Mới đây, ca sĩ Hồ Hiền bị một trường đại học ở TPHCM hủy show, xóa tên khỏi danh sách khách mời vào phút chót sau khi đã quảng bá rầm rộ. Trước đó, khi Hiền Hồ và hình ảnh của cô được giới thiệu là khách mời trong chương trình của trường khơi mào cho cơn bão phản đối dữ dội của sinh viên và cả cộng đồng mạng.
Một trường học ở TPHCM hủy show của ca sĩ Hiền Hồ ở phút chót vì gặp phải phản ứng của cộng đồng.
Bởi hình ảnh của cô gái trẻ giờ đây được nhớ đến là một "tiểu tam" trong vụ bê bối "anh em nương tựa", cặp kè với người đàn ông U60 đã có vợ, con hơn là một ca sĩ nhiều tiềm năng. Cơ hội quay trở lại của cô ca sĩ trẻ vô cùng khó khăn sau bê bối đời tư.
Cô có thể hát ở phòng trà, quán bar nhưng bị "chặn đứng" với số đông công chúng. Nhiều khán giả không chấp nhận người nghệ sĩ là một cô gái góp phần phá hoại hạnh phúc gia đình người khác.
Câu chuyện của Hồ Hiền cũng là hình ảnh của không ít cô gái trẻ hiện nay. Nhiều cô gái sẵn sàng làm "sugar baby" (con gái nuôi) cho những người đàn ông lớn tuổi đã có vợ con, gia đình. Họ bất chấp việc mình đang góp phần phá hoại gia đình người khác, bất chấp tương lai của chính mình. Thậm chí, không ít "tiểu tam" còn bao biện "mình chỉ cặp kè thôi, không định "cướp chồng, không phá hoại hạnh phúc người khác".
Đó cũng là hình ảnh nhức nhối về những người đàn ông vẻ ngoài đạo mạo, gia đình đủ đầy, sự nghiệp rộng mở... che đậy lối sống buông thả.
Khi mối quan hệ "cha nuôi - con nuôi" đổ bể, biết bao cô gái bị đánh ghen, lột đồ ê chề nhục nhã. Tiếp đó là công việc và hạnh phúc tương lai đều bị ảnh hưởng. Nói như một chuyên gia trẻ em ở TPHCM, một cô gái bước vào mối quan hệ với người đàn ông đã có vợ con không chỉ có lỗi với vợ con của người tình mà còn bất công với chính người chồng trong tương lai của mình.
Từ sự việc Hiền Hồ bị "phong sát", nhiều người cũng đặt vấn đề, trong một mối quan hệ sai trái, mọi người dìm người phụ nữ đến tận cùng, còn người đàn ông không còn ai nhớ mặt đặt tên. Phải nói đó là một thực tế, một biểu hiện của bất bình đẳng giới tồn tại từ lâu đời. Trong mọi việc sai trái, đàn ông thường được "thông cảm", được "chừa đường lui" hơn là phụ nữ.
Hầu hết các cuộc ngoại tình, phụ nữ gánh hết tội với đủ bùa rìu dao kiếm nhắm thẳng vào mình với hàng loạt tấn công, chỉ trích... Ngay cả người vợ, dư luận cũng tấn công nhiều hơn là "phán xét" người chồng. Nhiều người vợ còn cho rằng chồng mình vô tội, là nạn nhân khi bị kẻ thứ ba lôi kéo, dụ dỗ.
Vậy nên không khó hiểu khi sau một vụ ngoại tình, người đàn ông thường vẫn có thể trở về nhà, được vợ tha thứ và tiếp tục một cuộc sống bình thường. Còn phía bên kia, người phụ nữ có thể mất tất cả từ gia đình đến sự nghiệp với đủ lời phỉ nhổ.
Đàn ông có nhiều cơ hội như vậy, còn các cô gái là "tiểu tam", họ có đường lùi? Thạc sĩ tâm lý Trần Quỳnh Anh (TPHCM) cho hay, tất cả mọi người đều có cơ hội cho việc làm của mình sau khi trả giá đủ.
Trả giá ở đây có thể là trả giá về mặt pháp luật, trả giá về cả dư luận cũng như lương tâm. Các cô gái sau những vụ việc cặp kè với người có vợ bị lộ tẩy sẽ phải trả những cái giá đắt như vậy.
"Đặc biệt, cái giá về mặt dư luận giờ đây rất kinh khủng, trong thời đại của công nghệ, của mạng xã hội", ThS Trần Quỳnh Anh nói.
ThS.Trần Quỳnh Anh cũng đề cập đến vấn nạn "lối sống dễ dãi". Những cô gái dễ dàng đánh đổi bản thân mình vì nhu cầu vật chất. Những người đàn ông đã có vợ con dễ dãi buông thả trong việc cặp với các cô gái trẻ vì ham muốn thể xác. Họ đã thản nhiên đạp trên pháp luật, trên đạo đức, trên sự tự tôn, tự trọng cơ bản của con người, bỏ lại gia đình, con cái phía sau... Và chính họ phải trả giá cho những việc mình đã làm, mình đã lựa chọn!
Và thay vì mong chờ bình đẳng "đàn ông cũng phải bị lên án", theo bà Quỳnh Anh, chúng ta cần giáo dục con gái hãy bảo vệ mình, biết từ chối với những mối quan hệ thiếu lành mạnh, có bản lĩnh "nói không" trước những cám dỗ. Trước hết, chính mình đừng tự đẩy mình vào đường cùng. Và cũng không được quên dạy dỗ các bé trai về trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình, của người chồng, người bố...
Nguồn: Báo điện tử Dân trí