Anh Vũ Tuấn Dũng đầu tư khoảng 20 triệu đồng để học ngoại ngữ ở trung tâm. Anh chủ yếu tự học, thạo bốn thứ tiếng Anh, Nhật, Pháp, Trung.

1 Cach Hoc Ngoai Ngu Cua Nguoi Dan Ong Thao 4 Thu Tieng

Anh Vũ Tuấn Dũng sở hữu bộ sưu tập chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh: IELTS 8.5; tiếng Nhật: JLPT N2; tiếng Trung: HSK 4 và tiếng Pháp với bậc cao nhất DALF. (Nguồn ảnh: NVCC)

Anh Vũ Tuấn Dũng, 42 tuổi, ở TP.HCM, sở hữu bộ sưu tập chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh: IELTS 8.5; tiếng Nhật: JLPT N2; tiếng Trung: HSK 4 và tiếng Pháp với bậc cao nhất DALF. Hiện, anh công tác tại Tổng lãnh sự quán Canada tại TP.HCM.

Kể về quá trình học ngoại ngữ, anh Dũng cho biết với xuất phát điểm là học sinh dốt tiếng Anh, anh chỉ thực sự bắt đầu học ngoại ngữ này khi 13-14 tuổi. Thời điểm đó, anh được các thầy, cô tại một trung tâm ngoại ngữ truyền cảm hứng học tiếng Anh.

Giỏi 3 ngoại ngữ trước năm 30 tuổi

Trước năm 30 tuổi, với niềm đam mê học ngoại ngữ, anh thi đạt các chứng chỉ của 4 thứ tiếng gồm: IELTS 8.0 tiếng Anh, DALF tiếng Pháp (cấp cao nhất của tiếng Pháp trước đây), JLPT N2 tiếng Nhật, và bằng A tiếng Trung.

10 năm sau, anh Dũng du học, lập gia đình và chăm sóc con nhỏ. Thời điểm đó, anh cũng có những ưu tiên khác nên không còn thời gian học ngoại ngữ.

Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, khi các con đã lớn, người đàn ông này sắp xếp thời gian để tiếp tục niềm đam mê học ngoại ngữ của mình. Trong năm 2021, anh có chứng chỉ IELTS 8.5, tiếng Trung với trình độ HSK 4. Anh đặt mục tiêu trong năm 2022 chinh phục cấp cao nhất của tiếng Trung là HSK 6 và tiếng Nhật là JLPT N1.

Anh Dũng khuyên trước khi bắt đầu chinh phục một ngoại ngữ, đầu tiên, người học nên tìm hiểu kỹ về ngôn ngữ đó, ví dụ thuận lợi, khó khăn khi học, nguồn tài liệu, những trung tâm dạy tốt.

Thứ hai, người học phải xác định rõ mục đích mình chọn ngôn ngữ này. Động lực càng mạnh mẽ, mình càng kiên trì theo đuổi.

Thứ ba là có mục tiêu rõ ràng. Ví dụ mình muốn thi đạt trình độ cao nhất của ngôn ngữ này trong vòng 3 năm.

Thứ tư là có lộ trình cụ thể để đạt mục tiêu đó. Ví dụ trong năm đầu tiên, mình sẽ học những giáo trình, xem chương trình truyền hình nào, năm tiếp theo thì thế nào.

Thứ năm là hãy kỷ luật với bản thân, tạo cho mình thói quen học ngoại ngữ thường xuyên, tốt nhất là dành thời gian nhất định học mỗi ngày.

Thứ sáu là hãy biến việc học ngoại ngữ thành hoạt động yêu thích hoặc gắn liền sở thích của bạn. Ví dụ, mỗi ngày, ngoài học giáo trình chính thống trong khoảng một giờ, bạn xem phim, các chương trình truyền hình hay YouTube có phụ đề, nghe nhạc, tham gia hội chơi thể thao hay nhóm trao đổi ngôn ngữ với người bản xứ, rủ một người bạn thân cùng học.

Thứ bảy là hãy nắm thật chắc bộ âm (IPA) của ngôn ngữ đó và luyện nghe, nói mỗi ngày, ngay từ bài học vỡ lòng đầu tiên. Thạo 4 ngoại ngữ, anh Dũng cho biết mình mất khoảng 20 triệu đồng học phí. Anh thường học những kiến thức cơ bản ở trung tâm dạy ngoại ngữ sau đó bắt đầu tự học tại nhà.

Luyện nói tại nhà như thế nào?

Người đàn ông thạo 4 thứ tiếng chia sẻ vì tự học là chủ yếu, không có thầy, cô giáo kèm cặp, anh yếu nhất kỹ năng nói. Tuy nhiên, trong quá trình học, anh đã tìm ra những cách tự luyện nói hiệu quả. Anh áp dụng 3 phương pháp và 2 lưu ý.

Lưu ý thứ nhất là hãy bắt chước nói thật giống những gì mình nghe được. Đối với việc học ngoại ngữ, kỹ năng bắt chước đóng vai trò quan trọng.

