng họ cho Việt Nam mua lại với giá thấp hơn đấu giá.

Về phần mình, vào ngày 24/10, ông Nguyễn Đắc Xuân đại diện cho Hội Nghiên Cứu và Phát Triển Di Sản Văn Hóa Huế, đã viết thư gửi cho ông Jean Gauchet, giám định viên cổ vật châu Á của hãng Millon, yêu cầu hủy bỏ buổi bán đấu giá sắp tới.

“Bảo vật quốc gia của bất kỳ quốc gia nào đều bị cấm chuyển nhượng, kể cả việc bán đấu giá công khai,” ông nêu trong thư và để ngỏ khả năng nhờ Interpol can thiệp.

Cũng được Millon đem ra đấu giá cùng với chiếc ấn là một chiếc bát ngự dụng bằng vàng chạm khắc hình rồng có từ thời vua Khải Định với giá khởi điểm là 20.000 - 25.000 euro.

Nguồn: VOA