Các quốc gia trên khắp hành tinh đang dần “xoay trục” chính sách của mình trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Tiêu diệt virus giờ đây không còn là chiến lược, thay vào đó ưu tiên, nhiều nhà lãnh đạo hy vọng vào một kết quả “hòa”.
Chiến lược “rút lui” đang được báo hiệu trên khắp thế giới, từ Washington, Mỹ cho đến Pretoria, Nam Phi hay Canberra, Australia. Ngày nay, chỉ còn rất ít quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc, vẫn còn theo đuổi chính sách “Zero Covid-19”.
Cụm từ thường xuyên được nghe thấy nhiều nhất hiện nay là “sống chung với virus” – quan điểm được các quan chức hoan nghênh, đặc biệt trong bối cảnh người dân đã dần kiệt sức trước thách thức và sự gián đoạn khi đại dịch bước sang năm thứ 3.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cảnh báo mọi thứ có thể mất cân bằng và dẫn đến những tác động tiêu cực trở lại, theo Washington Post.
Hành khách phải trình chứng nhận tiêm chủng khi vào một nhà ga ở Chennai, Ấn Độ. Ảnh: AFP. |
Các nhà dịch tễ học cho biết chiến lược sống chung với virus đánh giá thấp những nguy hiểm do Omicron gây ra.
“Với tôi, khái niệm học cách sống chung có nghĩa là đầu hàng, từ bỏ”, nhà dịch tễ học Maria Van Kerkhove của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.
Nhà virus học Angela Rasmussen của Đại học Saskatchewan cũng lo ngại rằng mọi người đang nới lỏng các biện pháp phòng ngừa quá sớm.
“Tôi hiểu cảm giác muốn nói: ‘Tôi từ bỏ, quá nhiều ca mắc’. Hai năm vừa qua con người đã phải đối mặt với quá nhiều thách thức, mọi người đều phát ngán với nó”, bà cho biết. “Nhưng điều này không có nghĩa là con người thua cuộc”.
Không chủ quan
WHO chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu vào ngày 30/1/2020. Hai năm sau, đại dịch Covid-19 đã giết chết hơn 5,5 triệu người, và vẫn đang tiếp tục hoành hành.
Nhưng tình huống không còn giống như trước khi con người đã có “vũ khí” để chống lại virus, bao gồm vaccine. Bản thân virus và căn bệnh mà nó gây ra giờ đây đã quá quen thuộc, không còn gợi lên sự sợ hãi như thuở ban đầu.
Mặc dù không một nhà lãnh đạo quốc gia nào nói rằng đã đến lúc từ bỏ cuộc chiến với virus, giọng điệu của họ đã thay đổi. Không còn sử dụng những cụm từ như “đánh bại, nghiền nát”, SARS-CoV-2 đã trở thành một phần của thế giới, một “quần thể” virus có thể lây nhiễm sang người, hươu, nai, chồn, chuột và tất cả loại động vật có vú.
Nhiều quốc gia vẫn áp đặt các yêu cầu về khẩu trang, quy định tiêm chủng và hạn chế đi lại. Nhưng rất ít nhà lãnh đạo trong các nền xã hội dân chủ còn lựa chọn các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan. Ngay cả khi biến chủng Omicron với khả năng lây lan nhanh xuất hiện, thế giới cũng không quay lại tình trạng phong tỏa như mùa đông 2020 – khi mục tiêu hàng đầu vẫn là ngăn chặn sự lây lan của virus bằng mọi cách.
Thế nhưng, điều này cũng đi kèm với những cái giá nhất định
Australia, nước từng được ví như “pháo đài” Zero Covid-19” nhưng đã lựa chọn chính sách nới lỏng trong những tuần gần đây, là một ví dụ.
Các nhà lãnh đạo quốc gia và tiểu bang đã có một thỏa thuận rằng các biện pháp nghiêm ngặt sẽ kết thúc khi 80% dân số đủ điều kiện tiêm chủng. Nước này đã đạt được ngưỡng đó từ nhiều tháng trước và hiện hơn 90% dân số đủ điều kiện đã tiêm vaccine.
Thế nhưng, các nhà lãnh đạo phe đối lập và một số chuyên gia đã chỉ trích chiến lược mà họ gọi là “buông xuôi”.
“Quyết định loại bỏ các hạn chế ngay khi số ca nhiễm Omicron tăng đã khiến chúng tôi phải trả giá đắt”, báo cáo từ nhóm chuyên gia độc lập OzSAGE cho biết.
“Chiến lược ‘buông xuôi’ và thuyết ‘thua cuộc’ rằng ‘rồi tất cả chúng ta đều sẽ mắc’ bỏ qua thực tế về những nguy cơ mà nhóm dễ tổn thương nhất trong xã hội phải đối mặt”, theo báo cáo.