Thứ hai, tập suy nghĩ trực tiếp bằng ngoại ngữ bạn học thay vì nghĩ bằng tiếng Việt trước, sau đó mới dịch ra ngoại ngữ. Việc nghĩ trực tiếp sẽ giúp bạn nói nhanh và tự nhiên hơn.

Phương pháp luyện nói thứ nhất là nghe và lặp lại gồm có 4 bước. Đầu tiên cần đọc kỹ tài liệu chuẩn bị nghe để hiểu nội dung, nó có thể là từ vựng, đoạn hội thoại, bài thuyết trình, miễn là có tài liệu nghe đi kèm.

Bước 1, nghe thật kỹ, chú ý từng chi tiết nhỏ nhất. Ví dụ với tiếng Anh thì cần chú ý các âm cuối, nhấn từ (trọng âm), nhấn câu (sentence stress), ngữ điệu, giọng nói… Người học nên nghe nhiều hơn một lần để thật thành thạo ở bước này.

Bước 2, nghe đồng thời nhìn lời thoại, tạm dừng lại sau mỗi câu và nói lặp lại, cố gắng bắt chước nói càng giống càng tốt kể cả ngữ điệu và giọng nói. Mỗi khi lặp lại, bạn nên hình dung hình ảnh trong đầu liên quan câu để đảm bảo mình thực sự hiểu ý nghĩa của những gì đang nói, chứ không chỉ đơn thuần là lặp lại.

Bước 3, nghe và lặp lại, không nhìn lời.

Phương pháp 2, thay vì tạm dừng bài nghe sau mỗi câu để lặp lại, ta không dừng bài nghe mà cố gắng nói đuổi theo. Phương pháp này gọi là nói đuổi, tiếng Anh gọi là “shadowing”. Phương pháp này gồm 2 bước:

Bước 1 vừa nghe, vừa nhìn lời thoại hoặc phụ đề rồi nói đuổi theo. Nếu trình độ khá cao, bạn có thể bỏ qua bước này.

Bước 2 vừa nghe vừa nói đuổi theo và không nhìn lời thoại hay phụ đề. Hãy bỏ qua những chỗ không nghe kịp (nếu có) cố gắng nói theo. Nói đuổi có vẻ khó nhưng trình độ nào cũng luyện được, quan trọng là bạn dùng tài liệu nghe phù hợp với trình độ.

Hai phương pháp trên đều dựa trên nguyên tắc nghe và bắt chước người bản xứ nói và nói lại cho thật giống, không giới hạn ở sách vở hay giáo trình. Bạn có thể xem các chương trình có phụ đề để luyện nói theo.

Phương pháp 3 là nghe và hát các bài yêu thích. Anh Dũng chia sẻ: “Mặc dù hát và nói là hai lĩnh vực có vẻ ít liên quan nhau, mình để ý những bạn nào hát tiếng Anh hay thường phát âm tốt và khi nói thì ngữ điệu và chất giọng cũng hay. Có lẽ do các bài hát thường dễ nghe, dễ nhớ và dễ giúp chúng ta cảm nhận được cái hồn của ngôn ngữ đó”.

Theo kinh nghiệm của anh Dũng, tập hát những bài nhạc chậm như pop một phần nào đó bổ trợ cho việc phát âm chính xác. Hát các bài nhạc nhanh như rap hỗ trợ cho việc luyện nói mượt mà, lưu loát.

Đối với việc ôn thi chứng chỉ ngoại ngữ, anh Dũng khuyên người học nên dành nhiều thời gian và công sức để học tập và tích lũy kiến thức một cách bài bản, căn cơ từ các giáo trình tổng quát, chương trình yêu thích trên YouTube, các bộ phim trên Netflix, những quyển truyện, bài báo, trước khi luyện thi chứng chỉ.

Trong thời gian luyện thi, người học có thể làm thử các đề mẫu, làm quen bố cục, yêu cầu, cách chấm điểm của bài thi. Năm 2006, Anh Dũng thi IELTS lần đầu, mặc dù tự luyện thi khá sơ sài, với nền tảng kiến thức vững, anh vẫn đạt 8.0.

Người đàn ông này tâm niệm học thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời. Mỗi lần học một ngôn ngữ mới đều có cảm giác giống như bước vào một cuộc phiêu lưu – thế giới mới. Không đơn thuần chỉ là học về ngôn ngữ, hành trình đó giúp mình hiểu về những nền văn hóa khác, những đất nước – con người khác với lối suy nghĩ, cách nhìn khác.

Ngôn ngữ thường được dạy bằng cách lồng ghép vào các lĩnh vực khác nhau nên vô hình chung quá trình học cũng giúp mở rộng kiến thức của mình trong những lĩnh vực khác.

Sở thích học ngoại ngữ còn giúp những sở thích khác của anh như xem phim, nghe nhạc có nhiều lựa chọn hơn và thưởng thức được trọn vẹn hơn. Học nhiều ngoại ngữ cũng phần nào giúp chúng ta trở nên đồng cảm, vị tha và cởi mở hơn với những sự khác biệt.