Biến chủng Omicron bắt đầu lây lan mạnh tại Australia từ giữa tháng 12/2021. Ảnh: Reuters. |
Truyền thông Australia cho rằng nếu chính phủ tiếp tục không hành động, số ca mắc mới mỗi ngày ở nước này có thể chạm mốc 200.000.
Mô hình dự đoán của Viện Doherty ước tính số người nhập viện điều trị Covid-19 có thể lên đến 4.000 ca mỗi ngày, đồng thời khoảng 8.000-10.000 bệnh nhân sẽ cần được chăm sóc đặc biệt.
Hiểu sai khái niệm “đặc hữu”
Một số chuyên gia nhận định độc lực của Omicron nhẹ hơn so với các chủng virus trước. Trong kịch bản lý tưởng, làn sóng dịch do chủng mới gây ra có thể giúp một lượng lớn dân số đạt được miễn dịch tự nhiên, và ít bị tổn thương hơn trước các đợt dịch khác trong tương lai. Đây có thể là làn sóng dịch lớn cuối cùng. Mặc dù, virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại nhưng sẽ ít nguy hiểm hơn.
Nhưng đây không phải lý do để các nhà lãnh đạo chủ quan. Thế giới có thể phải chứng kiến những kịch bản tồi tệ hơn nhiều khi các nhà khoa học chỉ ra rằng họ không biết khả năng miễn dịch đạt được sau khi nhiễm Omicron kéo dài bao lâu.
Trong khi đó, virus vẫn tiếp tục biến đổi. Thậm chí, một số nhà virus học cảnh báo trái ngược với những gì được dự đoán, virus có thể sẽ không tiến hóa một cách dễ dàng theo hướng gây bệnh nhẹ hơn.
Nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu, bao gồm cả ở Mỹ và các nước châu Âu, đang tập trung vào tiêm chủng như là chìa khóa để giảm thiểu tác động của đại dịch, cũng như tỷ lệ các ca bệnh nặng.
Tuy nhiên, họ lại dường như bỏ quên tầm quan trọng của việc ngăn chặn lây nhiễm khi nới lỏng các biện pháp hạn chế.
“Nếu chúng ta hoàn toàn để mọi thứ cứ thế diễn ra và cho phép virus Omicron lây lan theo quy trình tự nhiên của nó, chúng ta sẽ hoàn toàn phá hủy hệ thống y tế và thậm chí đối mặt với tình huống tệ hơn những gì chúng ta đã trải qua vào đầu năm 2020”, James Lawler, đồng giám đốc Trung tâm An ninh Y tế Toàn cầu của Đại học Nebraska, nói.
Ông cho biết ông không còn nhìn thấy các biện pháp phòng ngừa được áp dụng trong giai đoạn đầu đại dịch. Đầu tuần này, khi đến siêu thị, hầu như chỉ có mỗi mình ông là đeo khẩu trang.
“Không có yêu cầu bắt buộc nào”, ông nói. “Cách duy nhất để đạt được mức độ tuân thủ cao (với việc đep khẩu trang) là biến nó thành bắt buộc”.
Covid-19 có thể tạo ra các biến chủng mới và làm chệch hướng dự đoán của giới khoa học. Ảnh: Washington Post. |
Trên khắp nơi, sự mệt mỏi khi bước sang năm thứ 3 dịch bệnh cùng thái độ phó mặc số phận đang khiến các hạn chế mà nhiều chuyên gia y tế công cộng coi là biện pháp thông thường trong một đại dịch dần biến mất. Nhiều người dần cảm thấy rằng con người đã thua trong trận chiến với virus.
Các quan chức y tế công cộng cảnh báo rằng đây là một thái độ nguy hiểm. Đúng là đối với một số cá nhân, rủi ro có thể thấp. Nhưng đó có thể là căn bệnh chết người với những đối tượng có bệnh nền giữa hàng triệu người bị mắc.
Rasmussen, nhà virus học của Đại học Saskatchewan, nằm trong số các chuyên gia cho rằng mọi người đã hiểu sai khái niệm về tính đặc hữu – đó là thời điểm virus tiếp tục lưu hành ở mức độ thấp nhưng không tạo ra các đợt bùng phát dịch ở mức độ cao.
Bà bày tỏ lo ngại khi nghe được một số người nói rằng “tính chất đặc hữu của virus” là một dấu hiệu cho thấy các biện pháp hạn chế, “kháng cự” là vô ích.
“Nhiều người nghĩ rằng điều đó có nghĩa là con người bỏ cuộc. Họ nghĩ rằng ‘đặc hữu’ có nghĩa là cuối cùng chúng ta cũng sẽ bị nhiễm bệnh, vì vậy tại sao chúng ta không kết thúc nó và nhiễm bệnh luôn”, bà nói. “Những điều này không phải là ý nghĩa tính đặc hữu mà các nhà khoa học muốn truyền tải”.
Nguồn: Zing